Những ngày qua, ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3 tới các tỉnh phía Bắc nặng nề đến mức khó từ ngữ nào mô tả hết được. Người dân tại nhiều tỉnh chịu ảnh hưởng lớn do hoàn lưu bão như: Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng… phải thốt lên rằng, cả cuộc đời chưa từng chứng kiến đợt lũ có sức ảnh hưởng khủng khiếp như thế này.
Nhà cửa, ruộng đồng… thậm chí là cả thành phố chìm trong biển nước, sạt lở diễn ra liên tục tại nhiều điểm. Người dân rơi vào tình trạng bị cô lập, thiếu lương thực, nước sạch, hiểm nguy đe dọa tới mạng sống luôn chực chờ.
Trong bối cảnh đó, sát cánh cùng lực lượng chức năng, là các đoàn tình nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn, cấp phát lương thực.
3 tiếng huy động 30 thanh niên, thuyền bè cứu nạn ở thành phố
Tại thành phố Thái Nguyên, người dân đang phải gồng mình gánh chịu đợt lũ lớn chưa từng có. Khoảng 3.000 hộ dân thuộc 22 phường, xã đã bị ngập úng, gần 600 hộ phải di dời người và tài sản do mực nước trên sông Cầu dâng cao kỷ lục.
Nước lũ lên nhanh chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhấn chìm hết ruộng nương, hoa màu của người dân. Nhiều nhà bị ngập sâu, chìm sâu trong nước buộc người dân phải leo lên tầng cao tránh lũ. Trong đêm tối, nước lũ mênh mông, người dân chỉ biết cầu cứu bằng cách gọi điện thoại, lên mạng xã hội kêu gọi cứu nạn.
Đọc tin tức trên báo chí, anh Vũ Văn Vũng, một người con của xã Lục Ba, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) không suy nghĩ nhiều, lên các hội, nhóm trên mạng xã hội kêu gọi thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ chung sức mang thuyền xuống TP. Thái Nguyên cứu hộ bà con nơi đây.
Chỉ trong 3 tiếng kêu gọi, đội cứu hộ đã huy động được hơn 30 thanh niên sung sức, gồm các đoàn viên, thanh niên của thị trấn Hùng Sơn, xã Lục Ba, Vạn Thọ và một số xã lân cận trên địa bàn huyện Đại Từ do anh Vũ Văn Vững làm đội trưởng huy động được hơn 30 chiếc thuyền lớn, nhỏ để cứu hộ người dân mắc kẹt bở nước lũ.
Trong quá trình cứu hộ và tiếp tế lương thực, anh Vững cho hay, bản thân đang rất sốt ruột vì nhận được quá nhiều cuộc điện thoại cầu cứu mà chưa thể tiếp cận do nước xiết và hạn chế về thiết bị.
“Trong quá trình cứu hộ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do nước chảy xiết, mưa nặng hạt và kéo dài. Với tinh thần cứu hộ người dân cao nhất, chúng tôi luôn nhắc nhở anh em cũng phải đảm bảo an toàn cho đội cứu hộ và người dân, tuân thủ hướng dẫn của lực lượng chức năng”, anh Vững nói vội để kịp tiếp tục tham gia cứu hộ.
Cùng đội cứu hộ với anh Vũ Văn Vững, đến gần 10 giờ tối, anh Mai Anh Nam mới được ăn bát mì để có sức vào cứu người, bởi anh biết, trong kia vẫn còn rất nhiều người ngóng chờ mình.
“Nhiều người dân rất lo lắng khi khi biết lũ sẽ diễn biến khó lường. Ngoài công tác cứu hộ chúng tôi cũng trấn an người dân. Mong muốn lớn nhất là cứu hộ được càng nhiều người càng tốt, sức trẻ của chúng tôi không ngần ngại”, anh Nam chia sẻ.
Ngoài đội cứu hộ của anh Vũ Văn Vững, hiện còn rất nhiều đội cứu hộ xuyên đêm, cùng lực lượng chức năng đưa người dân tới vùng an toàn một cách sớm và an toàn nhất có thể.
Bà Nguyễn Thị Tuất cùng 2 cháu nhỏ, trú tại ngõ 5, đường Bến Oánh, TP. Thái Nguyên được đội cứu hộ thiện nguyện đưa tới vùng an toàn vào lúc 11 giờ tối 9/9 chia sẻ: “Nước dâng tới tầng 2 rồi, nguy hiểm lắm, may mắn là có lực lượng chức năng và đội thiện nguyện cứu không thì tôi lo lắm, nhà tôi nhiều trẻ nhỏ, các cháu đói, lạnh và sợ lắm. Ngoài cứu hộ ra ngoài thì các đoàn cũng vận chuyển đồ ăn thức uống vào các vùng cô lập rất nhiệt tình”.
Đến điểm an toàn, người ướt hết từ đầu tới chân, Bà Tuất nhắc 2 cháu nhỏ đứng ngoan ở lề đường rồi rối rít chạy lại cảm ơn tới các đội thiện nguyện.
Trong lúc này, ai cũng là gia đình
Nghe tin bạn mình bị nước lũ cô lập, tại phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên), bạn Nguyễn Thái An An trú tại phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) mua gạo, mì tôm, nước sạch và đồ ăn sẵn để nhờ các đội cứu hộ chuyển đến địa chỉ nhà bạn.
Được biết, An An cũng đang tham gia một đoàn cấp phát các suất cơm cho vùng bị cô lập.
“Đường nhà em cũng ngập, nhưng vẫn lội ra được, còn chỗ bạn em thì ngập đến tầng 2 rồi, mất điện, mất nước, sóng điện thoại rất kém. Hiện tại, cả gia đình phải sống ở tầng cao, gia đình lại có trẻ nhỏ nên rất thiếu nước sạch. Em nhìn mọi người mà thương lắm, trong lúc này ai cũng là gia đình của mình hết, nên em muốn nỗ lực giúp mọi người hết mình”, An An chia sẻ.
Hiện nay, đồng bào cả nước đang cùng hướng về các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Nhiều cá nhân, tổ chức đoàn thể đã gửi lương thực cứu trợ hoặc chuẩn bị suất ăn chuyển đến bà con vùng lũ, lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ. Các đồ dùng thiết yếu như áo phao, đèn pin, thuyền, cano hỗ trợ cho người dân cũng liên tục được vận chuyển lên.
Nhiều xe "0 đồng" của các cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng vận chuyển nhu yếu phẩm, thuyền, cano hoặc nhân lực đến hỗ trợ.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên cho biết từ rạng sáng 10/9 liên tục tiếp nhận hàng hỗ trợ từ các mạnh thường quân, tổ chức, đoàn thể trên khắp các tỉnh thành gửi về, từ nước ngọt, sữa, lương khô, áo phao, thiết bị y tế. Đơn vị đang huy động phương tiện gầm cao, cano, xuồng, thuyền bè cũng như các đội cứu hộ để vận chuyển đồ cứu trợ đến bà con trong các vùng ngập sâu sớm nhất.