| Hotline: 0983.970.780

Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát: Thảm sát rừng thông

Thứ Tư 24/04/2013 , 11:06 (GMT+7)

Không chỉ có rừng nguyên sinh, những cánh rừng thông 3 lá bạt ngàn thuộc Rừng phòng hộ thủy điện Đại Ninh của huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Không chỉ có rừng nguyên sinh, những cánh rừng thông 3 lá bạt ngàn thuộc Rừng phòng hộ thủy điện Đại Ninh của huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Một phần do lâm tặc lấy gỗ, phần khác do người dân lấy nhựa, đốt làm rẫy, vạt gốc lấy “ngo”, khiến những cánh rừng thông càng thêm hoang tàn.

>> Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát: Rừng... vô chủ?
>> Tiếp cận rừng Lâm Đồng - Bình Thuận bị phá nát

LÂM TẶC PHÁ

Con đường nhựa phẳng lỳ từ ngã 3 Tà Hine vào Ninh Loan, Đà Loan nằm giữa hai bên là rừng phòng hộ Đại Ninh chạy dài dọc theo tuyến đường. Khung cảnh như sẽ đẹp và hữu tình biết bao nếu những cánh rừng này không bị chặt phá, đốt cháy nham nhở. Những cây thông bị đốn hạ nằm la liệt, nhiều cây vừa bị chặt xong, lá vẫn còn tươi nguyên. Nhiều cánh rừng tại các tiểu khu 363 và 364, những cây thông hàng chục năm tuổi chỉ còn trơ gốc.


Thông bị lâm tặc đốn hạ...

Đến từng cánh rừng thông trên địa bàn xã Ninh Loan, Ninh Gia, Đà Loan, Tam Bố (thuộc BQLRPH Đại Ninh và Đức Trọng) chúng tôi chứng kiến mức độ tàn phá còn nghiêm trọng hơn nhiều. Những vạt rừng bị đốt cháy nham nhở, cây đổ nằm ngổn ngang như vừa trải qua một trận bom. Rừng thông vốn là nét đặc trưng của Tây Nguyên thuở nào, nay chỉ còn là một "bức mành cây" lưa thưa.



...Và đốt làm rẫy

Đi sâu vào rừng hàng chục cây số, suốt dọc con đường gập gềnh ấy, có những vạt rừng thông mênh mông với hàng chục, thậm chí hàng trăm thân cây chết đứng, vàng khô hoặc đen xì đổ gục. Tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn rừng ở Đức Trọng, Di Linh là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn cho công trình thủy lợi Đại Ninh và một số diện tích rừng nguyên sinh, rừng sản xuất, nằm trên địa bàn các xã Ninh Gia, Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng... tổng diện tích hơn 27.000 ha, do BQL rừng Đức Trọng và Đại Ninh quản lý.

Chiếc xe máy “tàu” đã được “độ” lại với một dàn máy “khủng”, bất chấp địa hình, gầm rú và nhảy chồm chồm khiến lời của X dù hét to nhưng cứ ngắt quãng như hụt hơi: “Gỗ quí trong rừng hết rồi, trong khi gỗ thông cũng tốt, có giá nên lâm tặc bắt đầu lấy thông. Thông ở đây là thông trắng 3 lá, thuộc nhóm 4 đấy chứ chẳng chơi đâu. Những cây to 2 – 3 người ôm, từ 1 – 2 trăm năm tuổi giờ hiếm lắm. Nhưng, “hết nạc” thì lâm tặc nó “vạc đến xương”, cây nhỏ rồi cũng hết thôi”.

Quả như lời X nói, rất nhiều cây thông cỡ một vòng tay ôm trở xuống đã bị chặt hạ. Những thân cây thông nhỏ nằm ngổn ngang, cũ có, mới có bên cạnh hàng chục gốc thông nằm trơ trụi, nhiều gốc còn ứa nhựa. Điều đáng nói là sự việc chẳng phải xảy ra trong rừng sâu hay một nơi xa xôi nào, mà rải rác cách trạm kiểm lâm khu vực Đỉnh Xanh (rừng Tam Bố, Di Linh) chỉ từ vài chục đến vài trăm mét.


Cạo vỏ lấy nhựa như cạo mủ cao suc

Rẽ trái, rẽ phải, băng ngang, băng dọc hay leo lên lưng chừng vách núi, rồi lao xuống một lũng sâu, khe suối nào đấy... cũng có thể nhìn thấy dễ dàng những cảnh tượng rừng thông nát tươm, nham nhở từ những bãi oanh tạc của lâm tặc. Càng vào sâu trong rừng, chúng tôi càng chứng kiến những cánh rừng thông đã tan hoang, chỉ còn lại mặt đất lởm chởm gốc cây, nhất là ở địa bàn xã Ninh Loan, Đà Loan... Ở nhiều điểm rừng khác, cây ngã đổ sóng sượt khắp nơi, từ các khe đến trên các sườn núi, cả tận đỉnh đồi.

Theo X, muốn vào rừng gần như bắt buộc phải đi qua Ninh Loan, trên một con đường duy nhất này và phải đi qua trạm kiểm lâm. Chính vì thế, dân Ninh Loan chiếm “ưu thế” khi có đến 90% số lâm tặc là người Ninh Loan. Xe cải tiến, xưởng gỗ cũng nằm chủ yếu ở Ninh Loan. “Hàng ngày tôi làm rẫy gần ngay trạm kiểm lâm Đỉnh Xanh, thấy xe qua trạm đều dừng lại. Nghe nói mỗi xe gỗ qua đây phải “làm luật” từ 1,5 đến 3 “chai” (triệu), tùy loại gỗ. Chứ làm gì xe chạy ầm ầm như thế, mấy ổng không biết?”, X nói. Còn theo trùm gỗ lậu D thì ở Ninh Loan, một trong những xưởng gỗ tiêu thụ cây thông lớn nhất vẫn là H.T. “Họ bao tiêu hết gỗ thông với giá khoảng 6 triệu đồng/khối, bán lại gấp rưỡi”.

DÂN CŨNG PHÁ

Đỉnh Xanh là ranh giới địa bàn giữa Di Linh (Lâm Đồng) với Bắc Bình (Bình Thuận). Khu vực này có một trạm kiểm lâm nằm ngay trên con đường huyết mạch vào rừng. Tất cả phương tiện từ các xã của Đức Trong và Di Linh muốn ra vào rừng đều phải đi qua con đường này. Khi chúng tôi từ Đỉnh Xanh đang đi bộ xuống con dốc dài lởm chởm đá thì bất chợt nghe tiếng động cơ xe máy rú ầm ầm. Vài giây sau, từ dưới chân dốc, một đoàn xe máy 5 chiếc của nhóm lâm tặc đang leo dốc vào rừng Bắc Bình.


BQL rừng thông nói về rừng thông thí điểm

Xuống đến chân dốc, thấy một người đàn ông trung niên đang dọn cỏ trên mảnh ruộng trước mặt nên tiến lại bắt chuyện. Người dàn ông cho biết ông từ Nam Định vào đây lập nghiệp đã hơn 20 năm nay. Thấy chúng tôi không giống người địa phương, lại chỉ hỏi về lâm tặc, phá rừng, ông nghi ngờ: “Chắc mấy chú là cán bộ đi kiểm tra chứ du lịch gì trong này. Hồi đó, quanh đây toàn rừng rậm, đường đi còn chưa có. Bây giờ, thành nương rẫy hết rồi. Ngày nào cũng thế, tầm giờ này là đoàn xe cải tiến, xe máy lại nối đuôi nhau chạy qua đây vào rừng chở gỗ ra”, ông ta nói.

“Ninh Loan có khoảng gần 30 xe cải tiến và vài trăm chiếc xe máy “độ” của lâm tặc. Bình quân 1 xe cải tiến vào rừng chở gỗ ra mất khoảng 2 ngày. Một xe chở 6 - 8 khối gỗ. Như vậy, chỉ tính riêng xe cải tiến của Ninh Loan thôi, bình quân mỗi ngày đã “xơi” cả trăm khối gỗ rồi. Đó là chưa tính bên Đà Loan”, trùm gỗ lậu D nói.

“Rừng thông bây giờ chỉ còn cây nhỏ. Nhưng cây nhỏ nếu không bị lâm tặc lấy thì cũng không thoát chết vì bị người ta nạo vỏ dưới gốc để lấy nhựa như cạo mủ cao su”, X nói. Nghe tôi thắc mắc vì sao những cây thông cháy đen nham nhở, nhiều cây khá to đổ ngã ngổn ngang như vậy, X giải thích: “Đó là những cây nhỏ thôi. Lâm tặc chê. Còn nó đổ là do bị người ta vạt gốc lấy “ngo”, riết rồi gốc bị lõm vào, chỉ còn một phần nhỏ. Gặp gió mạnh là gãy đổ. Mấy vạt rừng cháy là họ đốt làm rẫy”. “Lấy “ngo” là gì?”, tôi thắc mắc.

“Ngo là nhựa thông chảy ra, lâu ngày đóng vón lại thành cục màu nâu đen và bám chặt vào những thớ gỗ. Người ta dùng dao vạc lấy phần gỗ có nhựa này mang về dùng nhóm bếp hoặc bán, cũng kiếm được". Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những cây thông ở đây có chiều cao khoảng 20m, đường kính gốc từ 15 – 20cm. Dưới gốc mỗi cây đều bị cạo từ 1 - 5 mạch với chiều cao từ 2 – 5m để lấy nhựa. Ông Ng, một nông dân ở Ninh Loan nhiều năm nay mưu sinh chủ yếu bằng việc đi lấy nhựa và thông “ngo”, cho biết: “Cứ đều đặn một tuần một lần, tụi tôi lại vào rừng cạo nhựa thông, cây lớn cây nhỏ cũng cạo, miễn sao lấy được nhiều nhựa. Mỗi can nhựa thông (loại 20 lít) bán được khoảng 4 - 5 trăm ngàn”. Theo ông Ng, ở Ninh Loan nếu không làm lâm tặc thì ai cũng biết “kiếm thêm” bằng cách vào rừng cạo nhựa, lấy ngo. Nếu chịu khó, một buổi có thể kiếm vài tạ ngo, về bán 6 – 7 ngàn đồng/ký, hôm bèo nhất cũng kiếm được vài trăm...

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Bình luận mới nhất