| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông mong ngày hết khó: [Bài 4] Mồ hôi rơi trên 'bức tường đất khổng lồ'

Thứ Năm 25/07/2024 , 16:21 (GMT+7)

Tay xách đèn bão, đầu đội đèn pin, nhân viên trong Tổ quản lý hồ Núi Một phải đi bộ suốt 2 tiếng đồng hồ trong đêm mưa gió để kiểm tra an toàn đập.

Nhiều ẩn họa trong đập đất

Hồ chứa nước Núi Một (nằm trên địa bàn xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn, Bình Định) được vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh, cùng với các hồ thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom 1 và các hồ chứa thủy lợi Định Bình, Thuận Ninh, đập dâng Văn Phong.

“Hồ được xây dựng từ năm 1978 có đập đất cao 32,5m, dài 630m nên dễ bị thiên tai uy hiếp, nhất là trong mùa mưa lũ. Bảo toàn hồ Núi Một là giữ an toàn cho hàng chục ngàn hộ dân ở phía hạ lưu thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và một phần thành phố Quy Nhơn”, ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định chia sẻ.

Được xây dựng cách nay gần nửa thế kỷ, con đập nằm chắn ngang sông An Trường trông như “bức tường đất” khổng lồ. Theo các chuyên gia ngành thủy lợi, quản lý hồ chứa có đập bê tông đã chật vật trong bối cảnh thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, quản lý hồ chứa có đập đất cao như hồ Núi Một càng chật vật gấp bội phần.

Hồ chứa nước Núi Một có đập đất cao nhất tỉnh Bình Định với 32,5m, dài 630m. Ảnh:V.Đ.T.

Hồ chứa nước Núi Một có đập đất cao nhất tỉnh Bình Định với 32,5m, dài 630m. Ảnh:V.Đ.T.

“Đập đất thường bị mối và chồn làm tổ trong thân đập, nếu không phát hiện kịp thời thì hang ổ của chúng sẽ gây rò rỉ nước qua thân đập, dẫn tới vỡ đập. Những con mối lại thích chỗ có nước, có độ ẩm cao trong đất để làm tổ. Mà chỗ có nước và có độ ẩm cao trong đập đất thường là dưới chân đập, ở vị trí này mà bị thẩm lậu, rò rỉ là vô cùng nguy hiểm”, ông Nguyễn Văn Tánh cho hay.

Nguy hiểm nhất đối với đập đất là khi hồ tích đến mực nước dâng bình thường thì thường xảy ra trượt mái hạ lưu, do dòng thấm từ thượng lưu về hạ lưu, không phát hiện kịp thời thì mái hạ lưu sẽ bị sạt lở. Còn đường tiêu nước về phía hạ lưu mà bị tắc nghẽn thì đường bão hòa trong thân đập sẽ dâng nước lên, nếu không kịp thời phát hiện thì nước từ đường bão hòa sẽ trút lên phần đất mái đập dẫn đến trượt mái, nguy cơ vỡ đập.

Theo ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ quản lý Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một, trong quá trình quản lý cần phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời những vệt nứt ngang, nứt dọc trong thân đập. Nguy hiểm nhất là những vết nứt dọc, vết nứt kéo dài từ thượng lưu về hạ lưu, nếu không phát hiện kịp thời vết nứt từ nhỏ thành lớn, nứt sâu xuống thân đập sẽ gây sự cố khó lường.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Núi Một. Ảnh: V.Đ.T.

Công trình đầu mối hồ chứa nước Núi Một. Ảnh: V.Đ.T.

“Trước mùa mưa bão hàng năm, chúng tôi yêu cầu các đơn vị quản lý công trình hồ chứa kiểm tra các bộ phận cơ khí, bộ phận đóng mở các cửa tràn, xi lanh thủy lực, điện tại các công trình đầu mối để chuẩn bị vận hành. Cửa tràn tại các hồ cũng sẽ được treo lên để thông thoáng dòng chảy. Khi được ngành chức năng cho phép tích nước, các đơn vị quản lý hồ mới hạ cửa tràn xuống, mức hạ cửa tràn tùy thuộc vào dòng chảy của lũ, làm sao để vừa giảm lũ cho hạ du vừa an toàn công trình”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chia sẻ.

“Ăn ngủ” với công trình

Mới giữa tháng 7/2024, mùa mưa bão còn khá xa ở phía trước mà 9 cán bộ của Tổ quản lý đầu mối hồ chứa nước Núi Một đã tất bật phát dọn sạch sẽ khuôn viên từ nhà quản lý đến tràn với diện tích 8-10 ha và 5 ha phần đập đất của hồ.

“9 anh em trong tổ đang kiểm tra toàn bộ công trình, nhất là các cống, tràn, đập, xem thử có lỗ mậu không, đặc biệt là những điểm có nguy cơ sạt lở, thẩm thấu”, ông Trần Văn Cẩn cho hay.

Theo ông Cẩn, nếu có cảnh báo bão hoặc mưa lớn, cứ cách một tiếng đồng hồ là 2 nhân viên của Tổ quản lý đầu mối hồ chứa nước Núi Một sẽ đi kiểm tra một lần. Mỗi lần kiểm tra các nhân viên phải đi bộ đúng 2 tiếng đồng hồ (cả lượt đi lượt về) mới kiểm tra hết diện tích tràn và thân đập.

Ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một (bìa trái), đọc thông số của hồ trên bảng quan trắc. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một (bìa trái), đọc thông số của hồ trên bảng quan trắc. Ảnh: V.Đ.T.

“Trường hợp mực nước trong hồ Núi Một đạt cao trình thiết kế và có cảnh báo lũ, tất cả anh em trong tổ phải trực chiến 100%, tự bỏ tiền túi chi phí ăn uống tại chỗ. Ban ngày thì đỡ vất vả hơn, cách 2-3 tiếng đồng hồ mới đi kiểm tra một lần. Đêm đến, bắt đầu từ 19 giờ là tổ phân công 2 người đi kiểm tra xuyên suốt con đập, nhất là mái đập và các vị trí bị thẩm lậu, những nơi có nguy cơ xảy ra sự cố”, ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một, cho hay.

Nghe ông Cẩn diễn tả cảnh thành viên trong tổ đi kiểm tra an toàn đập đất của hồ Núi Một vào ban đêm trong mưa gió bão bùng mà… rùng mình! Tay xách đèn bão, đầu đội đèn pin, những nhân viên trong tổ quản lý phải đi bộ suốt 2 tiếng đồng hồ trong diện tích hơn 10 ha, mắt căng ra nhìn xem trên mái đập có nơi nào rò rỉ hay không, nếu có thì tìm hiểu nguyên nhân tại sao, nếu nghiêm trọng thì báo cáo về công ty để xin hỗ trợ.

“Những năm trước đây, trong mùa bão lũ, nhân viên trong tổ quản lý phải thay nhau cứ 15 phút một lần lên cột thủy chí để đọc mực nước trong hồ, cách 1 tiếng đồng hồ phải báo cáo mực nước về công ty một lần. Khi ấy, nhà bảo vệ trên công trình đầu mối bị hư hỏng, anh em phải che tạm tấm bạt dưới tháp cột thủy chí để trú mưa, chờ đến lúc đọc mực nước tại cột thủy chí. Cả ngày cả đêm ai nấy người ướt như chuột lột”, ông Trần Văn Cẩn, Tổ trưởng Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một chia sẻ.

Nhân viên Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một kiểm tra công trình đầu mối trước mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Nhân viên Tổ đầu mối hồ chứa nước Núi Một kiểm tra công trình đầu mối trước mùa mưa bão. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, tại nhà quản lý hồ Núi Một đã được trang bị hệ thống quan trắc. Hệ thống này cập nhật liên tục các số liệu quan trắc về lưu lượng đến, lưu lượng đi, dung tích thiết kế và dung tích chứa của hồ hiện tại, quan trắc của các mặt cắt hồ để phát hiện thẩm lậu, lượng mưa… Thế nhưng khi có mưa lũ xảy ra, tổ trực hồ sẽ không ỷ lại vào máy móc, mà cứ cách 1 tiếng đồng hồ nhân viên sẽ trực tiếp đi kiểm tra hiện trạng của đập.

“Vào năm Giáp Thìn 1964, một trận lũ lụt lịch sử đã xảy ra, gây thiệt hại thảm khốc cho các tỉnh miền Trung từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Đến năm 2024 là đúng chu kỳ 60 năm, lo lắng trận lụt “đại hồng thủy” sẽ lặp lại, nên công tác "trực chiến" bảo đảm an toàn công trình hồ Núi Một sẽ được thực hiện nghiêm cẩn hơn”, ông Trần Văn Cẩn chia sẻ.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.