| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi đồng bằng thích ứng với thiên nhiên bất định: [Bài 2] Cần quản lý nguồn nước liên tỉnh

Thứ Năm 07/11/2019 , 08:56 (GMT+7)

Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ĐBSCL, Chính phủ có Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 chỉ đạo “Hạ tầng thủy lợi được xây dựng đồng bộ phù hợp với mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp”. 

Theo đó, các công trình thủy lợi trước đây “ngăn mặn, giữ ngọt” điều chỉnh sang “kiểm soát mặn-ngọt” và vấn đề quản lý nguồn nước liên tỉnh đã được đặt ra.
 

Thực trạng ở một tỉnh

Ông Nguyễn Văn Hạnh, một người dân có nhà bên cống Hộ Phòng ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trước đây cống ngăn mặn cứng ngắc để phục vụ ngọt hóa vùng Bắc quốc lộ 1A, làm người dân rất bức xúc, còn nay dễ thở rồi”. Cống được xây dựng những năm 1989-1990 kế bên quốc lộ 1A nhằm ngăn con sông lớn không cho nước mặn từ phía Nam lên phía Bắc quốc lộ 1A, để trồng lúa trên đó.

13-26-16_0411194
Cống Hộ Phòng ở tỉnh Bạc Liêu ban đầu xây dựng nhằm ngăn mặn giữ ngọt đã được điều chỉnh sang kiểm soát mặn-ngọt để phát triển tôm-lúa vùng trên cống.

Thế nhưng khi nước biển dâng cao, mở ra việc nuôi tôm có giá trị lớn thì việc đóng cống bị người dân phản ứng. Sau đó, việc vận hành cống được điều chỉnh để phục vụ phía Bắc quốc lộ 1A phát triển tôm-lúa, chỉ đóng cống khi triều cường nhằm kiểm soát độ mặn và phạm vi xâm nhập, còn lại mở thông thoáng.

Thông tin tại hội nghị về nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao và mô hình tôm - lúa bền vững chất lượng cao chiều ngày 24/10/2019 của tỉnh Bạc Liêu cho biết, tôm-lúa vùng Bắc quốc lộ 1A, năm nay đã đạt hơn 37.700ha.

Với năng suất tôm 230 - 350 kg/ha và năng suất lúa 4,4 - 5 tấn/ha, lợi nhuận đạt 40 - 60 triệu đồng/ha. Bạc Liêu xác định tiềm năng mở rộng diện tích tôm-lúa lên 50.000ha trong thời gian tới, bên cạnh kết quả kinh tế còn tạo ra hệ sinh thái môi trường an toàn, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Còn vùng Nam quốc lộ 1A và ven biển phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, đến nay đã có 1.845ha theo phương thức 2 giai đoạn, hồ tròn. Trong đó, có 13 công ty và 2 đơn vị sự nghiệp nuôi hơn 950ha và 324 hộ dân nuôi hơn 895ha. Nuôi tôm siêu thâm canh đòi hỏi vốn đầu tư 1-1,6 tỷ đồng/ha, lợi nhuận thu được từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.

Dự họp có nhiều cơ quan nghiên cứu và tổ chức xã hội, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm. Các phát biểu cho biết, vùng sinh thái mặn - ngọt luân phiên tôm – lúa, chất lượng nguồn nước biến động nhanh và mạnh, khi cần nước ngọt cho lúa thì có thể bị mặn, khi cần nước mặn thích hợp để nuôi tôm thì độ mặn có thể lại quá cao nên sản xuất gặp khó, rất cần hệ thống thủy lợi hỗ trợ.

 Vùng sản xuất theo hệ sinh thái mặn (chuyên tôm) có thời điểm độ mặn quá cao gây hại về năng suất, người dân đã khai thác nước ngầm để pha loãng lại góp phần làm sụt lún đất nên cũng cần công trình thủy lợi hỗ trợ.

Các vùng nuôi tôm nếu được công trình thủy lợi hỗ trợ kiểm soát nguồn nước sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Bạc Liêu phát triển ngành tôm mạnh hơn. Bạc Liêu đặt mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD vào năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ tôm của Chính phủ.
 

Hình thành ba vùng nông nghiệp

Thực tiễn sản xuất nông nghiệp trong tình hình biến đổi khí hậu, Bộ NN- PTNT cho biết ĐBSCL đã hình thành ba vùng nông nghiệp khá rõ nét. Đó là vùng thượng với trọng điểm phát triển lúa và cá tra, vùng giữa tập trung nông nghiệp miệt vườn với thủy sản nước ngọt, vùng ven biển phát triển thủy sản.

Công tác thủy lợi để phục vụ sự thích ứng, theo Bộ NN- PTNT, vùng thượng tăng khả năng hấp thụ lũ, thoát lũ, ứng phó với các đợt lũ cực đoan; giảm ngập úng đô thị và ô nhiễm môi trường trong các khu đê bao triệt để, phòng chống sạt lở bờ sông.

Hạn chế phát triển đê bao triệt để, thay vào đó gia cố hệ thống đê bao tháng 8, nạo vét kênh mương tăng khả năng chủ động lấy nước để tạo điều kiện linh hoạt trữ và điều tiết lũ, đồng thời hỗ trợ sản xuất, phát triển sinh kế khác ngoài hai vụ lúa.

Vùng giữa hạn chế phát triển đê bao; nạo vét nâng cấp hệ thống kênh nối sông Tiền với sông Hậu, nhằm tăng khả năng thoát lũ, phân phối lại tỷ lệ dòng chảy sông Mê Kông. Bảo vệ cục bộ các đô thị và nông thôn, điều chỉnh hệ thống thủy lợi cho phù hợp rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Ở vùng ven biển, đảm bảo khả năng điều tiết chủ động để cấp ngọt và mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, cấp nước sinh hoạt; hạn chế tối đa sử dụng nước ngầm, phòng tránh sụt lún và sạt lở bờ biển. Theo đó xem xét các phương án xây dựng các công trình trữ nước và dẫn nước ngọt từ sông Hậu cho bán đảo Cà Mau kết hợp giảm thâm canh lúa và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp.

Thực tế quản lý tài nguyên nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ở ĐBSCL đã đầu tư một số công trình có giá trị tích cực trong kiểm soát mặn-ngọt phạm vi liên vùng.

Trong khó khăn thách thức, Nghị quyết 120 của Chính phủ ra đời khuyến khích ĐBSCL chủ động thích ứng và đã mở ra các cơ hội. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản và trái cây, giảm lúa. 
Bộ NN- PTNT cho biết, giai đoạn 2015-2018, diện tích lúa giảm từ 4.302.000 ha xuống 4.107.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản tăng từ 742.700 ha lên 807.300 ha, diện tích trái cây tăng từ 308.600 ha lên 347.600 ha.
Theo đó, tỷ trọng trong nông nghiệp, lúa giảm 1,3%; thủy sản tăng 6,6%, trái cây tăng 1,1%.

Tham luận của Bộ TN- MT tại Diễn đàn ĐBSCL hôm 18/9/2019 ở TPHCM cho biết: “Chính phủ đã đầu tư xây dựng nhiều dự án như Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre, Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1, Dự án Hệ thống thủy lợi tiểu vùng II-III-V Cà Mau, Dự án Cống âu thuyền Ninh Quới, Dự án Tha La-cống Trà Sư, các dự án hạ tầng thủy sản-cảng cá-khu neo đậu cho khu vực ĐBSCL …bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu và đang nâng dần lên khả năng chống chọi với nước dâng do bão, lũ, phát huy tốt trong kiểm soát mặn”.

Tuy nhiên, Bộ TN- MT cũng cho biết, tư duy phát triển thuận thiên theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch còn thiếu tổng thể.

Nhất là “thể chế điều phối vùng, liên kết vùng chưa được nghiên cứu, triển khai; chưa có cơ chế để các địa phương chọn lựa được những vấn đề liên vùng, qua đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế”.
 

Cần hợp tác nhiều tỉnh

Giá trị của những dự án thủy lợi liên vùng đang được các địa phương đánh giá cao. Lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị: “Đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối liên tỉnh, liên vùng mang tính đồng bộ để tạo đột phá phát triển cho Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung”.

Ông Caitlin Wiesen là Trưởng đại diện UNDP Việt Nam đề cập việc quy hoạch tích hợp: “Quy hoạch tổng thể tích hợp phải trở thành một khung duy nhất, xóa bỏ và chỉnh sửa 2.538 quy hoạch hiện có, là định hướng cho các kế hoạch đầu tư trong ương lai của các Bộ, ngành và cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của 13 tỉnh, thành ĐBSCL”.

13-26-16_0411195
Nuôi tôm đang phát triển ở tỉnh Bạc Liêu.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ: “Rất cần những dự án đầu tư liên tỉnh có hiệu quả tài chính để đảm bảo an ninh nguồn nước và quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở ĐBSCL cần có sự phối hợp cả ở cấp vùng để sống chung với nước. Cần có sự hợp tác trong vùng và liên tỉnh để giảm thiểu xung đột tiềm ẩn khi vận hành cơ sở hạ tầng về nước”.

Tại Diễn đàn ĐBSCL hôm 18/9/2019 ở TPHCM, nhiều cơ quan nước ngoài và tổ chức tài chính là đối tác phát triển của nước ta đã ra tuyên bố chung ủng hộ Việt Nam thực hiện Nghị quyết 120 phát triển bền vững ĐBSCL.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Để ĐBSCL có thể phát triển bền vững, các hoạt động đầu tư vào an ninh nguồn nước và quản lý tài nguyên nước cần được ưu tiên. Cần có những dự án đầu tư phối hợp liên ngành để thực hiện các giải pháp hiệu quả và sáng tạo nhằm giải quyết những thách thức ngày càng tăng trong việc duy trì khả năng tiếp cận nguồn nước sinh hoạt ở vùng trũng thấp bị ảnh hưởng bởi suy thoái môi trường trên toàn vùng đồng bằng, cạn kiệt tài nguyên nước và gia tăng rủi ro biến đổi khí hậu”.

Tuyên bố chung của đối tác phát triển của nước ta cam kết: “Trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để tiếp tục giải phóng tiềm năng của ĐBSCL một cách bền vững và thiết thực, hỗ trợ các cấp chính quyền trung ương và tỉnh trong việc đưa ra các quyết định chiến lược, cũng như triển khai các hành động táo bạo và sáng tạo. Để biến cơ hội thành hiện thực, cần có thể chế mạnh tập trung vào điều phối vùng, quy hoạch vùng tích hợp, huy động nguồn tài chính đa dạng cho đầu tư chuyển đổi và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Bình luận mới nhất