| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sản phẩm OCOP nên ưu tiên trải nghiệm người dùng

Thứ Tư 27/12/2023 , 15:07 (GMT+7)

Có lợi thế về chứng nhận đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất, sản phẩm OCOP còn nhiều dư địa quảng bá trên không gian mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Minh Tiến nhận xét, bạn bè thế giới đã dần chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tiến nhận xét, bạn bè thế giới đã dần chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP.

Đưa sản phẩm OCOP đến thị trường quốc tế

Tính đến giữa tháng 12/2023, cả nước có hơn 11.000 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 (10.000 sản phẩm). Trong đó, gần 30% là sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 5 sao.

"Điều đáng mừng là đến giờ, rất nhiều sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu sang thị trường thế giới. Chất lượng sản phẩm OCOP được nâng cao và cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc ứng dụng các công nghệ. Mẫu mã, bao bì không còn đơn giản như trước mà hiện có rất nhiều loại bao ấn tượng. Câu chuyện sản phẩm cũng đã được thể hiện", ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp chia sẻ.

Theo ông Tiến, sản phẩm OCOP là sự kết tinh giữa các giá trị bản địa với khoa học, công nghệ và sự sáng tạo, tâm huyết của các chủ thể. Các sản phẩm OCOP hiện nay đều đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GAP.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp thông tin, trong năm 2023, một số đặc sản như mắm tôm Lê Gia đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Australia; miến dong Bình Liêu cũng sắp xuất khẩu sang châu Âu.

"Bạn bè thế giới đã dần chấp nhận với tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP. Chúng ta còn thấy câu chuyện về những nhà hàng bán bún đậu mắm tôm ở New York. Rõ ràng, văn hóa ẩm thực của Việt Nam đã tiếp cận và được quốc tế chấp nhận. Điều đó cho thấy sự thay đổi căn bản về mặt chất lượng sản phẩm OCOP", ông Tiến nói tiếp.

Về thị trường trong nước, hệ thống các điểm phân phối sản phẩm OCOP được phủ khắp 63 tỉnh, thành phố. Riêng Hà Nội có tới 89 điểm, Quảng Ninh có 31 điểm.

Ông Tiến cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ phát triển số lượng sản phẩm OCOP, công tác phân phối, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP cũng được các bộ, ngành và địa phương quan tâm. Ngoài các kênh phân phối siêu thị, chuỗi bán hàng tiện lợi, sản phẩm OCOP còn được trưng bày ở các trạm dừng nghỉ cao tốc, khu bán hàng sân bay.

Đặc biệt, cuối năm 2022, với sự hợp tác của TikTok, chương trình OCOP đã triển khai một cách mạnh mẽ thông qua các phiên chợ livestream. Ông Tiến thống kê, trong năm 2023, hơn 800 phiên chợ được tổ chức, mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng, tiếp cận đến hơn 300 triệu lượt người xem.

Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp còn giới thiệu sản phẩm OCOP tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan và tại "kinh đô thời trang" Milan, Italy.

"Giá trị sản phẩm OCOP đã thực sự được lan tỏa, không chỉ dừng ở thị trường nước mà cũng đã xúc tiến tới thị trường quốc tế", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thế Anh: Sản phẩm OCOP có lợi thế về truy xuất nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Thế Anh: Sản phẩm OCOP có lợi thế về truy xuất nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử.

Giải quyết vấn đề truy xuất nguồn gốc

Là một thương hiệu trà có lịch sử 50 năm, trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng trước đây tiêu thụ chủ yếu theo kênh truyền thống, tức là người tiêu dùng đến tận nơi mua hàng. Tuy nhiên, điều này khiến giá trị và thương hiệu sản phẩm khó lan tỏa.

Để phát triển hơn nữa thương hiệu, ông Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX hệ sinh thái du lịch Suối Giàng cho biết, sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm cho khách hàng, nhất là nhóm khách hàng mới. 

Cụ thể, HTX kiến nghị được đưa sản phẩm vào các nghi lễ tiệc trà quốc gia, hoặc xuất hiện tại hệ thống sân bay, cũng như các sàn thương mại điện tử. "Sản phẩm không chỉ bày trên kệ nữa mà được đưa vào cả câu chuyện văn hóa. Làm thế nào để tất cả khách quốc tế khi rời khỏi Việt Nam thì đều có thể tiếp cận và mua được hàng", ông nói.

Sản phẩm trà shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, theo ông Hiếu, hoàn toàn thiên nhiên vì đặc tính của khí hậu, của thổ nhưỡng, vị trí và độ cao tại vùng trồng. Vị giám đốc HTX coi đây là một lợi thế, có thể giúp sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất. 

Trà Suối Giàng cũng như nhiều sản phẩm OCOP khác đã tăng cường tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử, trong đó có sàn Postmart. Tính đến cuối 2023, hơn 8.000 sản phẩm OCOP đã xuất hiện trên sàn (chiếm hơn 70% tổng số sản phẩm OCOP cả nước).

Chè Suối Giàng hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Chè Suối Giàng hiện được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Nhận thức được vấn đề này, ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho biết, đơn vị đang cố gắng đẩy nhanh khâu phối hợp, từ lúc đặt hàng tới khi vận chuyển, phân phối, đảm bảo chất lượng các sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn giữ nguyên được chất lượng, kể cả sản phẩm tươi sống.

Riêng về sản phẩm OCOP, ông Thế Anh khẳng định, nhóm sản phẩm này có lợi thế vì đã khẳng định được rất rõ về nguồn gốc, xuất xứ. "Đây là yếu tố tiên quyết, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn trên thương mại điện tử", ông nhấn mạnh.

Qua quá trình tiếp xúc với sản phẩm OCOP, đại diện VNPost nhìn nhận, mặt hạn chế chung của các sản phẩm OCOP vẫn là khâu đóng gói, khâu nhận diện thương hiệu. Nguyên do bởi sản phẩm OCOP chủ yếu xuất phát từ khu vực nông thôn, nên đa số các chủ thể chưa trang bị kiến thức và nhận thức đầy đủ để thiết kế sản phẩm bắt mắt.

Phân khúc rõ thị trường

Từng giữ vai trò Chánh văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, ông Nguyễn Minh Tiến đề nghị các chủ thể OCOP cần định vị rõ phân khúc thị trường, trước khi đề ra kế hoạch xúc tiến thương mại.

"Sản phẩm phù hợp với thị trường nào thì tập trung xây dựng kênh tiêu thụ và xúc tiến thương mại phù hợp với nhóm khách hàng tiềm năng. Ví dụ, trà mạn, trà truyền thống và sử dụng nguyên liệu từ trung du, hái vào lúc nắng to thì hàm lượng tanin cao, chỉ phù hợp làm trà truyền thống; kênh tiêu thụ chính là trong nước. Nếu muốn đẩy lên thành sản phẩm cao cấp, đi vào thị trường ngách thì phải kể câu chuyện, kết hợp trải nghiệm trực tiếp, hoặc tổ chức livestream giới thiệu sản phẩm", ông Tiến chia sẻ.

Ngoài vấn đề về bao bì, nhãn mác, ông Tiến nhận xét, các lô hàng nông sản nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng còn tình trạng không đồng đều về chất lượng.

Từ đó, ông đề xuất 3 nhóm giải pháp: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; Mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; Xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ với cơ quan quản lý.

Đặc biệt hiện nay, người tiêu dùng thuộc nhóm "Gen Z" (sinh khoảng năm 2000), nên ưu tiên trải nghiệm qua mạng xã hội cũng rất quan trọng, theo ông Tiến. Trên cơ sở đó, ông khuyên các chủ thể OCOP cần nâng cao năng lực về chuyển đổi số, đồng thời tích cực kết hợp quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, giúp mở rộng tệp khách hàng.

Ngày 7/5/2018, Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trên cơ sở phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó có xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.