| Hotline: 0983.970.780

Tạo vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh [Bài cuối]: Bình Phước - điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư

Thứ Năm 29/06/2023 , 09:14 (GMT+7)

Đông Nam bộ có sự chuyển dịch mạnh về chăn nuôi và Bình Phước trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nhờ làm tốt công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Lễ khánh thành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ hiện đại nhất tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Lễ khánh thành 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ hiện đại nhất tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

“Đại bàng” làm tổ

Đứng chân trên địa bàn một số huyện của tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) có tổng vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Riêng trại heo quy mô 10.000 con heo nái của Công ty Japfa Việt Nam có diện tích 22ha với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng nằm trên địa bàn xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng, đang là nơi cung ứng con giống với chất lượng được kiểm soát tốt nhất cho thị trường trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu.

Đặc biệt, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mới đây 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ hiện đại nhất tại Bình Phước của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) đã chính thức đưa vào hoạt động. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed - Farm - Food, khẳng định cam kết phát triển bền vững của công ty tại thị trường Việt Nam.

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Bình Phước giai đoạn 1 đạt công suất 240.000 tấn/năm với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2, nhà máy sẽ tăng công suất lên 480.000 tấn/năm, đảm bảo cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cho thị trường Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Được biết, đây là nhà máy hiện đại nhất của Japfa Việt Nam, được xây dựng theo công nghệ hiện đại cùng hệ thống kho lạnh ở nhiệt độ 20-25 độ C, duy trì sự ổn định về chất lượng của nguyên liệu sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước tham quan Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Japfa Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo tỉnh Bình Phước tham quan Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Japfa Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

Các yếu tố môi trường được nhà máy chú trọng thông qua việc trang bị hệ thống xử lý nước thải công suất 100m3/ngày và công nghệ khí thải lò hơi giúp giảm thiểu lượng khí Carbon.

Nhà máy giết mổ gia cầm của Japfa Bình Phước có diện tích gần 15ha, đạt công suất 60.000 con/ngày, với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Nhà máy được trang bị cơ sở hạ tầng hiện đại, được nhập khẩu từ châu Âu, đạt tiêu chuẩn GMP, HACCP, ISO 22000 và FSSC 22000.

Nhà máy chính thức đi vào vận hành đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm khách hàng như nhà hàng, khách sạn, căn tin, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh…

Sự có mặt của Japfa Việt Nam tại Bình Phước đã góp phần phát huy thế mạnh của địa phương về chăn nuôi heo, giải quyết một lực lượng lớn lao động tại địa phương, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu.

Ông Sanjeev Kumar, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cho biết: “Công ty đã và đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, nhanh chóng từ chính quyền Bình Phước, từ thủ tục hành chính đến cơ sở hạ tầng. Công ty đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ của Bình Phước đối với doanh nghiệp. Song song đó, địa phương này có quỹ đất lớn, vùng an toàn dịch bệnh đảm bảo… Đó cũng là lý do Japfa Việt Nam chọn Bình Phước là nơi đầu tư những dự án quan trọng”.

Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam Arif Widjaja cho biết thêm: Japfa Việt Nam đặt mục tiêu 1,5 triệu tấn năm 2023, hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed - Farm - Food và tuyển dụng hơn 200 lao động địa phương. Giai đoạn tiếp theo, công ty sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư để tối ưu năng suất sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại giá trị cho khách hàng, hướng đến mục tiêu hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Tiềm năng còn rất lớn

Bình Phước có diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh, thành phía Nam và tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Ở vị trí ngã ba Đông Dương, Bình Phước có điều kiện giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 13 thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh qua Bình Dương lên Bình Phước, đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Quốc lộ 14 kết nối các tỉnh Tây nguyên qua Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh.

Tuyến ĐT741 - Tân Vạn kết nối liên thông các khu công nghiệp với cảng biển Thị Vải, Cái Mép… Đặc biệt, từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đến Bình Phước chỉ mất 1 giờ 30 phút…

Bình Phước có dân số khoảng 1 triệu người, gần 60% dân số trong độ tuổi lao động. Người Bình Phước hài hòa, thân thiện, yêu lao động, khát khao làm giàu, có trình độ dân trí và tay nghề cao.

Người Bình Phước hài hòa, thân thiện, yêu lao động, khát khao làm giàu, có trình độ dân trí và tay nghề cao. Ảnh: Trần Trung.

Người Bình Phước hài hòa, thân thiện, yêu lao động, khát khao làm giàu, có trình độ dân trí và tay nghề cao. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian qua, Bình Phước đã và đang trở thành nơi đáng sống với không khí trong lành, ôn hòa, cuộc sống yên bình, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Đặc biệt, với điểm sáng trong việc triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, theo các doanh nghiệp đánh giá, nhờ xây dựng các nhà máy, khu sản xuất, chăn nuôi trong vùng an toàn dịch bệnh giúp các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, tạo động lực chế biến các sản phẩm vươn xa, xuất khẩu ra các thị trường lớn. Từ đó, các doanh nghiệp chọn Bình Phước để đầu tư.

Giai đoạn 2018-2022, Bình Phước thu hút hơn 2 tỷ 79 triệu USD vốn FDI. Lũy kế tổng số dự án đầu tư thu hút (còn hiệu lực đến nay) là 367 dự án với tổng vốn đầu tư 3 tỷ 460 triệu USD. Trong đó khu kinh tế, khu công nghiệp có 285 dự án, số vốn đầu tư khoảng 2 tỷ 925 triệu USD, ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp có 82 dự án với số vốn đầu tư khoảng 535 triệu USD, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu “về làm tổ”.

Người nông dân địa phương hưởng lợi khi thu hút đầu tư. Ảnh: Trần Trung.

Người nông dân địa phương hưởng lợi khi thu hút đầu tư. Ảnh: Trần Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho doanh nghiệp (DN). Tỉnh cũng thực hiện hiệu quả phương châm "2 nhanh, 3 tốt".

Ðó là giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh; chính sách tốt, hạ tầng tốt và tình cảm tốt, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm cơ hội làm ăn, sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đưa Trung tâm IOC vào hoạt động với mục đích hình thành một "chính quyền điện tử" phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.

Đối với ngành chăn nuôi, tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh là ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi hướng đến chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường, đồng thời hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi lưu thông trên thị trường và đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Thu hút đầu tư, động lực phát triển ngành chăn nuôi địa phương. Ảnh: Lê Bình.

Thu hút đầu tư, động lực phát triển ngành chăn nuôi địa phương. Ảnh: Lê Bình.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định: Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Phước rất vui mừng khi Công ty Japfa Việt Nam chọn tỉnh là điểm đến đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam với cam kết đăng ký chuỗi dự án chăn nuôi 230 triệu USD. Sự có mặt của Japfa là minh chứng thuyết phục cho sự hấp dẫn của tỉnh Bình Phước trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp FDI lớn.

Theo Kết luận số 368-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, mục tiêu chung là xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Qua đó tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.