Cánh đồng bắp cải CT17 tại Phạm Trấn. |
Dự án thuộc chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ Hàn Quốc phù hợp điều kiện sản xuất rau qui mô nông hộ ở Việt Nam nhằm nâng cao thu nhập”.
Tham gia đánh giá mô hình có lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tỉnh Hải Dương, các cấp chính quyền địa phương sở tại, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu rau quả và các nhà nông trực tiếp trồng giống cải bắp CT17. Cùng đánh giá mô hình còn có TS. Kwang-Geun PARK - Giám đốc Trung tâm KOPIA Việt Nam (Chương trình Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam).
Kết quả theo dõi mô hình trình diễn của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Rau quả cho thấy:
Giống cải bắp CT17 có thời gian từ trồng đến thu hoạch 65-70 ngày, đường kính bắp trung bình đạt 20,2 cm, chiều cao bắp 13,1 cm chiều cao lõi 7,4cm, đường kính lõi 3,03 cm, lá xanh dày hơi xoăn, ăn ngọt đậm, lõi dài nhỏ, khối lượng trung bình cây 2,6-2,8 kg/cây, khối lượng bắp 1,8-2 kg/bắp, năng suất trung bình đạt 43 tấn/ha, giá trị thu hoạch/ha đạt 215 triệu đồng, lãi thuần 161 triệu đồng.
Giống đối chứng No 70 có thời gian từ trồng đến thu hoạch 70-80 ngày, đường kính bắp 18,07 cm, chiều cao bắp 12,07 cm, chiều cao lõi 6,83 cm, đường kính lõi 3,07 cm, lá mỏng thẳng, cứng, lõi to ngắn, khối lượng cây trung bình 2,1-2,3kg/cây, khối lượng bắp trung bình 1,5-1,7 kg/bắp, năng suất trung bình đạt 38 tấn/ha, giá trị thu hoạch/ha đạt 190 triệu đồng, lãi thuần 110 triệu đồng.
Giống cải bắp CT17 sinh trưởng khỏe, năng suất cao tương đương giống đối chứng No70 đang trồng phổ biến tại huyện Gia Lộc và các vùng trồng cải bắp hàng hóa của các tỉnh phía Bắc. Nhưng giống CT17 có ưu thế giá giống rẻ chỉ bằng 2/3 so với giống No70, bắp cuốn chặt, lõi nhỏ, lá dày giòn, nấu ăn mềm ngọt, có thể bố trí trồng vụ sớm (vụ thu đông).
Thay mặt cho các hộ thực hiện mô hình trình diễn, chị Hoàng Thị Luyến cho biết: Đã lâu lắm rồi chúng tôi mới được tiếp cận với giống cải bắp chất lượng tốt như CT17. Rau nấu nhanh chín, ăn lá cũng như cuống đều rất mềm, ngọt, ngon hơn hắn cải bắp No70. Riêng gia đình tôi trồng 8 sào, sau khi cho ăn thử, thương lái đã đặt mua toàn bộ diện tích rau cải bắp mới, với giá cao hơn trên thị trường 500 đồng/kg, ước tính trừ hết chi phí vật tư và công lao động, còn “bỏ ống” được 4,5 triệu đồng/sào, cao hơn so với giống No70 từ 800-900 nghìn đồng/sào.
“Ông Phùng Doanh Công được mùa riêng vì trồng tới 20 sào cải bắp CT17, nhà tôi trồng ít quá!”, bế mạc hội nghị, chị Luyến vẫn còn tiếc ngùn ngụt.
Bà Tăng Thị Hạnh – Phó phòng Nông nghiệp & PTNT Gia Lộc đánh giá: giống cải bắp CT17 có bộ lá xanh thẫm sẽ cho khả năng quang hợp tốt, chất lượng rau cao; khối lượng bắp trung bình (khoảng 2kg/cây) phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu của các doanh nghiệp, đặc biệt là cây không khoe bắp, thuận lợi cho sản xuất rau ăn lá theo hướng an toàn hoặc VietGAP.
"Trình diễn sản xuất thành công giống cải bắp CT17 tại địa phương đã tạo sự đa dạng sinh học trên đồng ruộng, giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch bệnh hại lớn trên cây rau. Đề nghị các nhà khoa học tiếp tục trình diễn đánh giá giống trồng trong vụ sớm, làm cơ sở để huyện bổ sung giống vào cơ cấu mùa vụ, mở rộng diện tích gieo trồng", bà Hạnh đề xuất.
Phát biểu tại hội nghị, TS. Kwang-Geun PARK đã khuyến nghị: Để gieo trồng rau đạt hiệu quả tốt, các nông hộ cần liên kết thành HTX, xây dựng kế hoạch sản xuất chặt chẽ, gắn đầu ra sản phẩm với các doanh nghiệp bao tiêu, để tránh dư thừa nông sản – giảm giá trị.
“Mục tiêu của chúng tôi là phổ biến 5 giống rau của Hàn Quốc đã được công nhận ở các tỉnh miền Bắc và tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam (cải bắp CT17, dưa lê Super 007, cải củ Song Jeong, ớt High Fly và xà lách xoăn Hacheong)”, TS. Ngô Thị Hạnh – Trưởng Bộ môn Rau và cây gia vị, Viện Nghiên cứu Rau quả cho hay. |