Hải Phòng có bờ biển dài 125km, với vùng biển là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng hải sản ở vùng biển Hải Phòng đạt gần 160 nghìn tấn, chiếm đến 20% tổng trữ lượng hải sản vùng Vịnh Bắc bộ...
Đánh thức tiềm năng
Đến nay, tổng số tàu thuyền khai thác thủy sản của Hải Phòng khoảng 3.365 chiếc. Con số này đang giảm dần bình quân 0,47%/năm. Nhưng trong 10 năm qua, tổng công suất tàu tăng từ hơn 93 nghìn CV lên gần 123 nghìn CV.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hải Phòng, cơ cấu tàu thuyền theo nhóm công suất có sự thay đổi theo hướng tăng nhóm tàu công suất lớn, giảm nhóm tàu công suất nhỏ. Nhóm tàu có công suất dưới 90 CV giảm nhanh, nhóm tàu có công suất trên 250 CV tăng với tổng số tàu hiện có là hơn 140 tàu. Điều này thể hiện xu hướng phát triển lĩnh vực khai thác theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Hải Phòng, dịch vụ hậu cần nghề cá 5 năm gần đây phát triển mạnh. Bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu xăng, dầu, nước đá, ngư lưới cụ, thiết bị thông tin hàng hải, phụ tùng máy thủy, sửa chữa tàu thuyền, bến bãi neo đậu…cho khoảng 12.000 lượt tàu mỗi năm.
Hiện thành phố đã xây dựng được 12 khu neo đậu tránh trú bão, bảo đảm chỗ neo đậu tránh trú bão cho hơn 4.000 tàu thuyền các loại. Các cơ sở dịch vụ nghề cá hiện đại dần hình thành và phát triển như cảng cá Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Ngọc Hải, bến cá Mắt Rồng.
Những năm qua, Hải Phòng đã trở thành cái nôi đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy sản. Rất nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đóng chân trên địa bàn, đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương như Viện Nghiên cứu Hải sản, Viên Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc...
Nhờ vậy, Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên của miền Bắc sản xuất được nhiều giống thủy sản nước mặn, nước lợ có giá trị cao như cá giò, cá song, cá hồng mỹ, tu hài, hàu... Mỗi năm, thành phố Cảng cung cấp gần 1 tỷ tấn giống tôm, cá các loại cho các tỉnh, thành phía Bắc. Trong đó, đáng kể là các giống có giá trị kinh tế cao như cua biển, tôm rảo, tôm càng xanh, cá chim trắng, rô phi đơn tính, cá giò, cá song.
Đối mặt khó khăn
Chất lượng nguồn nhân lực đang là một trở ngại lớn trên con đường phát triển ngành thủy sản. Hiện toàn thành phố có 8% dân số (trên 85 nghìn lao động) trong lĩnh vực thủy sản nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại bộ phận lao động chưa qua đào tạo...
Cơ cấu sản xuất thủy sản và cơ cấu tàu thuyền khai thác thủy sản chưa hợp lý. Nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở nhóm thủy sản truyền thống, còn nhóm đặc sản chiếm tỷ trọng thấp. Gần 58% số tàu thuyền khai thác thủy sản hoạt động ở khu vực ven bờ. Thị trường và sản phẩm thủy sản xuất khẩu cũng chưa đa dạng.
Sản xuất giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vỹ
Tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản chủ yếu về số lượng (tăng sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến) hơn chất lượng và vẫn phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố vốn, lao động. Trình độ khoa học - công nghệ trong sản xuất thủy sản còn hạn chế, nghiên cứu khoa học chưa thực sự gắn liền với thực tiễn sản xuất...
Tìm hướng đi
Theo Quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND thành phố thông qua, Hải Phòng sẽ đầu tư trên 7.000 tỷ đồng để phát triển ngành thủy sản từ nay đến năm 2030.
Thành phố hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá lớn, đưa thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn có khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững.
Với mục tiêu đó, thành phố sẽ hình thành các cảng cá loại 1, loại 2 làm động lực cùng với các nhà tập kết, phân loại sản phẩm thủy sản, khu mặt nước, luồng, kho lạnh, khu phi thuế quan, xăng dầu, dịch vụ thương mại. Cảng cá Bạch Long Vỹ sẽ trở thành cảng cá loại 1.
Cùng với Trung tâm hậu cần nghề cá ở xã Trân Châu (huyện Cát Hải) đã xây dựng, thành phố tiếp tục phát triển một số cảng cá ở huyện Thủy Nguyên, quận Đồ Sơn là cảng cá loại 2 và một số bến cá, khu neo đậu khác ở huyện Kiến Thụy, quận Dương Kinh, quận Hải An.
Đồng thời sẽ xây dựng hệ thống các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong đó, hình thành cơ sở chế biến quy mô công nghiệp thu hút nguồn nguyên liệu của các địa phương khác. Phát triển các cơ sở đóng sửa tàu cá lớn, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành thủy sản…