Đáng mừng là đến nay, heo VietGAHP của TP đã bắt đầu có được đầu ra ổn định.
Theo Ban Quản lý Dự án LIFSAP (Sở NN-PTNT TP HCM), trong 5 năm qua, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và ATTP đã tiến hành xây dựng 2 vùng GAHP tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn, qua đó lựa chọn được 9 xã tại với 40 nhóm và 848 hộ chăn nuôi tham gia.
Đến nay, Dự án đã cấp giấy chứng nhận VietGAHP cho 646 hộ (năm 2014 là 414 hộ; đợt 1 năm 2015 là 232 hộ) và dự kiến hoàn thành chứng nhận VietGAP cho 95 hộ đợt 2/2015 vào cuối năm nay.
Những hiệu quả của chăn nuôi theo GAHP ở ngoại thành TP HCM đã được thể hiện khá tích cực.
Cụ thể, Ban Quản lý Dự án LIFSAP đã thực hiện 7 đợt lấy mẫu huyết thanh với 1.562 mẫu, đồng thời điều tra dịch tễ và giám sát hàng ngày ở các hộ chăn nuôi tại 9 xã vùng GAHP. Kết quả là 100% các hộ không phát hiện nhiễm virus LMLM và dịch tả heo trên đàn heo. Điều này cho thấy, mô hình GAHP là mô hình phòng chống bệnh tốt nhất hiện nay.
Về lấy mẫu môi trường, đã thực hiện 5 đợt lấy mẫu và phân tích ở khu chăn nuôi với 140 mẫu nước thải tại 140 hộ chăn nuôi, 93 mẫu nước thải tại các chợ thực phẩm tươi sống, để đánh giá hiện trạng, hiệu quả môi trường tại các khu chăn nuôi và các chợ thực phẩm đã được đầu tư nâng cấp, với kết quả đạt yêu cầu theo quy định.
Về lấy mẫu TĂCN, đã lấy mẫu 6 đợt với 161 mẫu gộp của 805 lượt hộ chăn nuôi và 22 mẫu tại 22 đại lý thuộc 2 vùng GAHP huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.
Các mẫu gộp lấy tại các hộ chăn nuôi đều có kết quả phân tích không phát hiện dư lượng kháng sinh trong thức ăn, không có chất cấm thuộc nhóm BETA-AGONIST (Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamin), không vi phạm chỉ tiêu độc tố nấm mốc (Aflatoxin tổng số và Aflatoxin B1).
Như vậy, có thể khẳng định các mô hình nuôi heo VietGAHP ở TP HCM đã giúp người chăn nuôi nâng cao nhận thức, tạo ra sản phẩm có chất lượng, cung ứng nguồn thực phẩm sạch, bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
Việc đầu tư xây dựng hầm Biogas, hố sát trùng trước khi vào chuồng trại, hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư, sửa sang chuồng trại bảo đảm an toàn sinh học, giúp người chăn nuôi giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, tăng tỷ lệ nuôi sống đàn heo, rút ngắn thời gian chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển chăn nuôi bền vững
Tuy nhiên, trong 5 năm qua, nuôi heo VietGAHP ở TP HCM vẫn gặp phải những khó khăn lớn, nhất là ở khâu tiêu thụ. Việc tiêu thụ sản phẩm VietGAP giữa người chăn nuôi và đơn vị thu mua còn hạn chế do các hộ chăn nuôi nhỏ, số lượng giao không nhiều, không liên tục. Chưa có cửa hàng, quầy sạp giới thiệu sản phẩm và logo nhãn hiệu, bao bì nhận biết sản phẩm VietGAP tiêu thụ trên thị trường để người tiêu dùng lựa chọn, so sánh.
Khó khăn lớn nói trên đã bắt đầu được giải quyết khi có sự tham gia của Cty TNHH Dịch vụ An Hạ (gọi tắt là Cty An Hạ) và sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT TP HCM, trong việc tìm đầu ra cho heo VietGAHP. Cụ thể, vào ngày 9/10, Cty An Hạ đã khai trương điểm bán thịt heo VietGAHP tại chợ Hòa Bình (Q5, TP HCM).
Thịt heo bán tại điểm này được lấy nguồn từ 646 hộ chăn nuôi đã được chứng nhận VietGAHP ở Hóc Môn và Củ Chi. Điều đáng chú ý là giá bán thịt heo VietGAP được Cty An Hạ xây dựng ở mức ngang bằng với giá bán thịt heo bình thường của các sạp khác trong chợ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, GĐ Cty An Hạ, lý giải, để có được giá bán như vậy, Cty đã tiết giảm lợi nhuận, liên kết chặt chẽ với người chăn nuôi, tự tổ chức thu mua, giết mổ rồi đưa về bán ngay tại chợ cho người tiêu dùng nên không tốn thêm chi phí cho khâu trung gian nào. Ngay sau khi khia trương điểm bán tại chợ Hòa Bình, heo VietGAHP đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng TP HCM. Có những người từ các huyện ngoại thành cũng không quản đường xá xa xôi, vào tận chợ Hòa Bình để mua heo VietGAHP.
Thế nhưng, sự hút khách nói trên của heo VietGAHP lại khiến cho nhiều tiểu thương bán thịt heo thông thường ở chợ Hòa Bình cảm thấy “nóng mặt”. Họ đã liên tục gây sức ép, buộc Cty An Hạ phải gỡ bỏ các từ ngữ có liên quan đến thịt sạch dán trên quầy sạp, còn bảng giá thì phải làm nhỏ lại.
Không những thế, hiện nay, nhiều tiểu thương tại chợ này còn tự ý treo biển thịt sạch trên quầy sạp của mình, dù thịt heo mà họ bán không có nguồn gốc từ những trang trại được chứng nhận VietGAHP.
Điều này đã khiến cho người tiêu dùng khó khăn hơn trong việc tìm đúng chỗ bán thịt heo VietGAHP tại chợ Hòa Bình. Đáng buồn là dù Cty An Hạ đã có khiếu nại, nhưng Ban Quản lý chợ Hòa Bình vẫn chưa có những động thái để chấn chỉnh hiện tượng không hay này.
Dầu vậy, Cty An Hạ đã không nản chí. Gần đây, Cty đã liên tục mở thêm 3 điểm bán thịt heo VietGAHP trên địa bàn TP HCM, gồm 1 điểm ở chợ Tân Định (Q1), 1 điểm tại cửa hàng bán thực phẩm an toàn trên đường Hai Bà Trưng (Q1) và 1 điểm ở chợ Bà Điểm (Hóa Môn).
Tại điểm bán ở chợ Bà Điểm, giá thịt heo VietGAHP vẫn ngang với thịt heo thông thường. Còn tại 2 điểm kia, do hướng tới đối tượng khách hàng cao cấp hơn nên giá có nhỉnh hơn thịt heo thông thường một chút.
Bên cạnh đó, Cty An Hạ đang đẩy mạnh việc tiêu thụ thịt heo VietGAP ở các nhà hàng, trường học … Nhờ đó, mỗi ngày, Cty đã tổ chức thu mua giết mổ và tiêu thụ bình quân 200-250 con heo, góp phần quan trọng trong việc tạo đầu ra ổn định cho người nuôi heo VietGAHP trên địa bàn TP và giúp cho nhiều người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm thịt heo an toàn.