| Hotline: 0983.970.780

Tìm giải pháp ứng phó hạn hán

Thứ Ba 22/05/2018 , 07:40 (GMT+7)

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận bàn giải pháp chống hạn vụ hè thu 2018.

08-31-31_1
Nhiều hồ nhỏ hết nước không thể SX vụ HT (ảnh: Lê Khánh)

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đặng Kim Cương, PGĐ Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho biết: Tính đến ngày 16/5 lượng nước trong các hồ của Ninh Thuận còn 107 triệu m3/194 triệu m3, đạt 55,3% so với dung tích thiết kế, trong đó chỉ có 11 còn nước phục vụ chăn nuôi và SX vụ HT.

Trên cơ sở nguồn nước tưới từ các hồ chứa hiện có và căn cứ lưu lượng xả từ nhà máy Thủy điện Đa Nhim, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã triển khai kế hoạch SX vụ HT. Theo đó, trong trường hợp không có mưa tiểu mãn toàn tỉnh sẽ gieo trồng 21.213ha (diện tích lúa 12.539ha, hoa màu 8.674ha và diện tích nuôi trồng thủy sản 413ha).  Do một số hồ hết nước nên phải ngừng SX với diện tích dự kiến 6.438ha.

Theo ông Cương, trong trường hợp có mưa và có lũ tiểu mãn, căn cứ tình hình thực tế sẽ có sự điều chỉnh diện tích gieo trồng của từng địa phương sao cho phù hợp. Để tiết kiệm nguồn nước thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ hết sức cấp bách. Đến nay tất cả các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi vụ HT với diện tích 721,6ha. Các đối tượng cây trồng xác định chuyển đổi là bắp, đậu xanh, kiệu, mỳ, cỏ chăn nuôi, nho, táo và một số cây ăn quả khác.

Ông Đỗ Minh Lộc, Phó TGĐ Cty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho biết, mực nước trong hồ Đơn Dương còn gần 70 triệu m3, hiện đã bước vào mùa mưa và dự kiến trong tháng 6 tới lượng nước về hồ đạt trên 16m3/s nên không lo thiếu nước.

"Để đảm bảo vừa cung cấp nước cho sinh hoạt, SX vụ HT của tỉnh với diện tích 13.807ha lại vừa đảm bảo phát điện, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm Điều độ điện lực Quốc gia để sử dụng nguồn nước hiệu quả nhất theo đề xuất của tỉnh Ninh Thuận là trong tháng 5 xả nước từ 10 – 17m3/s, trong tháng 6 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nước của địa phương", ông Lộc nói.

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Quan điểm chỉ đạo SX của tỉnh là chuyển đổi cơ cấu cây trồng quyết liệt, chuyển đổi tại những vùng thường xuyên thiếu nước, không hiệu quả. Tuy nhiên khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn bởi thực tế thời gian qua mới chuyển đổi chủ yếu sang cây ngắn ngày. Do vậy thời gian tới Ninh Thuận phải chuyển đổi trên diện tích lớn, tập trung như vụ ĐX vừa qua đã chuyển được 150ha sang trồng bưởi da xanh, mãng cầu, măng tây xanh…

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Tỉnh chia sẻ: Ninh Thuận có đặc điểm là lượng mưa thấp, khoảng 800mm/năm nhưng lượng nước bốc hơi lên tới gần 2.000mm, do vậy thiếu nước và hạn hán thường xuyên xảy ra. Thực tế hạn vừa thì còn chống được còn hạn nặng xảy ra thì không thể chống, do đó cần chủ động quản lý để ứng phó.

Ông Tỉnh đánh giá cao tỉnh Ninh Thuận đã chủ động, lên kịch bản chi tiết để ứng phó với hạn hán. Về công trình, tỉnh phải tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các hồ chứa nước, đồng thời chủ động liên thông các hồ chứa và kết nối bằng hệ thống đường ống để dẫn nước về các vùng có nhu cầu, đặc biệt vùng ven biển sử dụng nước rất cao phục vụ cả công nghiệp, nông nghiệp, du lịch…

Đối với các giải pháp phi công trình, ngoài việc thường xuyên theo dõi chặt chẽ dự bão thời tiết để chủ động dự báo, cảnh báo ứng phó thì phải bố trí cơ cấu SX phù hợp với nguồn nước. Chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cây trồng. Tiếp tục sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm...

"UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở ban ngành, nhất là ngành nông nghiệp phải sớm xây sựng đề án ứng phó với hạn hán. Trong đề án này không chỉ tập trung nước tưới cho nông nghiệp mà phải xây dựng được kịch bản nguồn nước đáp ứng cho công nghiêp, du lịch... để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Nguyễn Văn Tỉnh.

 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.