| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp phát triển bền vững tôm nước lợ

Thứ Ba 17/09/2019 , 10:07 (GMT+7)

8 tháng đầu năm ngành tôm gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm 8,1% so cùng kỳ. Hội nghị lần này, các chuyên gia đưa ra các giải pháp phòng trị nhiều loại dịch bệnh phổ biến trên con tôm nhằm phát triển bền vững.

Sáng 17/9, tại tỉnh Sóc Trăng diễn ra hội thảo “Các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả bền vững” do Tổng cục Thủy sản tổ chức.

Khởi đầu gian nan

Nhận định tình hình sản xuất, xuất khẩu tôm năm 2019 này, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Đây là năm khó khăn đối với ngành thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng, thời tiết diễn biến bất thường như nắng nóng, mưa bất thường, hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết năm nay sản xuất tôm, cũng như thủy sản gặp khó khăn. Ảnh: Minh Đãm.

Nhất là các loại dịch bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, …Bên cạnh đó, khó khăn trong công tác kiểm soát kháng sinh và giá thành sản xuất cao cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của con tôm.

Theo Cục Thú y, đến ngày 26/8, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 17.543 ha, giảm 30,9% so với cùng kỳ năm 2018 (có tổng diện tích bị thiệt hại là 25.398 ha) và chiếm 2,54% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước.

Nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới là rất cao do các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi.

Bên cạnh đó, diện tích thiệt hại có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới do các điều kiện bất lợi của thời tiết như nhiệt độ, độ mặn tăng cao làm tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho một số loại mầm bệnh phát triển.

Do đó, cần có giải pháp khắc phục như quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng để trữ nước sử dụng khi cần thiết; chỉ thả giống khi đạt đủ điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh.

Hội thảo đã phân tích nguyên nhân XK tôm giảm so với cùng kỳ. Ảnh: Minh Đãm.

Tình hình thế giới xuất hiện nhiều biến động, xung đột thương mại gia tăng. Các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng đầu năm 2019.

Kết quả thả nuôi đến tháng 8 năm 2019 là 689.516 ha (tăng 0,5% so với cùng kỳ 2018). Trong đó diện tích thả nuôi tôm sú là 600.575 ha, diện tích thả nuôi tôm chân trắng là 88.941 ha.

Sản lượng thu hoạch đạt 444.404 tấn (đạt 51,3% KH). Trong đó, sản lượng tôm sú 161.576 tấn; sản lượng tôm chân trắng 282.828 tấn.

Giá tôm tháng 8 đã khởi sắc, tăng nhẹ so với tháng 7. Ảnh: Minh Đãm.

Giá tôm đầu năm giảm so với cùng kỳ. Đến tháng 8 này, giá tôm mới trên đà khởi sắc. Tại ĐBSCL, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg: giá dao động từ 80.000-95.000 đ/kg (tăng 2.000-7.000 đ/kg so với tháng 7/2019), tôm sú loại 30 con/kg giá 190.000-202.000 đ/kg.

Khu vực miền Trung: Tôm thẻ chân trắng loại 100con/kg, giá dao động từ 89.000-98.000 đ/kg (tăng 2.000- 3.000đ/kg so với tháng 7/2019).

Khu vực miền Bắc: Giá tôm thẻ chân trắng hiện ổn định so với tháng 7/2019 giữ ở mức 85.000-97.000đ/kg.

Theo Tổng cục Thủy sản một số nguyên nhân giảm giá tôm như: Một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Ecuador … tiếp tục được mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Những tác động này đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá tôm trong nước.

Giá thành sản xuất tôm nguyên liệu nước ta vẫn cao hơn các nước khác. Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.

Thị trường nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật: Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong khi nhiều doanh nghiệp nước ta chủ quan, chưa đáp ứng yêu cầu.

Tin vui cuối năm

8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD (giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ giảm đã chậm lại do tháng 7 xuất khẩu tăng trưởng dương. Riêng tháng 7 xuất khẩu đạt trên 344 triệu USD (tăng 13,4% so với tháng 7 năm 2018).

Các doanh nghiệp Việt được Mỹ áp thuế chống bán phá giá 0%, mở ra kỳ vọng cho ngành tôm cuối năm. Ảnh: Minh Đãm.

Theo Tổng cục Thủy sản, tin vui cho ngành tôm đến cuối năm là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Trong danh sách có rất nhiều doanh nghiệp lớn như Minh Phú, Sao Ta, CP Việt Nam, Camimex...

Các chuyên gia cho rằng mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp trên xuất đi Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới. Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe. Do đó, tôm Việt khi được ưa chuộng ở thị trường Mỹ sẽ là cơ hội tốt để xuất vào các thị trường khác. 

Top 8 thị trường nhập khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tốt, đạt mức hai con số.

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài3] Độc đáo heo thảo mộc

Một con heo bình thường, nhưng khi được nuôi với quy trình đặc biệt thì nó trở thành đặc sản, đó là cách nuôi cho heo ăn thảo dược…

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm