| Hotline: 0983.970.780

Tiền Giang mở thêm vòi nước công cộng cấp miễn phí cho người dân

Thứ Sáu 22/03/2024 , 11:02 (GMT+7)

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang cho biết, đến nay đã mở 40 vòi nước công cộng để phục vụ nước miễn phí cho người dân.

Người dân đến lấy nước tại các vòi nước miễn phí. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân đến lấy nước tại các vòi nước miễn phí. Ảnh: Minh Đảm.

Trước tình trạng hạn, mặn gay gắt tại các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã mở 40 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho người dân sử dụng và còn sẽ mở thêm trong thời gian tới.

Giữa buổi ban trưa, dưới cái nắng như đổ lửa, anh Dương Anh Phụng (30 tuổi, ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) tranh thủ chạy chiếc xe lôi chở theo 10 cái can nhựa loại 30 lít đến vòi nước công cộng gần nhà để hứng lấy về xài.

Anh Phụng cho hay khu vực mình ở chưa có nước sạch nên gia đình phải sử dụng nước dưới Kênh Láng cạnh nhà. Tuy nhiên, khoảng gần một tháng qua, nước dưới kênh đã cạn kiệt lại bị ô nhiễm nên gia đình anh không thể sử dụng được nữa. Với số nước hứng được từ 10 can này, gia đình ba người sử dụng tiết kiệm được trong mấy ngày. “Cũng may, có vòi nước công cộng mở suốt cho người dân hứng về xài chứ không cũng không biết làm sao nữa”, anh Phụng nói.

Bên kia bờ Kênh Láng, gia đình ông Đỗ Hữu Phước (54 tuổi cùng ngụ xã Kiểng Phước) cũng nói, trước nay bơm nước kênh này lên xử lý lại để sinh hoạt và cho đàn gia súc uống. Tuy nhiên, mùa khô này gia đình ông đã không còn giọt nước nào trong các bồn chứa.

Mấy ngày nay, hễ rảnh là ông Phước lại lên xe máy chở bốn can nước sạch từ vòi công cộng về sử dụng và cứu khát cho đàn gia súc. “Do không có thời gian rảnh nên trong nhà ai cũng xài nhín nhín chứ không dám phung phí”, ông Phước vừa nói vừa tiện tay đổ nước từ can vô lu.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã mở 40 vòi nước công cộng tại các huyện phía đông. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã mở 40 vòi nước công cộng tại các huyện phía đông. Ảnh: Minh Đảm.

Hiện tỉnh Tiền Giang đã mở 40 vòi nước công cộng phục vụ miễn phí cho người dân tại các huyện Gò Công Đông (33 vòi), Tân Phú Đông (7 vòi). Thời gian tới, địa phương này cũng đã có kế hoạch mở thêm khoảng 52 vòi khác cho người dân các huyện ven biển như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và Tân Phú Đông. Đến nay, người dân đã đến lấy được hơn 1.100 m3 nước tại các vòi nước công cộng này.

Riêng địa bàn huyện Gò Công Đông, tổng vốn đầu tư các cho các vòi nước công cộng đã khoảng 100 triệu đồng, phục vụ nước sinh hoạt miễn phí phục vụ cho gần 3.000 hộ dân tại các xã ven biển như Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Phước Trung, Tân Hòa. Địa phương kiên quyết không để ai phải thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023-2024.

Dự kiến Tiền Giang sẽ mở thêm khoảng 50 vòi nữa để người dân đến lấy về sử dụng. Ảnh: Minh Đảm.

Dự kiến Tiền Giang sẽ mở thêm khoảng 50 vòi nữa để người dân đến lấy về sử dụng. Ảnh: Minh Đảm.

Riêng tại địa bàn huyện Tân Phú Đông, ngày 25/1 Công ty cấp nước Tiền Giag đã mở 2 vòi, đến 27/2 mở thêm 5 vòi nữa. Theo kế hoạch, đơn vị này xây dựng sẽ mở thêm 8 vòi nước công cộng phục vụ cho người dân ở các xã Phú Tân, Tân Thới và Phú Đông.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ quản lý Văn phòng cấp nước huyện Tân Phú Đông – Công ty TNHH MTV Cấp nước sinh hoạt Tiền Giang cho biết: Hiện mỗi ngày, đơn vị cung cấp cho người dân trung bình khoảng 10.000m3. Ở những xã đường nước yếu thì công ty cũng đã mở 7 vòi nước công cộng để người dân đến lấy miễn phí về sử dụng.

“Ở Tân Phú Đông nước sinh hoạt từ nhà máy đa số phủ kín đến các hộ dân. Hiện nay, cung cấp nước cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân nên chưa mở thêm vòi công cộng. Nếu hạn mặn gay gắt hơn, công ty sẽ có xe bồn chở nước vô những vùng sâu, vùng xa nơi mà người dân không ra đến vòi công cộng để lấy nước được. Nói chung mùa hạn mặn thì cũng phải có nước cho dân sử dụng nhưng công ty cũng khuyến cáo bà con sử dụng hết sức tiết kiệm. Khi cao điểm cấp sẽ cấp theo giờ, theo vùng, theo ngày để bà con ai cũng có nước xài”, ông Hoàng nói.

Theo phương án phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 của UBND tỉnh Tiền Giang, dự kiến, tỉnh sẽ mở 92 vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để cho nhân dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán vùng phía đông chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung đến lấy nước miễn phí. Đây là giải pháp được tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện trong những năm qua để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân tại các huyện phía đông.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm