| Hotline: 0983.970.780

Tiền to, vẫn lo hiệu quả

Thứ Tư 03/02/2010 , 11:41 (GMT+7)

Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết đánh giá công tác nghiên cứu KHCN và môi trường, nhiều đại biểu khẳng định thời gian qua, nguồn kinh phí đầu tư cho các chương trình, đề tài nghiên cứu KHCN là không hề nhỏ. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của những đề tài này tới đâu thì vẫn còn là điều đáng bàn.

Sáng qua (2/2), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết đánh giá công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ (KHCN) và môi trường năm 2009 ở 3 đầu cầu Hà Nội – TPHCM – Nha Trang do Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NN-PTNT) tổ chức. Tại hội nghị, nhiều đại biểu khẳng định thời gian qua, nguồn kinh phí đầu tư cho các chương trình, đề tài nghiên cứu KHCN là không hề nhỏ. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của những đề tài này tới đâu thì vẫn còn là điều đáng bàn. 

Viện bảo chi ít, Vụ bảo quá nhiều

Xoay quanh vấn đề nguồn kinh phí chi cho các đề tài và công trình nghiên cứu KHCN, lãnh đạo nhiều Viện nghiên cứu của Bộ NN-PTNT đều than rằng kể từ khi thực hiện Nghị định 115/CP năm 2005 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập, nguồn kinh phí chi cho các hoạt động nghiên cứu KHCN gặp rất nhiều khó khăn khiến nhiều đề tài khoa học triển khai không đến đầu đến đuôi, ảnh hưởng đến hiệu quả của các công trình nghiên cứu. Nhiều đơn vị như Viện điều tra Quy hoạch rừng, Viện Chăn nuôi... phải tự chủ tới 65 – 90% kinh phí trả lương cho CBCNV.

Bác lại ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính cho rằng so với nguồn kinh phí chi cho các hoạt động khác thì kinh phí dành cho nghiên cứu KHCN trong thời gian qua là không hề nhỏ chút nào. Bà Nguyệt thẳng thắn nêu dẫn chứng năm 2008, nguồn thu ngân sách toàn ngành NN-PTNT chỉ chưa tới 380 tỉ đồng.

Trong khi đó kinh phí dành cho các đơn vị nghiên cứu KHCN và môi trường lên tới hơn 670 tỉ đồng, tức là đã gần gấp đôi nguồn thu toàn ngành. Chi nhiều như vậy nhưng cũng theo bà Nguyệt thì khả năng triển khai các công trình nghiên cứu cũng như công tác quản lí tài chính của chủ nhiệm đề tài khoa học khiến nhiều người phải nghi ngờ. Bằng chứng cụ thể là qua công tác kiểm toán năm 2008, trong số 27 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ NN-PTNT thì có tới 21 đơn vị có sai phạm, trong đó có 11 đơn vị nghiên cứu KHCN chi sai nguyên tắc, phải thu hồi ngược về ngân sách 11 tỉ đồng...

Bên cạnh việc lãng phí đề tài nghiên cứu do không được ứng dụng, nhiều đại biểu còn nêu thực trạng lãng phí do có quá nhiều đề tài trùng lặp nhau, người trước làm rồi, người sau không biết lại... dẫm vào. Các đại biểu giải thích do Vụ KHCN không có cơ sở dữ liệu để tra cứu nên mới xẩy ra việc trùng lặp như vậy.

Cũng theo bà Nguyệt tiết lộ thì trong tổng số hơn 500 tỉ đồng được giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu KHCN triển khai năm 2008 thì cuối năm còn tới hơn 33 tỉ đồng còn dư, phải chuyển sang năm 2009. Điều này cho thấy năng lực quản lí sử dụng tài chính của các đơn vị này là rất yếu kém. Nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém trong việc xây dựng dự toán ngân sách cho các đề tài nghiên cứu ngay từ ban đầu là... có vấn đề! Về điều này, một số đại biểu nêu quan điểm cho rằng, cơ chế nghiệm thu nội dung để phân bổ kinh phí cho các đề tài nghiên cứu ngay từ ban đầu như hiện nay là đang làm khó các đơn vị. Bởi không một dự toán ngân sách nào ngay từ đầu có thể chính xác y như lúc triển khai. Đây cũng là điều khiến nhiều công trình rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” vì không có kinh phí.

Xoay quanh vấn đề phân bổ kinh phí, bà Nguyễn Thị Xuân Thu – Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản III nêu thêm quan điểm ở một khía rằng: “Lâu nay chúng ta vẫn căn cứ vào hiệu quả ứng dụng của công trình nghiên cứu để phân kinh phí, như vậy là vô tình làm giảm đi số đề tài nghiên cứu KHCN cơ bản theo chiều sâu, bởi không phải đề tài nào nghiên cứu xong cũng có thể đem ra phát huy ứng dụng ngay mà có thể chỉ mang tính chất thăm dò. Thực tế có nhiều công trình chúng tôi làm thí nghiệm hết thời gian thực hiện đề tài mà chưa có sản phẩm thì không được quyết toán kinh phí nên đành phải bỏ dở. Cơ chế như thế thì chẳng chủ nhiệm đề tài nào lại dại dột mạo hiểm làm thí nghiệm khó cả...!” 

Vẫn nghiên cứu xong rồi... để đấy!

Đánh giá về hiệu quả ứng dụng thực tế của các đề tài KHCN trong thời gian qua, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nêu thực trạng vẫn còn chuyện các đơn vị đổ xô chạy theo việc lấy đề tài và các công trình mang nghiên cứu ứng dụng giản đơn mà chưa chú trọng đến nghiên cứu cơ bản.

Năm 2009, hàng trăm tiến bộ KHCN đã được công nhận mới. Tuy nhiên hiệu quả ứng dụng tới đâu vẫn chưa có đánh giá, đo đếm (Ảnh minh họa)

Đặc biệt tình trạng công trình nghiên cứu dăm ba năm xong rồi bỏ đấy, chuyển sang nghiên cứu cái khác còn rất phổ biến. Điều này là cực kỳ tệ hại bởi công trình nghiên cứu ra thì nhiều vô kể nhưng hiệu quả ứng dụng thực tế thì chẳng thấy đâu. Ông Võ Đại Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng quy định thời gian thực hiện một đề tài quá ngắn (3 năm) như hiện nay là nguyên nhân chính khiến việc ứng dụng công trình nghiên cứu bị bỏ rơi.

Ông Võ Đại Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam:

“Nghiên cứu về rừng cần nhiều đất thực nghiệm. Tuy nhiên các trung tâm thực nghiệm của Viện hiện đang ngày càng bị thu hẹp vì nhiều nguyên nhân. Trong khi đó tình hình đang ngày càng gay go do địa phương nào cũng nhăm nhăm muốn lấy đất thực nghiệm của Viện.”

Ông Hải nêu thực tế đa số các công trình nghiên cứu về rừng thường phải kéo dài từ 5 năm trở lên mới có thể phát huy ứng dụng. Với 3 năm như hiện nay thì đề tài kết thúc đều bỏ bê.

Vì vậy, ông Hải nêu kiến nghị nên chăng khi kết thúc một đề tài nên cho gia hạn thêm thời gian, hoặc triển khai tiếp một đề tài có nội dung thừa kế đề tài cũ để lại để tránh gây lãng phí tiền của của nhà nước. Để kiểm soát vấn đề này, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng cần có cơ chế kiểm tra theo dõi việc ứng dụng các đề tài KHCN sau khi nghiệm thu.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu thì cho rằng, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả các đề tài cần phải chặt chẽ hơn nữa. “Đơn cử như với giống mới. Tôi thấy mỗi năm ra hàng trăm giống nhưng các giống đều có tiêu chuẩn na ná nhau. Cần phải có tiêu chuẩn xác định thế nào thì mới gọi là giống mới...” – bà Thu nêu ý kiến. Cũng theo ý kiến bà Thu thì Vụ KHCN cần phải có dữ liệu kiểm soát xem đề tài đó đã được đăng trên bao nhiêu tờ báo, tạp chí chuyên ngành để xem xét chấm điểm. Đồng thời các đề tài nên đi theo hướng kết hợp với các doanh nghiệp lớn để vừa tận dụng được cơ sở vật chất của DN, vừa có thể ứng dụng ngay sau khi hoàn thành đề tài.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cho biết thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ có cơ chế mở rộng thời gian thực hiện các đề tài, chi đủ tiền cho các đơn vị nghiên cứu đến lúc có thể ứng dụng có hiệu quả.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Hà Nội bắt chó thả rông, kiên quyết xử lý theo quy định

Tình trạng thả rông chó, mèo tại các khu vực công cộng không có rọ mõm, dây xích, không có người dắt vẫn đang xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm