| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản phát triển toàn diện, xuất khẩu ước đạt 9 tỷ USD

Thứ Ba 25/12/2018 , 08:33 (GMT+7)

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết ngành thủy sản vào chiều 24/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chúc mừng những thành tựu mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn ngành gặt hái được trong năm 2018.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: KC

Bộ trưởng lưu ý, ngành thủy sản trong năm 2019 tiếp tục đoàn kết, sáng tạo thực hiện nhiều biện pháp mạnh để sớm được EC gỡ thẻ vàng và triển khai hiệu quả Luật Thủy sản.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, những năm gần đây các nước đều giành một nguồn lực lớn cho đầu tư ngành nông nghiệp nên càng tạo ra nhiều áp lực cho SXNN trong nước, nhất là các rào cản kỹ thuật mà đối tác đặt ra. Nhắc đến điều này, Bộ trưởng mong muốn toàn ngành thủy sản, trong năm 2019 tập trung cho mấy vấn đề lớn.

Chẳng hạn trong Luật Thủy sản thể hiện rõ từ một nghề cá truyền thống nhân dân sang một nghề cá hiện đại có trách nhiệm và phát triển bền vững. Vì thế ngành thủy sản phải thể hiện quyết tâm hành động cao nhất để sớm gỡ được thẻ vàng. Ông nói, việc gỡ thẻ vàng và xây dựng chiến lược nghề cá hiện đại trách nhiệm bền vững là hai việc làm song song và khác nhau.

Mục tiêu lâu dài của Việt Nam vẫn là xây dựng chiến lược nghề cá hiện đại có trách nhiệm và phát triển bền vững. Vì thế cần tập trung cải cách hành chính, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp; tinh thần cái gì xã hội hóa được là tiến hành làm ngay. Đột phá các nhóm giải pháp KHCN, chế biến, thị trường; chú ý phát triển các thiết chế hạ tầng ngành. Xác định trách nhiệm người đứng đầu.

“Việc bị EC rút thẻ vàng với 9 kiến nghị, chúng ta coi đó là cơ hội để xem lại mà làm mới mình, làm cho nó tốt lên”, Bộ trưởng nói.

Báo cáo trước hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2018, ngành thủy sản đối mặt với một số khó khăn như chịu tác động 9 cơn bão, một số đợt gió mùa, tình hình an ninh trên biển diễn biến phức tạp, thẻ vàng của EC, biến động của thị trường thế giới và một số rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản. Song nhìn chung, ngành thủy sản đã có nhiều khởi sắc như nguồn lợi một số loài thủy sản phục hồi; thị trường tiêu thụ hải sản và giá nguyên, nhiên liệu tương đối ổn định.  

Theo ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, năm 2018, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt khoảng 228.139,8 tỷ đồng, tăng 7,7% so với năm 2017; tổng sản lượng đạt khoảng 7,74 triệu tấn, tăng 7,2%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 9 tỷ USD, tăng 8,4%. Trong đó hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017.

Về tình hình sản xuất giống một số đối tượng thủy sản chủ lực cơ bản đã đáp ứng nhu cầu giống cho nuôi. Cả nước có 2.457 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó có 1.855 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 602 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Năm 2018, số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập khẩu khoảng 200.000 con; sản lượng tôm giống sản xuất là 120 triệu con tôm giống.

Về cá tra, cả nước hiện có 230 cơ sở sản xuất giống cá tra, 4.000 hộ ương dưỡng cá giống, sản xuất được khoảng 25 tỷ cá tra bột, hơn 2,5 tỷ cá tra giống.

Năm 2018, lần đầu tiên Tổng cục Thủy sản đã chủ trì, tổ chức ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ giữa một số địa phương sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm trọng điểm. Việc ký Quy chế phối hợp trong quản lý giống đã giúp kiểm soát tốt chất lượng tôm giống và có thể truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng việc thực hiện Quy chế này.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 ước đạt 1,3 triệu ha, bằng 106% so với cùng kỳ 2017, sản lượng nuôi dự kiến đạt 4,3 triệu tấn, tăng 8,3% (tôm các loại 800 nghìn tấn, tăng 10,5%; cá tra 1,42 triệu tấn, tăng 14,0%).

Về tình hình nuôi biển (cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, rong biển, cua ghẹ...), tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, diện tích nuôi cá biển 6.000 ha, sản lượng 32 nghìn tấn; nhuyễn thể 45 nghìn ha, sản lượng 320 nghìn tấn; tôm hùm 1,6 nghìn tấn, cua ghẹ hơn 60 nghìn tấn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2018, hoạt động của ngành còn tồn tại một số hạn chế. Đó là, chất lượng giống cá tra vẫn chưa được cải thiện rõ nét. Chất lượng cá giống thấp dẫn đến hệ lụy về sức cạnh tranh lâu dài của sản phẩm. Tôm giống vẫn còn lệ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu, có thể bị tác động khi các quốc gia hoặc doanh nghiệp xuất khẩu thao túng thị trường này.

Một số sản phẩm có tiềm năng vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng hoặc chưa ổn định như nuôi cá biển, trồng rong biển, nuôi tôm hùm, nuôi cá rô phi. Công tác quản lý vật tư dùng trong nuôi trồng thủy sản đã có chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng người nuôi lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản.

Đầu tư cho cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất, tình trạng thiếu cảng để neo đậu và bốc dỡ sản phẩm khai thác.

Tình trạng thiếu lao động trong khai thác hải sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương dẫn đến tàu cá thiếu lao động phải nằm bờ và dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin kết nối giữa các cảng, các Chi cục và Tổng cục Thủy sản vì vậy công tác xác nhận chứng nhận nguyên liệu thủy sản khai thác còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác tham mưu quản lý ngành.

Năm 2019, ngành thủy sản đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh): 4,25% so với 2018. Trong đó: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng 5,19%; tốc độ tăng giá trị sản xuất khai thác 2,72%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản: 10 tỷ USD, tăng 11,1%.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.