| Hotline: 0983.970.780

Thiếu nguồn lực chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

Thứ Bảy 13/06/2020 , 09:15 (GMT+7)

Mặc dù khối lượng công việc lớn, song nguồn lực về kinh tế cũng như con người hạn chế khiến cho việc thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU chuyển biến chậm.

Việc phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm của lực lượng chức năng Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và kinh phí

Việc phát hiện, xử lý tàu cá vi phạm của lực lượng chức năng Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và kinh phí

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 5/2020, toàn tỉnh có 141 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác xa bờ, tuy nhiên chưa có tàu cá và ngư dân nào vi phạm khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài.

Mới đây Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các tàu cá hoạt động trên biển, xử lý các tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp tại vùng biển ven bờ.

Kết quả, đoàn liên ngành đã trực tiếp kiểm tra, thanh tra trên 300 lượt phương tiện trong và ngoài tỉnh đang hoạt động khai thác thuỷ sản trên sông, trên vùng biển Hà Tĩnh; phát hiện 10 trường hợp vi phạm; xử lý vi phạm hành chính 5 trường hợp với tổng số tiền 28 triệu đồng; tịch thu 2 bộ lưới kéo của tàu giã cào; 1 máy phát điện 3 pha và 200m dây điện.

Tuy nhiên, số lượng tàu thuyền khai thác vùng lộng vi phạm quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tương đối phổ biến.

Trong đó, chủ yếu là tàu cá vi phạm khai thác sai vùng, sai tuyến; không đúng với ngành nghề ghi trong giấy phép; thiếu các chứng chỉ về an toàn thực phẩm; không ghi nhật ký khai thác…

Ông Nguyễn Tông Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, Chi cục có thể chủ động tổ chức các đợt thanh tra, truy quét tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực cả về kinh tế và con người nên thời gian vừa qua Chi cục Thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh thực hiện các đợt truy quét tàu dã cào trên biển.

“Bộ đội Biên phòng được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, trong khi Chi cục Thủy sản “tay không bắt giặc” nên việc xử lý tàu cá vi phạm của Chi cục gặp nhiều khó khăn”, ông Thắng nói.

Liên quan đến việc thiếu nguồn lực, lãnh đạo Chi cục Thủy sản phân tích, lực lượng Kiểm ngư nhiều năm nay không đảm bảo quân số theo quy định (Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 quy định, định biên tàu Kiểm ngư là 9 người nhưng hiện nay chỉ mới có 1 biên chế) nên công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển còn hạn chế; việc tuyển dụng công chức vào những vị trí này gặp nhiều khó khăn do đòi hỏi phải có bằng đại học, phải thi tuyển công chức theo quy định (sinh viên có bằng đại học các ngành trên rất ít thi tuyển vào công chức nhà nước, chủ yếu làm việc cho doanh nghiệp).

Đến nay, qua 2 đợt thi tuyển công chức gần đây nhưng vẫn không tuyển dụng được công chức vào các vị trí này.

Đối với Văn phòng đại diện nghề cá đặt tại cảng Cửa Sót, huyện Lộc Hà, phải kiểm tra, kiểm soát tàu ra vào cảng 24/24h nhưng hiện số lượng cán bộ tham gia văn phòng đại diện đang thực hiện theo chế độ kiêm nhiệm nên không đủ số người cần thiết để bố trí kiểm tra, kiểm soát.

“Lực lượng Bộ đội Biên phòng yêu cầu có 4 chiến sỹ mới đáp ứng nhiệm vụ tại 2 cảng cá, tuy nhiên hiện mới chỉ có 1 chiến sỹ đóng tại cảng Cửa Sót; Ban quản lý cảng cũng cần bổ sung ít nhất thêm 4 người để đáp ứng nhiệm vụ”, ông Thắng thông tin.

Tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép khá phổ biến trên vùng biển Hà Tĩnh

Tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép khá phổ biến trên vùng biển Hà Tĩnh

Ngoài ra, tàu Kiểm ngư đã trên 20 năm sử dụng (sản xuất 1997) nên nhiều tính năng hoạt động bị hạn chế, không đảm bảo cho hoạt động dài ngày trên biển và điều kiện có sóng, gió cấp 4 trở lên.

Đặc biệt, kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng và hoạt động của văn phòng đại diện nghề cá còn khá eo hẹp.

Bình quân mỗi năm chỉ mới cấp được khoảng 400 triệu đồng, cân đối vừa đủ 5 - 6 chuyến tuần tra với mỗi chuyến từ 5 - 7 ngày nên không đảm bảo được sự hiện diện thường xuyên liên tục của lực lượng chấp pháp trên biển.

Về lâu dài, để chung tay cùng ngành thủy sản cả nước gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU), các cấp Bộ ngành Trung ương, đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh cần dành nguồn lực về con người, kinh phí tương xứng với yêu cầu cấp bách của công việc, góp phần sớm đưa hoạt động khai thác thủy sản trên biển vào quy củ, tránh để xảy ra tình trạng ngư dân “nhờn” luật.

(Kiến thức gia đình số 24)

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất