Kết thúc vụ mía đường (2012-2013) ở ĐBSCL, các NM đường và nông dân không đạt hiệu quả như mong đợi. Dù các NM đường ở Hậu Giang tạm ngưng hoạt động để duy tu, bảo dưỡng, song ngoài đồng cây mía vẫn vươn lên xanh mượt.
Còn 3 tháng nữa sẽ vào vụ mía mới (2013-2014), nhưng ngày 15/6 vừa qua UBND tỉnh Hậu Giang sớm triệu tập cuộc họp tìm giải pháp liên kết, hợp tác SXKD để nông dân và NM đường cùng có lợi.
Chuyên canh gặp khó
Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, đến nay Hậu Giang có 14.007 ha mía đã xuống giống, vượt mức kế hoạch 13.800 ha (101%). Nông dân chú trọng chuyển đổi giống mía mới có năng suất, chữ đường cao gồm 9 giống: ROC 16, K88-92, QĐ 13, QĐ 11, ROC 22, R570, SU 7, KT 84, ROC 18… Đề phòng lũ về sớm, tỉnh triển khai dự án đê bao vùng mía 6.767 ha. Trong đó dự án do Sở NN-PTNT quản lý đầu tư 2.380 ha, đến cuối tháng 5/2013 đạt 75% khối lượng. Vùng còn lại 4.387 ha do UBND huyện Phụng Hiệp quản lý đầu tư, đến nay mới xong thiết kế, đang thống kê giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đấu thầu thi công.
Tính đến đầu tháng 6, vùng trồng mía 10.439 ha (thuộc 2 huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy và TP Vị Thanh) phân chia cho Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) ký hợp đồng tiêu thụ được 7.768 ha, chiếm 74,4%; giá sàn đảm bảo thu mua thấp nhất 830 đ/kg (mía 10 chữ đường- CCS) tại NM. Cty Long Mỹ Phát (LMP) được phân chia 3.009 ha (địa bàn huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp), đến nay ký hợp đồng được 1.154 ha, chiếm 38,3%; với giá thu mua 750 đồng/kg (mía 9 CCS) tại cầu cảng. Như vậy đến nay diện tích mía đã có hợp đồng bao tiêu chiếm hơn 60%.
Theo ý kiến các cán bộ địa phương, trong 2 năm qua khi lúa tiêu thụ gặp khó khăn, cây mía vẫn trụ lại ổn định hình thành vùng chuyên canh lớn. Đó là nhờ có sự liên kết NM đường và nông dân đi vào nề nếp. Riêng huyện Phụng Hiệp có trên 9.000 ha, được UBND tỉnh quan tâm, phân chia vùng nguyên liệu cho các NM đầu tư đê bao, máy bơm. Cuối vụ NM thu mía hết không để sót như những năm trước.
Nông dân Hậu Giang chưa chủ động được phương tiện vận chuyển mía đến NM
Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là do đặc thù địa bàn vùng sông nước, nông dân không chủ động được phương tiện vận chuyển nên phải bán mía qua thương lái. Vụ mía vừa qua, thị trường bất lợi, giá đường giảm kéo theo giá mía giảm dần về cuối vụ. Nông dân trồng mía tuy không lỗ, nhưng 9/10 NM đường khu vực ĐBSCL cho biết kết quả SXKD không đạt lợi nhuận.
Tình hình trên đặt ra bài toán khó trong việc phát triển vùng nguyên liệu và hiệu quả SXKD mía đường. Thêm vào đó trở ngại lớn từ nhiều năm qua ở Phụng Hiệp là chưa vào vụ đã lo “đốn mía, chạy lũ”, dẫn tới tình trạng mía non chưa đạt năng suất, chữ đường thấp, gây tổn thất rất nhiều cho cả nông dân và NM.
Tìm biện pháp
Bài học từ vụ mía (2012-2013) vừa qua cho thấy có một DN “nôn nóng” vào vụ sớm với lý do mua mía thu hoạch chạy lũ giúp dân. Sau đó các NM khác cũng lần lượt vào vụ. Tuy nhiên mía không ngập lũ và hậu quả chỉ vài tháng sau đó, NM đường “cầm đèn chạy trước” vào vụ sớm nhất phải tạm ngừng hoạt động, bỏ lại cả trăm ha mía đã ký cam kết mua hết cho nông dân. DN trên viện dẫn lý do vì SX không hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó TGĐ CASUCO phân tích: Ở vùng mía nếu bị ảnh hưởng lũ sớm, vào vụ sớm, nông dân và chính quyền an tâm, vì mía không chết và có thể lấp vụ trồng lúa trên liếp mía. Tuy nhiên phần thiệt hại lớn hơn là mía giảm năng suất 10 -15%, chữ đường chỉ đạt 8,2 - 8,5 CCS, tính ra chi phí giá thành SX mía của nông dân 770 - 820 đ/kg. Nếu so với giá bán mía 1.045 đ/kg (10 CCS tại NM) sau khi trừ chi phí vận chuyển còn khoảng 800 đ/kg, nông dân không có lãi.
Ông Ngoan nói: Vụ mía vừa qua, từ tháng 8 các NM hoạt động sớm hơn 20 - 25 ngày so với niên vụ trước. Nhưng không có lũ nên chỉ chạy được vài ngày phải tạm ngừng máy 2 - 3 lần vì thiếu mía, người dân chưa đốn. Đến cuối vụ, CASUCO ép sản lượng mía 1.159.000 tấn, cao hơn niên vụ trước (2011-2012) 113.000 tấn mía. Chính vì sớm ép mía non đầu vụ nên chữ đường thấp hơn bình quân 0,3 CCS, sản lượng đường đạt 100.139 tấn, thấp hơn vụ trước 35 tấn đường.
Trong khi đó để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và giữ ổn định vùng trồng mía, NM đường thu mua mía giá bình quân 1.020 - 1.040 đ/kg, cao hơn so với quy định của Bộ NN-PTNT (giá mua 1 tấn mía tại ruộng bằng 60 kg đường bán ra trước thuế).
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: Vai trò kinh tế cây mía có khả năng phát triển mạnh mẽ. Các cơ quan chuyên ngành và địa phương cần hỗ trợ nông dân tìm giống mới năng suất, chữ đường cao; thành lập các HTX, câu lạc bộ nông dân trồng mía giỏi, chủ động tổ chức phương tiện vận chuyển bán mía đến NM.
Riêng vùng mía bỉ ảnh hưởng lũ, tỉnh đã đầu tư kinh phí 80 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê bao bảo vệ vùng trồng mía. Các đơn vị quản lý dự án sớm tháo gỡ khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng để các công trình sớm triển khai thi công trong tháng 7, tháng 8 trước khi lũ về; dự kiến từ 15 - 20/9/2013 sẽ khởi đầu vào vụ thu hoạch mía (2013-2014).
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN: Dự báo trong 2 năm tới sản lượng đường trên thế giới tiếp tục dư thừa và sản phẩm chế biến từ đường có xu hướng giảm. Các nước SX đường trên thế giới đang đẩy mạnh nâng cao chất lượng mía, nâng tỷ lệ đường thu hồi từ mía và cùng lúc phát triển sản phẩm đường cát, điện, cồn sinh học… trong khi chúng ta chỉ có sản phẩm đường. Do vậy nếu chấp nhận hội nhập vào cuộc chơi, các NM đường không còn cách nào khác bằng việc đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh.