| Hotline: 0983.970.780

Tiếp cận mới và tư duy mới giúp chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại

Thứ Bảy 19/02/2022 , 15:53 (GMT+7)

ĐBSCL Chúng ta đừng nghĩ rằng thay đổi cách làm cũ đó là một khó khăn, nhưng đó là cơ hội để đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 19/2, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi nông nghiệp, nông thôn bền vững”, nhằm định hướng cụ thể trong việc phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp theo hướng xanh bền vững, góp phần thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đến dự tọa đàm có Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa.

Mạnh dạn tiếp cận cái mới

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu sản phẩm quà lưu niệm xe xích lô của Đồng Tháp tại Tọa đàm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu sản phẩm quà lưu niệm xe xích lô của Đồng Tháp tại Tọa đàm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mở đầu tọa đàm Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm giúp cho người nông dân, doanh nghiệp và các địa phương có cách tiếp cận mới. Tuy nhiên để đưa chiến lược này vào cuộc sống đề nghị các địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học cần chắt lọc những cái hay nhất của thế giới về phát triển nông nghiệp. Cụ thể là nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp minh bạch, nông nghiệp tuần hoàn. Về mặt lý thuyết và chiến lược rất đúng nhưng để áp dụng cho từng địa phương cũng còn khó khăn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, thời điểm này chúng ta không còn con đường nào khác nữa mà cần mạnh dạn bắt tay vào tiếp cận cái mới. Chúng ta đừng nghĩ rằng thay đổi cách làm cũ đó là một khó khăn, nhưng đó là cơ hội giúp thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Bộ trưởng cũng mong rằng các chuyên gia, nhà khoa học cùng các địa phương bắt tay làm hệ sinh thái với Bộ NN-PTNT để giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững.

Đồng Tháp đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp nằm trong vùng Đồng Tháp Mười có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp và cũng là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã có những thay đổi tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Trong những năm triển khai đề án Tái cơ cấu, ngành lúa gạo của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng kể.  Ngoài 70 mô hình với diện tích 140 ha canh tác theo phương thức “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” được trình diễn, tỉnh đã nhân rộng lên hơn 24 nghàn hecta, gấp 172 lần so với diện tích mô hình trình diễn. Những năm qua, tỉnh đã mạnh dạn đầu tư nhiều loại trang thiết bị, máy nông nghiệp mới vào sản xuất nhằm mục tiêu cơ giới hóa.

Tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã chuyển đổi được hơn 24.769 ha đất lúa kém hiệu quả, 65,6% chuyển sang cây trồng hàng năm như bắp, mè, ớt, khoai lang, khoai môn, kiệu, sen (tương đương 16.248 ha); 30,5% chuyển sang trồng cây lâu năm như xoài, cam, quýt, mít, chanh, nhãn (tương đương 7.555 ha); 3,9% chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản với hình thức luân canh lúa-tôm, lúa-cá, lúa- ếch... Nhìn chung, lợi nhuận từ việc chuyển sang trồng hoa màu cao gấp 2-3 lần so với lúa. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp rất vui mừng được Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh tổ chức tọa đàm và được Bộ trưởng đến dự. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng Đồng Tháp trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực từ hệ thống chính trị đến người dân trong việc thực hiện Tái cơ cấu nông nghiệp. Mặc dù có nhiều thành công nhưng còn có những tồn tại như tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 3,6%/năm, thấp hơn mục tiêu 5%/năm theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra. 

Đồng Tháp là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về diện tích và sản lượng lúa, sau Kiên Giang và An Giang. Diện tích lúa của tỉnh năm 2021 đạt 530 nghìn ha, sản lượng trên 3 triệu tấn, chiếm 7% về diện tích và 7,7% về sản lượng lúa toàn quốc. Năng suất lúa tại Đồng Tháp ổn định ở mức tương đối cao đạt 65,62 tạ/ha, cao nhất vùng ĐBSCL.

Tỉnh Đồng Tháp đưa ra quá hay trong thời kỳ đổi mới phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng để có được nông nghiệp bền vững và nông nghiệp sinh thái cần phải gìn giữ sức khỏe của đất, sức khỏe của nước là nền nền tảng vững chắc cho nông nghiệp tương lai. Cũng giống như chúng ta xây dựng một tòa nhà lâu đài cần có nền móng kiên cố vững chắc, vì vậy muốn có nông nghiệp sinh thái cần có đất sinh thái và nước phải sinh thái. (Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) 

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.