Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, đang diễn ra tại Hà Nội, thực sự là một sự kiện chính trị thu hút sự chú ý của truyền thông trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 nhận được sự dõi theo đầy tin cậy của quần chúng nhân dân.
Trong Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 trình Đại hội khóa 13, có đoạn nhấn mạnh: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức Đảng, đảng viên còn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, Nhà nước chưa thật đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Những khó khăn, hạn chế và khuyết điểm đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng được. Tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, mất cảnh giác”.
Khi Đảng đã thấy những khiếm khuyết trong quá trình vận hành, nghĩa là Đảng đang trưởng thành về mọi mặt. Những lỗ hổng về trình độ và kinh nghiệm, đều dễ dàng bổ sung mỗi ngày. Yếu tố cốt lõi để Đảng đồng hành dân tộc chính là ý chí phụng sự. Nếu đã xác định rõ ràng ý chí phụng sự cho dân tộc, thì Đảng có cách hữu hiệu để nâng cao năng lực cầm quyền cũng như kiện toàn kiểm soát quyền lực.
Việt Nam chúng ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Yêu cầu cải thiện mạnh mẽ về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng là thử thách không nhỏ, trong bối cảnh ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu ngày một gia tăng. Mặt khác, nước ta cũng đang đối diện thực trạng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc.
Với vai trò lãnh đạo, Đảng nhận thức rõ ràng về tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công cuộc phòng chống tham nhũng và tiêu cực, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và cầm trịch, đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Sự co cụm và thu hẹp của các tệ nạn tham nhũng và tiêu cực, khiến uy tín của Đảng trong dân thêm củng cố.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao – Nguyễn Hòa Bình đề nghị mở rộng biên độ phòng chống tham nhũng và tiêu cực: “Phải kiểm soát rất chặt chẽ, những ai có dấu hiệu phải loại trừ từ sớm. Khi ai đó có vấn đề, người ta thường đòi hỏi 'chứng cứ đâu?'. Đúng là tìm chứng cứ thì không thể có ngay được. Nhưng nếu hỏi ông, bà này có trong sạch hay không thì người dân, cấp dưới, qua công việc, qua điều hành, qua cuộc sống hằng ngày, đều biết cả. Và không chỉ nghe người ta nói trong cuộc họp hay khi cán bộ đó còn đương chức, còn ở đó, mà cả khi người đó không có mặt, thậm chí khi rời đi, về hưu hay luân chuyển rồi...”