Chiều 15/3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi chia sẻ trong khuôn khổ Chương trình Tập huấn “Nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất và thương mại sản phẩm OCOP trong phát triển kinh tế nông nghiệp xanh” từ ngày 14 - 16/3, do Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade), Viện MEFAST và Tiktok phối hợp tổ chức.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh đến vấn đề nông nghiệp xanh. Theo đó, các sản phẩm phải hướng theo hướng xanh hóa, không ảnh hưởng môi trường, không suy thoái đất, không suy thoái nước, không ảnh hướng đến đa dạng sinh học.
“Tương lai chúng ta có thể xây dựng hình ảnh Tiktoker xanh”, ông Lê Minh Hoan đặt vấn đề. Theo đó, các chứng nhận xanh sẽ là chìa khóa để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới.
Với Agritrade, Bộ trưởng hy vọng sẽ trở thành nơi bảo chứng cho các sản phẩm sạch, an toàn, xanh với người tiêu dùng. “Những doanh nghiệp nông nghiệp muốn đưa hàng vào phải đáp ứng được những tiêu chuẩn tương đương”, người đứng đầu ngành nông nghiệp phân tích thêm.
Trở lại với vấn đề thương mại điện tử, cụ thể là bán nông sản trên nền tảng Tiktok, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất cần có những chương trình đào tạo cụ thể, nâng cao kỹ năng, hoàn thiện năng khiếu cho các Tiktoker, thậm chí có thể cấp giấy chứng nhận.
Dần dần chuyên nghiệp hóa, Bộ trưởng nêu ý tưởng về việc thành lập các câu lạc bộ, sau đó phát triển thành hiệp hội Tiktoker Việt Nam để thống nhất được mục tiêu, sứ mạng, tầm nhìn và đem lại giá trị cao hơn.
Trích ý tưởng từ cuốn sách “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”, ông Lê Minh Hoan nhắn nhủ tới những doanh nghiệp, người bán cần hiểu được giá trị công việc của mình. “Người buôn bán hãy hướng đến trái tim của khách hàng, lấy được trái tim của khách hàng chứ không chỉ lấy tiền”, ông nói.
Mở rộng thêm vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cần những câu chuyện giàu cảm xúc, có hồn để người mua vẫn nhớ mãi đến mình, không bị nhàm chán, vì: “Nếu không có cảm xúc, không nhập tâm thì chẳng khác gì những con robot”.
Ngoài ra, người bán hàng cũng cần có trách nhiệm với những sản phẩm mình bán ra, về chất lượng và về cả cách sử dụng, bảo quản… tránh lãng phí cho người tiêu dùng.
Đề cập tới tính cạnh tranh trên thị trường, Bộ trưởng nói hiện nay có quá nhiều sản phẩm tương đồng để người tiêu dùng lựa chọn. Do đó, các doanh nghiệp cần tìm hiểu sản phẩm trước khi sản xuất, nếu không có khả năng cạnh tranh thì dừng, hoặc nếu muốn làm tiếp thì phải phân tích để tìm ra điểm mới để cạnh tranh được với các sản phẩm đã có sẵn.
“Người bán hàng vĩ đại là người có suy nghĩ rằng các sản phẩm đều là đại diện của quốc gia, mỗi hành vi, mỗi sản phẩm đều phải chăm chút để xứng đáng với hình ảnh Việt Nam ở thị trường quốc tế”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ.
Mặc dù có sự cạnh tranh lớn, nhưng ông cũng nhắn nhủ đừng quá rụt rè, hãy tìm con đường riêng cho mình, tạo ra giá trị mới, giá trị riêng cho mình.
“Cơ quan quản lý có thể tổ chức các cuộc thi để kích thích trí sáng tạo, đưa ra những sản phẩm mới trên nền tảng một nông sản, ví dụ như các sản phẩm từ mật ong”, Bộ trưởng gợi ý thêm và nhấn mạnh đã đến lúc đổi mới sáng tạo và đưa ra những yêu cầu cao hơn cho sản phẩm nông sản.