| Hotline: 0983.970.780

Thủy nông mong ngày hết khó: [Bài 6] Doanh nghiệp 'đói' vốn

Thứ Hai 29/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Lương, điện tăng nhưng phí/giá thủy lợi hơn 10 năm qua không tăng. Đây là bất cập khiến các đơn vị thủy nông gặp khó trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi.

Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp

Chi nhánh thủy lợi Quảng Xương (Công ty TNHH MTV Sông Chu) đang quản lý, vận hành cống tiêu Quảng Châu và 50km kênh mương nội đồng. Hệ thống được xây dựng năm 1976 có nhiệm vụ tiêu cho gần 14 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp tại các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương và thành phố Thanh Hóa.

Sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng. Cụ thể, giàn công tác, cột tời bị nổ bê tông, lòi thép, khi vận hành bị rung lắc. Nhiều cột lan can bằng thép bảo vệ phần hạ lưu cống bị oxy hóa, đứt chân. Sàn bê tông hạ lưu bờ tả cống bị nứt vỡ, sụt lún. Mái lát đá thượng lưu tại vị trí hai tường cánh bị sạt lở nhiều vị trí; mái đá hạ lưu bị bong, lốc. Mặt bê tông bờ tả cống bị nứt vỡ, sụt lún… Toàn bộ tường, trần nhà của khu vực quản lý bị bong tróc vữa, ẩm mốc, hoen ố, gạch lát nền bị vỡ, hỏng.

Công trình thủy lợi cống tiêu Quảng Châu đã xuống cấp gây khó khăn trong việc vận hành. Ảnh: Quốc Toản.

Công trình thủy lợi cống tiêu Quảng Châu đã xuống cấp gây khó khăn trong việc vận hành. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Cao Thế Sơn, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Quảng Xương - Công ty TNHH MTV Sông Chu (Thanh Hóa) cho biết: "Do công trình xây dựng và sử dụng lâu năm, thường xuyên tiếp xúc với nước nhiễm mặn dẫn đến hư hỏng. Đặc biệt, khi vận hành cống tiêu, giàn công tác (dùng để kéo tời) thường xuyên bị rung lắc gây nguy hiểm cho cán bộ thủy nông trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị quản lý đã báo cáo và được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cấp kinh phí tu sửa trong thời gian tới”.

Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.524 công trình thủy lợi đầu mối; trong đó có 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm. Hệ thống hạ tầng thủy lợi đã và đang phục vụ tưới, tiêu ổn định cho 310.000ha đất gieo trồng cây hàng năm.

Nhiều năm qua, việc quản lý và vận hành các công trình thủy lợi đều được các đơn vị, địa phương thực hiện tốt, cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đa phần công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đều đã được xây dựng lâu năm, không đồng bộ, việc đại tu, sửa chữa lại hạn chế, nên nhiều công trình đã xuống cấp.

Nhiều hạng mục công trình bị nứt, vỡ, hoen gỉ do có tuổi đời khá lâu. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều hạng mục công trình bị nứt, vỡ, hoen gỉ do có tuổi đời khá lâu. Ảnh: Quốc Toản.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 1.286 công trình thủy lợi bị hư hỏng, cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa; 173 hồ chứa; 106 công trình đập dâng; 276 công trình trạm bơm; 609 công trình là kênh và hệ thống kênh tưới tiêu; 56 công trình là cống tưới... Toàn tỉnh có 86 hồ chứa bị hư hỏng nặng có nguy cơ mất an toàn. Các công trình thủy lợi xuống cấp đã khiến việc điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương gặp nhiều khó khăn. 

Lương, điện tăng, nhưng nguồn thu… không tăng

Công ty TNHH MTV Sông Chu hiện nay đang quản lý 3 hệ thống tưới lớn gồm: Hệ thống tưới Bái Thượng, hệ thống tưới sông Mực, hệ thống tưới Yên Mỹ và 73 hồ đập lớn, nhỏ khác. Ngoài ra doanh nghiệp này còn quản lý hơn 200 trạm bơm với gần 500 máy bơm, phục vụ tưới tiêu cho gần 140.000ha đất nông nghiệp mỗi năm. 

Theo ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu, trong công tác quản lý các công trình thủy lợi, mối lo ngại chính là tình trạng lấn chiếm hành lang, xâm hại công trình thủy lợi và tình trạng người dân xả rác thải xuống lòng kênh, gây khó khăn trong việc vận hành đảm bảo nguồn nước tưới tiêu. Nguyên nhân là do ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước và công trình thủy lợi chưa cao. Trước thực tế trên, trong thời gian qua, đơn vị quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các hành vi vi phạm. 

“Ở Thanh Hóa đã từng xảy ra hiện tượng đào, đặt ống trên công trình thủy lợi làm vỡ kênh, cuốn trôi hàng chục nóc nhà. Đối tượng vi phạm sau đó đã bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật. Do đó, chúng tôi mong muốn người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ an toàn công trình thủy lợi. Hiện Công ty TNHH MTV Sông Chu Thanh Hóa đang tập trung lực lượng, phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát, tăng cường quản lý, tuyên truyền để người dân không cơi nới, san lấp, xây dựng các hạng mục công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi”.

Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo ông Luận, việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành hệ thống công trình thủy lợi hiện này còn gặp khó khăn do chính sách thủy lợi phí không thay đổi về giá trong hơn một thập kỷ qua. 

“Đối với lĩnh vực cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, từ năm 2008, Nhà nước thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí và "trả hộ" thủy lợi phí (nay là giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi) cho người dân. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp thủy nông, Nhà nước vẫn áp dụng cơ chế giá cung cấp dịch vụ công ích thủy lợi từ năm 2012 tới nay, khiến đơn vị quản lý gặp khá nhiều khó khăn trong việc quản lý, vận hành. Mặt khác diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp hoặc các lĩnh vực sản xuất khác khiến doanh thu của công ty từ hoạt động cung cấp nước sản xuất nông nghiệp giảm đi, nhưng chi phí quản lý duy tu, bảo dưỡng công trình không những không giảm mà còn tăng. Trong 12 năm qua, lương, điện, giá vật tư, nhiên vật liệu tăng nhiều lần nhưng nguồn thu không tăng”, ông Luận chia sẻ.

Để có nguồn lực đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa cùng chính quyền các địa phương đã và đang thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để đầu tư sửa chữa, xây mới các công trình thủy lợi. 

Trong đó, các đơn vị luôn ưu tiên nguồn vốn để triển khai nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi, nhất là đối với các công trình thủy lợi phục vụ vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn. Cùng với đó, chính quyền các địa phương luôn nỗ lực huy động nguồn vốn từ công tác xã hội hóa, sự đóng góp ngày công, tiền của nhân dân để xây mới hệ thống kênh mương, kênh dẫn phục vụ công tác tưới, tiêu nội đồng.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 301 công trình thủy lợi đầu mối được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hoàn thiện; trong đó có 104 công trình hồ chứa nước, 130 đập dâng, 67 trạm bơm. Hiện tại, có 69 công trình thủy lợi đang được thi công; trong đó, hồ chứa 36 công trình, đập dâng 11 công trình, trạm bơm 10 công trình, kênh mương 12 công trình.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thi công 109 công trình thủy lợi và 71 công trình thủy lợi chuẩn bị được đầu tư. Tại hầu hết những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng thủy lợi đều được đầu tư đồng bộ, kiên cố, đảm bảo tưới tiêu cho hơn hầu hết diện tích cây trồng.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.