| Hotline: 0983.970.780

Tìm đơn hàng xuất khẩu gỗ qua hội chợ, sàn thương mại điện tử

Thứ Sáu 18/08/2023 , 14:12 (GMT+7)

TP.HCM Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm; tăng cường quảng bá tại sàn thương mại điện tử... là giải pháp nhiều doanh nghiệp ngành gỗ áp dụng để tìm đơn hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp nước ngoài tham quan tại các gian hàng trưng bày sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ tại hội chợ triển lãm VIFA Expo vào tháng 3 vừa qua.

Các doanh nghiệp nước ngoài tham quan tại các gian hàng trưng bày sản phẩm gỗ, thủ công mỹ nghệ tại hội chợ triển lãm VIFA Expo vào tháng 3 vừa qua.

Xúc tiến thương mại bằng nhiều kênh

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu về Hội chợ Quốc tế đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 1 - VIFA ASEAN 2023 chiều 17/8, ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh TP.HCM cho biết, ngành gỗ tiếp tục là một trong những ngành khó khăn nhất trong giai đoạn hiện nay về tình hình sản xuất và xuất khẩu.

Đông Nam Á là một trong những trung tâm sản xuất, cung cấp đồ gỗ nội, ngoại thất, hàng thủ công mỹ nghệ hàng đầu thế giới. Vì thế, việc tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp ngành gỗ là rất quan trọng. Bởi, Việt Nam hiện đang dẫn đầu Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và đứng thứ hai của châu Á. Nhu cầu nhập khẩu gỗ của các nước ASEAN khoảng 3 tỷ USD, nhưng tỉ lệ xuất khẩu của Việt Nam chưa tới 100 triệu USD.

"Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng, tìm kiếm thị trường bằng tất cả các kênh xúc tiến thương mại. Trong đó, kênh truyền thống vẫn là các hội chợ, triển lãm. Dù rất khó khăn, nhưng các doanh nghiệp rất bền bỉ, kiên trì tham gia các hội chợ triển lãm. Qua đó, có thể tìm kiếm khách hàng mới, cũng như tiếp cận những công nghệ mới, sản phẩm mới. Mặc dù là kênh truyền thống, nhưng hội chợ triển lãm vẫn là kênh quan trọng và hiệu quả đối với các doanh nghiệp”, ông Liêm nói và cho biết thêm, đã có doanh nghiệp nước ngoài thông qua hội chợ triển lãm về gỗ tại TP.HCM đã quyết định đầu tư vào Bình Dương và họ thông báo trong 7 tháng đầu tư tại đây rất thành công và hiệu quả.

Là một trong những doanh nghiệp tìm kiếm được những đơn hàng tại các hội chợ, triển lãm ngành gỗ thời gian qua, ông Trần Hữu Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên cho biết, từ trước dịch Covid-19, công ty luôn có các đơn hàng từ khách trong và ngoài nước ngay tại mỗi lần tham gia hội chợ, triển lãm ngành gỗ. Sau dịch Covid-19, các đơn hàng nhỏ hơn nhiều so với trước, thậm chí gần đây nhất, khách đến hội chợ tìm hiểu sản phẩm của công ty rất thích nhưng lại hẹn không đặt hàng ngay như trước đây.

Song song với việc tích cực tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, ông Hữu Hoài cho biết doanh nghiệp mình cũng tham gia sự kiện xúc tiến thương mại tại Mỹ nhưng không mấy khả quan do tình hình khó khăn chung. Buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm đơn hàng thông qua việc tăng chi phí cho hoạt động quảng bá gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

"Tôi vừa có được hai đơn hàng xuất khẩu với 2 container nhờ tích cực tham gia quảng bá trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba. Có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng trong tình hình khó khăn chung hiện nay", ông Hoài chia sẻ.

Các doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm đơn hàng mới nhờ tham gia các hội chợ, triển lãm.

Các doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm đơn hàng mới nhờ tham gia các hội chợ, triển lãm.

2.000 khách quốc tế đăng ký tham gia VIFA ASEAN 2023

Để tạo sân chơi, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh đơn hàng đang sụt giảm như hiện nay, Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – chi nhánh TP.HCM phối hợp Hiệp hội Dừa Việt Nam, Công ty CP Thủ Công mỹ nghệ Liên Minh tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN (VIFA  ASEAN 2023) vào ngày 29/8 đến 1/9. 

Ông Đặng Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Thủ công mỹ nghệ Gỗ Liên Minh cho biết, VIFA  ASEAN lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Nơi hội tụ tinh hoa nội thất Đông Nam Á” nhưng đã thu hút gần 200 doanh nghiệp với quy mô 600 gian hàng tham gia trưng bày và hơn 2.000 khách quốc tế đã đăng kí tham quan.

Tại đây, quy tụ nhiều nhà sản xuất và chế biến gỗ & mỹ nghệ uy tín trong nước từ TP.HCM và các tỉnh thành: TP.HCM, TP.Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tiền Giang, Bến Tre… và các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Cambodia.

Tại VIFA  ASEAN 2023 có nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phong phú được trưng bày đến từ nhiều quốc gia gồm: sản phẩm đồ gỗ, nội ngoại thất; sản phẩm trang trí, hàng thủ công mỹ nghệ, đèn trang trí, gỗ nguyên liệu, máy móc thiết bị và các loại phụ kiện… phục vụ cho ngành chế biến gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu.

Ngoài ra, VIFA  ASEAN 2023 còn tổ chức thêm các hội thảo chuyên ngành như “Xóa rào cản vượt giới hạn - giải pháp tăng doanh thu xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt”, “Khúc biến tấu của dừa trong trang trí nội thất” và “Tác động của Net Zero, cập nhật chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ”.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.