| Hotline: 0983.970.780

Tiềm năng phát triển các giống rau Hàn Quốc

Thứ Hai 22/05/2023 , 08:34 (GMT+7)

Nhiều giống rau Hàn Quốc chứng tỏ được tính thích ứng, năng suất chất cao với điều kiện sinh thái Việt Nam, giúp tăng thu nhập, giảm nguy cơ bùng phát dịch hại cây trồng...

Việt Nam và Hàn Quốc đang hợp tác rất thành công trong lĩnh vực công nghiệp. Trong nông nghiệp, chương trình hợp tác quốc tế giữa Tổng cục Nông thôn Hàn Quốc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng

Giống bắp cải CT17 được trồng phổ biến ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc, Hải Dương). Ảnh: Hải Tiến.

Giống bắp cải CT17 được trồng phổ biến ở xã Phạm Trấn (Gia Lộc, Hải Dương). Ảnh: Hải Tiến.

Hơn 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã tiến hành khảo nghiệm, đánh giá trên 500 mẫu giống từ 16 chủng loại rau của Hàn Quốc. Trong đó, đã xác định được một số giống rau thích hợp với đặc điểm sinh thái của nước ta như cải thảo Summer King, bắp cải CT17, cải củ Shin Dông Ha, dưa lê thơm Super honey 007, bí ngồi và một số rau gia vị, hành Paro Huk Keum Jang,  ớt cay PBI 301, tía tô xanh, xà lách xoăn Hacheong...

Qua khảo nghiệm sản xuất các giống rau và cây gia vị nói trên ở miền Bắc và khu vực Tây Nguyên nước ta cho thấy, các giống rau này sinh trưởng, phát triển khỏe, năng suất chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, cho tiềm năng xuất khẩu cao.

TS Ngô Thị Hạnh, Trưởng Bộ môn Rau và Cây gia vị (Viện Nghiên cứu Rau quả) cho biết, Hàn Quốc có khoảng 250.000 người đang sống và làm việc tại Việt Nam, cần sử dụng rất nhiều loại rau có nguồn gốc giống Hàn Quốc. Nếu nhập khẩu các loại rau này sẽ rất đắt, mặt khác, thời tiết ở Hàn Quốc chỉ có 6 tháng thích hợp cho trồng rau, lực lượng làm nông nghiệp của nước bạn cũng đang bị già hóa nhanh nên giá thành sản xuất rau ở Hàn Quốc rất cao. Chưa kể, nếu nhập khẩu về Việt Nam còn phải cộng thêm cước vận tải, phí kiểm dịch thực vật và một số chi phí phát sinh khác.

TS Ngô Thị Hạnh cho biết thêm, nguyên nhân người Hàn Quốc ưa dùng các loại rau gieo trồng bằng giống của chính nước họ vì hàm lượng dinh dưỡng và tỷ lệ chất khô trong rau Hàn Quốc cao, hợp khẩu vị ăn không qua nấu chín, như làm Kim Chi sẽ không mất vitamin, giữ nguyên được hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng có trong rau. Đây là món ăn nổi tiếng và thông dụng nhất của người dân Hàn Quốc. Nhờ vậy, Hàn Quốc thường được gọi là xứ kim chi.

Hành lá dài Paro Huk Keum Jang trồng ở Văn Đức , Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Hải Tiến.

Hành lá dài Paro Huk Keum Jang trồng ở Văn Đức , Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Hải Tiến.

Việt Nam có nhiều vùng thời tiết quanh năm mát mẻ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn như Đà Lạt (Lâm Đồng), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) và các xã vùng cao huyện Tân Lạc (Hòa Bình) rất thuận lợi cho các giống rau ưa lạnh sinh trưởng, phát triển và tích lũy dinh dưỡng, đạt năng suất, chất lượng cao, trong đó có các loại rau Hàn Quốc. Bên cạnh đó, miền Bắc nước ta còn có một mùa đông lạnh, cho phép gia tăng diện tích gieo trồng các loại rau ưa lạnh.

Kết quả các mô hình trình diễn rau Hàn Quốc ở một số địa phương cũng cho thấy, giá thành sản xuất tại Việt Nam chỉ bằng 50% giá nhập ngoại, còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao trình độ canh tác cho nhà nông, nhất là với bộ phận nông dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và còn tạo sự phong phú trong cơ cấu giống và mùa vụ rau trồng ở nước ta, tạo sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng, giúp giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch hại cây trồng nói chung, các cây rau màu nói riêng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng năm 2022, cả nước đã gieo trồng khoảng 500ha các giống rau Hàn Quốc, sản lượng ước đạt 20.000 tấn các loại, bước đầu đã hình thành được một số mô hình liên kết sản xuất gắn với các đầu mối tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Minh, Gám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, vụ đông 2022, các hộ trồng rau trên địa bàn đều bị mưa axit hoặc bọ phấn trắng hại nặng, riêng mô hình 15ha cải thảo Summer King của Hàn Quốc trình diễn sản xuất tại HTX không bị ảnh hưởng, còn cho năng suất và thu nhập vượt trội. Điều này chứng tỏ đây là giống rau có khả năng chống chịu cao với điều kiện bất thuận.

Cải thảo Hàn Quốc trồng tại Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Hải Tiến.

Cải thảo Hàn Quốc trồng tại Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Hải Tiến.

Phát huy kết quả đạt được, vụ đông xuân vừa qua, HTX đã chuyển đổi 5ha rau su hào sang trồng hành lá dài Hàn Quốc, năng suất thu được 3 tấn, giá trị sản lượng đạt 40 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với sản xuất rau su hào trước đó. “Hành Hàn Quốc không đẻ nhánh như hành ta, nhưng năng suất rất cao (80 tấn/ha), thời gian bảo quản dài, được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng”, ông Minh nhận xét

Ông Phùng Danh Mừng, Giám đốc HTX rau VietGAP Tân Minh Đức (xã Phạm Trấn, Gia Lộc, Hải Dương) cho biết, giống cải bắp CT17 của Hàn Quốc đã được gieo trồng chủ lực tại HTX từ 4 năm nay do có ưu điểm năng suất cao, nấu, luộc ăn ngon, mềm. Đặc biệt là rất dễ bán.   

Bà Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Chiến (Tân Lạc, Hòa Bình) thông tin, giống củ cải Shing Dong Ha và bí ngồi Hàn Quốc cũng được HTX gieo trồng từ 3 năm nay, tổng diện tích đạt 30ha mỗi năm. Riêng vụ đông xuân 2023, HTX trồng 10ha củ cải Shing Dong Ha. HTX cũng đã kết nối tiêu thụ rau ổn định cho một số bếp ăn trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và Siêu thị K-Mart Hàn Quốc ở Hà Nội...

“Hầu hết các loại rau Hàn Quốc trồng ở Việt Nam đều được người tiêu dùng trong nước chấp nhận. Duy có tía tô xanh do lá to, ít thơm nên chủ yếu trồng cho xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Hàn Quốc tại Việt Nam”, TS Ngô Thị Hạnh cho biết.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.