Theo tính toán của các kỹ sư, khi tổ máy số 1 này phát điện một triệu kilowatt trong một giờ, nó có thể cung cấp điện cho một gia đình bình thường Trung Quốc sử dụng trong hơn 400 năm.
Sự kiện được tổ chức đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tại lễ khai trương dự án thủy điện Bạch Hạc Than hôm nay, các chuyên gia và quan chức lưu ý rằng bước đột phá của siêu dự án này đánh dấu một cột mốc mới trong phát triển thủy điện ở Trung Quốc. Đồng thời phản ánh tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành trung ương, trong việc tập trung toàn lực cho các dự án lớn.
Thủy điện Bạch Hạc Than nằm ở hạ lưu sông Kim Sa, giao cắt với thượng lưu của sông Dương Tử, giáp ranh biên giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam. "Đây là một công trình tầm cỡ vì tính đến thời điểm hiện tại, không có thủy điện nào quy mô hơn nó trên khắp thế giới", Chen Jianlin, kỹ sư trưởng của Nhà máy Thủy điện Bạch Hạc Than nói.
Ông Chen lưu ý rằng, kể từ khi bắt đầu xây dựng dự án vào năm 2017, nó đã phải trải qua nhiều vấn đề kỹ thuật cực kỳ khó khăn như địa chất mỏng, gió khô nóng ở thung lũng và khối lượng bốc dỡ khai quật lớn.
Khi hoàn thành đập thủy điện Bạch Hạc Than đã chính thức phá vỡ một số kỷ lục thế giới, bao gồm các hang ngầm lớn nhất, các thông số chống địa chấn lớn nhất của một con đập cao 300 mét, và các hang trên đập tràn lớn nhất. Trong số các kỷ lục thế giới mà dự án này đạt được, nổi bật nhất là cỗ máy phát điện 1 triệu KW do Trung Quốc phát triển, cao hơn 50 mét và nặng hơn 8.000 tấn, tương đương với trọng lượng của tháp Eiffel.
Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than có tổng cộng 16 tổ máy phát điện, với sản lượng dự kiến 62 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm, cao gấp hơn 15 lần năng lượng do đập thủy điện Hoover ở Hoa Kỳ sản xuất.
Ngoài ra nó có thể giúp giảm lượng khí thải carbon của Trung Quốc hơn 51 triệu tấn mỗi năm. Nhà máy này dự kiến sẽ là dự án thủy điện lớn thứ hai của Trung Quốc, sau đập Tam Hiệp sau khi hoàn thành.
Đập thủy điện Bạch Hạc Than cũng là "đập đúc liền mạch" đầu tiên trên thế giới. Việc xây dựng con đập cao 289 mét ngốn hết hơn 8 triệu mét khối bê tông. Vật liệu này được thiết kế đặc biệt bởi các chuyên gia Trung Quốc để ngăn ngừa các vết nứt nhiệt có thể xảy ra do sự thay đổi của điều kiện nhiệt độ, thời tiết.
"Hơn một trăm năm trước, việc xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên của Trung Quốc, nhà máy thủy điện Shilongba cũng nằm ở tỉnh Vân Nam, đã buộc phải dừng lại khi các kỹ sư người nước ngoài bỏ đi, do khi đó Trung Quốc chưa thể làm chủ được kỹ thuật.
“Nhiều năm qua, trình độ khoa học kỹ thuật của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp khoảng cách với các nước có công nghệ tiên tiến. Và giờ đây, chính Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển thủy điện", ông He Wei, Phó Giám đốc Kỹ thuật dự án Thủy điện Bạch Hạc Than nói.
Sau 70 năm lên kế hoạch và hơn 10 năm xây dựng, dự án thủy điện Bạch Hạc Than đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và sự kiện hôm nay đánh dấu mốc quan trọng, một phần của lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo kế hoạch, dự án sẽ vận hành toàn bộ vào cuối năm 2022.