| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng lớn tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn Việt Nam

Thứ Năm 15/06/2023 , 19:21 (GMT+7)

Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao hơn từ 4 - 10 lần so với rừng trên cạn nên có tiềm năng lớn về tín chỉ carbon.

Từ ngày 13 - 15/6 tại TP.HCM, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR) và Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu tại Paris (AVSE) đã đồng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam”.

Hội thảo quốc tế 'Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam' tại TP.HCM. Ảnh: ICRAF.

Hội thảo quốc tế “Khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng và giá thành của tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn tại Việt Nam” tại TP.HCM. Ảnh: ICRAF.

Tham gia hội thảo ngoài các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, còn có sự tham dự của Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Lãnh sự Kinh tế của Tổng lãnh sự quán Australia, Cơ quan Lâm nghiệp Hoa Kỳ và đại diện của Đại sứ quán Canada.

Tại hội nghị, ông Dominic Balasuriya, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Phó giáo sư Nguyễn Tất Toàn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP.HCM chia sẻ, công tác bảo vệ hệ sinh thái ven biển và rừng ngập mặn không chỉ được coi là ưu tiên của Việt Nam mà còn là của cộng đồng toàn cầu.

Điểm đáng lưu ý là khi chúng ta muốn tham gia vào thị trường carbon rừng nói chung và thị trường carbon xanh dương bao gồm rừng ngập mặn nói riêng, phải hiểu rõ về luật chơi của thị trường, tuân thủ các quy định quốc tế và luật pháp của Việt Nam.

Giáo sư Daniel Murdiyarso (giải Nobel Hòa Bình vào năm 2007), nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Indonesia, hiện là nhà khoa học cao cấp của CIFOR-ICRAF cho biết, các quốc gia hiện đang lồng ghép hệ sinh thái ven biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn vào các quy định chính sách của mình.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta đang được chú trọng khôi phục, bảo tồn. Ảnh: TL.

Hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta đang được chú trọng khôi phục, bảo tồn. Ảnh: TL.

Vì vậy, việc phát triển thị trường carbon cho hệ sinh thái ven biển, hệ sinh thái ngập nước bao gồm rừng ngập mặn tuy đang được xây dựng trên thế giới nhưng sẽ luôn phải tuân thủ các quy định hiện hành của quốc gia.

Bà Phạm Thu Thủy, Trưởng nhóm Nghiên cứu toàn cầu về Biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và phát triển carbon thấp nhấn mạnh: Việc tham gia thị trường carbon rừng ngập mặn không chỉ giúp Việt Nam thực hiện các chính sách giảm phát thải mà còn có thể tạo ra ưu thế cạnh tranh cho những hàng hóa của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm thủy hải sản trên thị trường quốc tế khi các thị trường xuất khẩu đang hướng tới chỉ lưu hành các sản phẩm phát thải thấp và thân thiện với môi trường.

Hội nghị cũng đã nghe Bộ Tài chính chia sẻ các thông tin về Đề án thành lập thị trường carbon tại Việt Nam triển khai theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ về những cập nhật về thị trường carbon thế giới, quy định hiện hành về thị trường carbon nói chung, tổng quan thị trường carbon rừng tại Việt Nam nói riêng.

Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon cao gấp 4 - 10 lần so với rừng trên cạn. Ảnh: TL.

Rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ carbon cao gấp 4 - 10 lần so với rừng trên cạn. Ảnh: TL.

Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã lắng nghe Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam (Bộ NN-PTNT) chia sẻ kinh nghiệm thực tế khi triển khai thị trường carbon rừng tại Việt Nam, giúp hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức trong việc hiện thực hóa và vận hành các chương trình, dự án và thị trường carbon rừng và carbon rừng ngập mặn tại Việt Nam.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh có sự sụt giảm về cả chất lượng và số lượng của rừng ngập mặn trên toàn cầu do áp lực từ việc phát triển kinh tế xã hội và nguồn tài chính cho bảo vệ và phát triển mặn còn hạn chế.

Các quốc gia phát triển (trong đó có Việt Nam) đã xây dựng các cơ chế chính sách huy động các nguồn tài chính mới để thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như một chính sách quan trọng để thực hiện Thỏa thuận Paris, Cam kết giảm phát thải ròng và Tuyên bố Glasgow về Rừng và sử dụng đất và cam kết tự nguyện quốc gia.

Tiềm năng tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn ở nước ta là rất lớn. Ảnh: TL.

Tiềm năng tín chỉ carbon từ rừng ngập mặn ở nước ta là rất lớn. Ảnh: TL.

Song song với sự hoàn thiện của các chính sách hành chính công, các nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường carbon cho rừng ngập mặn. Thời gian gần đây, số lượng các nhà đầu tư hướng tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội mua tín chỉ carbon rừng ngập mặn ngày càng tăng bởi rừng ngập mặn có khả năng hấp thụ và lưu trữ carbon cao hơn từ 4 - 10 lần so với rừng trên cạn tùy vào các khu vực khác nhau.

Hội nghị đã mang tới bức tranh toàn cảnh đối với các chương trình, dự án carbon rừng tại Việt Nam, giúp hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và các bên có liên quan trong việc trao đổi thông tin, cập nhật khung pháp lí của quốc tế và Việt Nam cũng như các yêu cầu thị trường, kĩ thuật và xã hội về thị trường carbon rừng ngập mặn.

Bên cạnh đó, trong hai ngày 14 - 15/6, hơn 200 đại biểu đã được tham gia khóa đào tạo “Thiết kế và thực hiện chính sách và dự án carbon rừng ngập mặn hiệu quả, hiệu ích và công bằng” nhằm hỗ trợ Việt Nam và 13 tỉnh ĐBSCL trong việc thiết kế và thực hiện dự án carbon từ rừng ngập mặn hiệu quả để có thể tiếp cận nguồn tài chính bền vững.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.