| Hotline: 0983.970.780

Tiếc đứt ruột khi người dân rầm rộ chặt phá vườn cao su để bán ... gỗ

Thứ Sáu 16/12/2016 , 14:30 (GMT+7)

Thương lái đến đặt mua gỗ cao su với giá cao nên nhiều người dân đã không ngần ngại chặt phá hàng trăm hecta cây đang độ tuổi thu hoạch để bán.

08-39-44_1

Nhiều diện tích cao su đang trong độ tuổi thu hoạch bị chặt bán chỉ còn trơ gốc

 Tình trạng này đã diễn ra rầm rộ từ đầu năm nay dù chính quyền địa phương đã nhiều lần khuyến cáo về nguy cơ người dân sẽ mất kế sinh nhai trong thời gian sắp tới.

Vì diện tích đất sản xuất của 380 hộ dân ở hai xã Ia O và Ia Khai (huyện Ia Grai, Gia Lai) bị ngập nước sau khi xây dựng thủy điện Sê San 4 nên chính quyền huyện Ia Grai và UBND tỉnh Gia Lai đã nỗ lực trình Chính phủ để Binh đoàn 15 nhượng lại 397ha cao su đang trong độ tuổi thu hoạch cho người dân ở hai xã trên để người dân có thể ổn định cuộc sống.

Năm 2008, toàn bộ diện tích cao su này được giao lại cho người dân sản xuất. Vừa giao diện tích đất cao su, chính quyền địa phương vừa phối hợp với Binh đoàn 15 tổ chức tập huấn cho người dân kỹ thuật cạo mủ cũng như chăm sóc cây cao su. Từ đó về sau, cuộc sống của người dân 2 xã này ổn định hơn. Nhiều người xây dựng được nhà cửa khang trang, mua xe, mua bò…

Tưởng rằng từ diện tích cao su được đền bù này, người dân sẽ tập trung sản xuất và phát triển kinh tế lâu dài, nhưng bắt đầu từ đầu năm 2016 đến nay, bỗng nhiên có nhiều thương lái tìm đến đây ra vấn đề đặt mua những cây cao su trong vùng với giá cao. Thấy lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ dân đã không ngần ngại thuê người chặt cây để bán.

Nắm bắt được sự việc, chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không nên chặt phá cây bán cho thương lái vì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế về sau. Mặc dù vậy, với cái giá 500.000 đồng/cây, thì người dân vẫn bất chấp tất cả. Cứ như thế, từ đầu năm đến giờ, hàng trăm ha cao su đã bị đốn hạ. Diện tích 397ha cao su trước đây của Binh đoàn 15 nhượng lại cho người dân nay chỉ còn khoảng hơn 65ha nhưng đa phần đều kém năng suất vì khai thác không đúng kỹ thuật.

Ông Rơ Mah Jem, Phó chủ tịch xã Ia O, cho biết, riêng xã Ia O có tới hơn 237ha cao su được Binh đoàn 15 nhượng lại. Diện tích này chủ yếu nằm ở các xã Mít Jép, Mít Kom 1 và Mít Kom 2. Đến hiện tại, vì người dân chặt phá ồ ạt nên tổng diện tích cao su của các địa phương này chỉ còn gần 21ha.

“Số diện tích cao su còn lại cũng không thể cho nhiều mủ vì khai thác thiếu khoa học. Sở dĩ như vậy là vì người dân nhận vườn cao su mà không cạo, lại cho người khác thuê lại với hợp đồng 3 đến 5 năm. Vì không phải cao su của mình nên những người thuê lại khai thác liên tục không ngừng nghỉ để lấy lợi nhuận. Thậm chí họ còn sử dụng nhiều chất kích thích mủ khiến cho sức sống của cây yếu đi”, ông Jem cho biết.

Vườn cây cao su là kế sinh nhai lâu dài cho người dân địa phương, nhưng dù chính quyền vận động thế nào, thậm chí vận động cả thương lái không mua gỗ cao su nữa nhưng vẫn không hề có tác dụng.

08-39-44_3
Những cây cao su bán cho thương lái đường kính 40 - 50cm
 

“Đây cũng là một vấn đề khó cho địa phương vì cây cao su là tài sản của người dân và họ có quyền quyết định sử dụng tài sản đó như thế nào. Chính quyền không thể cấm người dân chặt bán được. Thời gian gần đây, tôi còn nghe tin rằng thương lái còn mua cả gốc cao su nên người dân vừa chặt cây vừa đào luôn gốc. Chúng tôi cũng không biết rõ được đơn vị nào mua cây và mục đích mua để làm gì”, ông Jem nói.

PV đã tìm đến vườn cao su mà người dân đã chặt phá để tìm hiểu thêm. Tại đây, chúng tôi nhận thấy một khung cảnh hoang tàn khi hàng ngàn cây cao su đang độ tuổi thu hoạch với đường kính từ 40 - 50cm đã bị đốn hạ lấy thân chỉ còn trơ lại gốc. Nhiều chỗ, gốc cây cũng bị đào bật lên nằm ngổn ngang trên đất. Ở những vùng bị chặt phá, một số diện tích được người dân trồng cây điều thay thế còn đa phần đang để hoang.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Bóc (làng Mít Jép, xã Ia O), cho biết: “Làng tôi, vườn cao su bị chặt gần hết rồi. Tôi cũng có 2ha cao su, thương lái tới trả giá mỗi ha 200 triệu đó. Chắc một thời gian nữa tôi cũng bán thôi. Vườn cây nhà tôi bây giờ cũng không còn cho nhiều mủ nữa nên để lại lấy mủ bán cũng không được nhiều tiền như vậy đâu”.

Với suy nghĩ này, diện tích cao su mà trước đây đã từng giúp cho hàng trăm hộ dân có một cuộc sống ổn định ít dần đi. Điều này sẽ dẫn tới vô vàn hệ lụy. Có thể kể đến việc trong tương lai gần, người dân sẽ phát triển kinh tế như thế nào khi kế sinh nhai của họ đang ngày ngày mất đi.

Vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu UBND huyện Ia Grai chỉ đạo các phòng, ban chức năng của huyện và chính quyền 2 xã Ia O và Ia Khai tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ diện tích cao su chưa bị chặt phá, tăng cường cán bộ khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn các hộ dân chăm sóc khai thác cây cao su trên diện tích còn lại. Với diện tích đất đã chặt cây, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người dân trồng mới các loại cây phù hợp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, sớm ổn định cuộc sống.

 

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.