| Hotline: 0983.970.780

Các tỉnh ven biển phía Nam phối hợp quản lý tàu cá, chống khai thác IUU

Thứ Sáu 29/05/2020 , 09:51 (GMT+7)

Các địa phương ven biển đã ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển, nhằm chống khai thác IUU.

Liên thông các địa phương

Nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong công tác quản lý, UBND các tỉnh: Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau đã ký Quy chế phối hợp số 208/QCPH-UBND ngày 14/1/2019, trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển. Với quy chế này, việc quản lý tàu cá trên biển đã được liên thông giữa các địa phương, không còn bị lệ thuộc vào địa giới hành chính, nhất là trong công tác truy đuổi, bắt giữ, xử lý tàu cá vi phạm trong khai thác.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang trao đổi với ngư dân, tuyên truyền về việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản. Ảnh: Minh Sáng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang trao đổi với ngư dân, tuyên truyền về việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thủy sản. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, thực hiện quy chế này, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho sở chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ tàu, thuyền trưởng, thực hiện các văn bản pháp luật và các chỉ đạo của Trung ương, địa phương về lĩnh vực thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép, đặc biệt là Luật Thủy sản năm 2017. Các quy định về ranh giới vùng biển giữa Việt Nam và các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm.

Định kỳ hàng năm tổ chức, phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh có tàu cá hoạt động qua lại tại vùng biển của nhau, mời ngư dân để địa phương chủ quản đến gặp mặt, thăm hỏi, động viên người dân an tâm bám biển. Đồng thời, nhắc nhở thực hiện chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và quy định tại địa phương nơi tàu cá hoạt động.

Phối hợp với Sở NN-PTNT các tỉnh có liên quan hỗ trợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, chú trọng tàu cá, thuyền viên trong danh sách được đề nghị tăng cường hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát.

Thực hiện công tác quản lý, kiểm soát tàu cá của tỉnh khác đến hoạt động cũng giống như tàu cá trong tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không để tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm pháp luật, kể cả đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.

Huy động nhiều ngành vào cuộc

Không chỉ có ngành nông nghiệp, mà các đơn vị, sở, ngành khác cũng được huy động vào cuộc, cùng phối phợp thực hiện, như: công an, quân đội, các địa phương có biển…

Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát biên phòng thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng phương tiện xuất, nhập bến. Kiên quyết xử lý không cho tàu cá xuất bến khi không có đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định. Đồng thời, thông qua công tác quản lý, kiểm soát biên phòng, vận động các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kiểm tra hồ sơ tàu cá trước khi xuất bến từ cảng cá Tắc Cậu. Ảnh: Minh Sáng.

Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kiểm tra hồ sơ tàu cá trước khi xuất bến từ cảng cá Tắc Cậu. Ảnh: Minh Sáng.

Chủ trì phối hợp với Sở NN-PTNT, các ngành chức năng địa phương và các ngành chức năng tỉnh khác thực hiện thống kê tàu cá trong tỉnh đến hoạt động ở tỉnh khác và ngược lại. Phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, điều tra, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm giữa các tỉnh có liên quan. Khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, trường hợp vụ việc vi phạm trên địa bàn tỉnh thì có trách nhiệm xử lý. Sau khi xử lý kịp thời thông báo, trao đổi về tình hình, kết quả xử lý, để địa phương có tàu vi phạm nắm và phối hợp xử lý. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nào có tàu cá vi phạm thì có trách nhiệm hỗ trợ công tác điều tra, xác minh khi có yêu cầu.

Công an tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT, lực lượng Bộ đội biên phòng, Sở Ngoại vụ, UBND các tỉnh, thành phố ven biển, đảo thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, xác minh. Củng cố hồ sơ, chứng cứ xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi làm trung gian môi giới để đưa người và tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Môi giới chuộc tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt, xử lý, đưa trái phép về nước. Lợi dụng hoạt động khai thác thủy sản để buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác tại địa phương.

Sở Ngoại vụ thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa các tỉnh có liên quan về tình hình tàu cá, thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, báo cáo Bộ Ngoại giao để có biện pháp bảo hộ công dân.

Phối hợp với các nước có liên quan có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin, tình hình giữa các nước về việc bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài, như: hành vi vi phạm, mức độ xử lý, trên cơ sở đó có biện pháp, hướng giải quyết các vụ việc.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang chạy song song 2 hệ thống phần mềm giám sát tàu cá, gồm thử nghiệm của tỉnh và của Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đang chạy song song 2 hệ thống phần mềm giám sát tàu cá, gồm thử nghiệm của tỉnh và của Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Minh Sáng.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt các xã, phường, thị trấn và các phòng ban có liên quan phối hợp với Hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá địa phương hoạt động dài ngày trên biển và thường xuyên xuất, nhập biến trên địa bàn của địa phương khác.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, với việc cùng ký kết quy chế phối hợp này, các tỉnh sẽ được giao là làm thường trực luân phiên theo thời gian nhất định, để tổng hợp thông tin, chỉ đạo xử lý khi có sự việc xảy ra. Nếu vụ việc phức tạp, cấp bách thì báo UBND các tỉnh thống nhất chỉ đạo.

Đề nghị VNPT tiếp tục duy trì hệ thống giám sát tàu cá

Ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản gửi Trung tâm Kinh doanh VNPT - Kiên Giang đề nghị tiếp tục duy trì hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tỉnh đang chạy song song 2 hệ thống phần mềm giám sát hành trình tàu cá hoạt động trên biển. Một là hệ thống giám sát tàu cá của tỉnh, do VNPT - Kiên Giang cung cấp. Hai là hệ thống giám sát tàu cá do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) triển khai, đặt tại tỉnh.

VNPT - Kiên Giang vừa là đơn vị cung cấp thiết bị, vừa là đơn vị xây dựng thử nghiệm phần mềm quản lý giám sát tàu cá cho tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Minh Sáng.

VNPT - Kiên Giang vừa là đơn vị cung cấp thiết bị, vừa là đơn vị xây dựng thử nghiệm phần mềm quản lý giám sát tàu cá cho tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Minh Sáng.

Hệ thống giám sát tàu cá mà VNPT - Kiên Giang đã cung cấp cho tỉnh là được sự chấp thuận của UBND tỉnh Kiên Giang cho phép triển khai thực hiện thử nghiệm từ những tháng cuối năm 2018. Khi đó, VNPT - Kiên Giang vừa là đơn vị cung cấp thiết bị, vừa là đơn vị xây dựng thử nghiệm phần mềm quản lý giám sát tàu cá cho tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, mới đây Trung tâm Kinh doanh VNPT - Kiên Giang đã có công văn gửi Sở NN-PTNT tỉnh về việc bảo mật dữ liệu tàu cá. Theo nội dung công văn này thì VNPT - Kiên Giang sẽ ngừng cung cấp hệ thống giám sát tàu cá VNPT-VSS của tỉnh Kiên Giang từ ngày 1/5/2020.

Theo ông Thao, lý do đề nghị VNPT - Kiên Giang tiếp tục duy trì hệ thống giám sát tàu cả của tỉnh Kiên Giang là để có thời gian tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thử nghiệm và báo cáo UBND tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay Tổng cục Thủy sản đã triển khai phần mềm giám sát tàu cá đặt tại trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá của Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Kiên Giang. Tuy nhiên, hệ thống này còn chưa ổn định và còn nhiều dữ liệu tàu cá cần cập nhật, đối chiếu giữa hệ thống của tỉnh và hệ thống của Tổng cục Thủy sản, trước khi gom chung về một đầu mối.

Phúc Nghi

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.