Ngày 25/9, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dẫn đầu đã làm việc Sở NN-PTNT Khánh Hòa về chống khai thác bất hợp pháp IUU, truy suất nguồn gốc; hạ tầng thủy sản, quản lý giống thủy sản; tái đàn, tăng đàn lợn và kiểm tra phòng chống dịch bệnh đồng vật.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa và ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã lần lượt báo cáo Đoàn công tác Bộ NN-PTNT về từng lĩnh phụ trách.
Theo đó, đối với công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), từ tháng 10/2018 đến nay, tàu cá của Khánh Hòa không vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài. Công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý hoạt động của các tàu cá thông qua các văn phòng kiểm tra, kiểm soát đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.
100% dự liệu về tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều dài 15m trở lên đã được cập nhập đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase). Đến nay cơ quan chuyên môn đã cấp giấy phép thủy sản cho 2.998/3.285 tàu và đang tiếp nhận xử lý cấp phép 189 tàu. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cảng cá thường xuyên kiểm tra, duy trì.
Tính đến 22/9, Khánh Hòa đã triển khai lắp đặt được 607/748 (đạt 81,3%) thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên… Tỉnh vẫn đang duy trì, củng cố các mô hình chuỗi liên kết khai thác, thu mua, tiêu thụ cá ngừ giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác nghề cá trên địa bàn, giúp công tác truy suất nguồn gốc được rõ ràng.
Đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và thủy sản cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 343 tàu có chiều dài 15m trở lên và 4 cảng cá.
Đối với tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh đến nay đã được kiểm soát. Các địa phương đã cơ bản bảo đảm yêu cầu để tái đàn. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là 306.730 con (tăng khoảng 68% so với tháng 12/2018). Trong đó, tổng đàn lợn nái có 19.643 con, chủ yếu tại các trại doanh nghiệp, tăng 16% so với tổng đàn lợn nái trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi vào tháng 12/2018. Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 20% tổng đàn tỉnh) chưa thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn do chưa đủ điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học, cũng như khan hiếm con giống.
Sau khi nghe báo và kiểm tra thực tế tại tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng cục Chăn nuôi đánh giá cao sự nổ lực của tỉnh trong việc tái đàn lợn sau khi dịch bệnh xảy ra. Và, là một trong những tỉnh tái đàn tốt nhất của cả nước, đặc biệt là tái đàn nái, đây là mấu chốt vấn đề phục vụ con giống cho tái đàn. Tuy nhiên theo ông Trọng, công tác tái đàn, nhất là tái đàn nái tỉnh cần tiếp tục tăng cường. Bởi đối với đàn nái phải chủ động trên 60% tổng số con giống, mới đủ phục vụ cho việc sản xuất thịt.
Ông Trọng còn lưu ý, việc tăng đàn, tái đàn lợn phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ thì chăn nuôi mới phát triển bền vững.
Đại diện Cục Cục Thú y cũng đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, việc duy trì hệ thống thú ý cơ sở nên việc triển khai phòng chống dịch bệnh được kiểm soát rất tốt. Do đó, Sở NN-PTNT cần duy trì mô hình này.
“Năm 2020 dịch bệnh trên địa bàn tỉnh xảy ra ít nhưng đa dạng, lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm đều có. Đây là những dịch bệnh nguy hiểm trên động vật. Do đó, trong thời tới địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm phòng vacxin trong năm 2020 kịp thời và đầy đủ…”, đại diện Cục Thú y nói.
Về việc triển khai chống khai thác bất hợp pháp IUU, thay mặt Đoàn công tác, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá đợt kiểm tra lần này tỉnh có nhiều tiến bộ hơn so với lần kiểm tra trước đó. Lực lượng tại cảng về năng lực, trình độ rất thuần thục về quy trình kiểm soát tại cảng, cũng như nắm bắt được các văn bản chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Tuy nhiên Đoàn công tác vẫn ghi nhận một số tồn tại, sai sót xảy ra như công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, công tác kiểm soát nhật ký khai thác của ngư dân, công tác lưu trữ hồ sơ, đặc biệt hồ sơ tại cảng, hồ sơ Chi cục và hồ sơ tại doanh nghiệp.
Do đó, ông Hùng đề nghị Sở NN-PTNT tiếp tục khắc phục những tồn tại sai sót trên mà đoàn công tác đã chỉ ra. Trong đó chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm soát tàu cá không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Tôi có xem trên thiết bị giám sát hành trình phát hiện những tàu đánh bắt vùng giáp ranh, có dấu hiệu mất tín hiệu. Nguy cơ cao là những tàu này có khả năng và ý đồ vi phạm. Hiện EC cũng nói rõ, Việt Nam còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài chắc chắn sẽ khó gỡ với “thẻ vàng”, ông Hùng nói và đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì không để tàu cá vi phạm nước ngoài và công tác này cần được triển khai thường xuyên, kể cả sau khi gỡ được “thẻ vàng”.
Đối với gần 300 tàu cá chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, ông Hùng đề nghị Chi cục Thủy sản tham mưu Sở rà soát lại toàn bộ tàu này và chắc chắn những tàu này không đi khai thác, cũng như đề nghị Biên phòng giám sát chặt việc này.
“Khi mà một hồ sơ xuất khẩu người ta phát hiện tàu không có giấy phép khai thác thì lỗi rất nặng”, ông Hùng nói và đề nghị việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng cần được rà soát, để làm sao khi khai thác tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Bên cạnh đó, nhật ký khai thác cũng cần rà soát lại, vì rất quan trọng liên quan đến chuỗi truy suất nguồn gốc. Đặc biệt, những lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải rà soát sổ nhật ký và kiểm tra lại trên hệ thống giám hành trình trước khi EC sang. Ngoài ra, việc kiểm soát hoạt động tàu cá hoạt động sai vùng hay không cũng cần được đẩy mạnh.
Theo ông Hùng, từ tháng 10/2018 đến nay tỉnh Khánh Hòa chưa phát hiện tàu cá vi phạm nước ngoài. Hiện nay tỉnh có 3 tàu bị Indonesia bắt giữ. Nhưng trên hệ thống giám sát tàu cá chúng ta có dữ liệu 3 tàu này đang hoạt động tại vùng biển Việt Nam. "Hiện chúng tôi đã có công văn gửi Cục lãnh sự đề nghị Đại sứ quán bảo hộ công dân trong trường hợp tàu cá chúng ta khai thác hợp pháp mà phía bạn bắt giữ trái phép. Hy vọng trong thời gian tới nếu tàu cá chúng ta không vi phạm thì bà con sẽ trở về", ông Hùng nói.