| Hotline: 0983.970.780

Tìm giống 'vua rau' cho khu vực Nam Trung bộ

Thứ Ba 22/11/2022 , 08:45 (GMT+7)

NINH THUẬN Nam Trung bộ là vùng trồng măng tây lớn nhất nước. Cây măng tây cho thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm, nhưng chưa có đánh giá, tuyển chọn giống măng tây phù hợp.

Măng tây (Asparagus officinalis L.) thuộc họ Asparagaceae, là một loại rau cao cấp. Trong 100g măng tây xanh (tính phần ăn được) có hàm lượng dinh dưỡng khá cao gồm 2,2g protein, 21mg canxi, 700 I.U Vitamin A, 30mg axit ascorbic, 0,20mg thiamine, 0,16mg riboflavin và 1,0mg niacin. Măng tây hội tụ nhiều thành phần dinh dưỡng nên được giới ẩm thực gọi là “rau vua”.

Empty

Măng tây xanh rất hợp với điều kiện khí hậu tại Ninh Thuận và có hiệu quả kinh tế rất cao. Ảnh: Mai Phương.

Ngoài giá trị về dinh dưỡng, măng tây còn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình 1ha măng tây mỗi ngày có thể thu hoạch từ 70 - 150kg măng (bình quân 100kg/ngày/ha). Măng tây tươi loại 1 có giá 70.000 - 90.000đ/kg; loại 2 có giá 40.000 - 50.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí vật tư đầu tư, người trồng măng tây xanh có thể có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha/năm.

Hiện nay, cây măng tây đang được trồng phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, các tỉnh Nam Trung bộ có diện tích trồng tập trung lớn nhất, dẫn đầu là tỉnh Ninh Thuận. Tính đến cuối năm 2020, diện tích trồng măng tây của Ninh Thuận đạt khoảng 250ha, đến tháng 11/0222 diện tích đã tăng lên 426ha. Ngoài ra, một số tỉnh khác trong khu vực Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà và Bình Thuận đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng măng tây, bởi đây là đối tượng cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu trong khu vực.

Những năm đầu phát triển măng tây, dù có diện tích khá lớn, tuy nhiên, trong sản xuất vẫn còn hạn chế, nhất là về nguồn giống. Các giống măng tây được người dân mua từ các doanh nghiệp nhập khẩu và đại lý kinh doanh giống mà chưa có đánh giá, tuyển chọn, xác định giống tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương nên sau khi trồng một thời gian chất lượng măng tây bị suy giảm năng suất, chất lượng và không đồng đều.

Empty

Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã tuyển chọn được giống tốt và quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc măng tây công nghệ cao. Ảnh: Minh Hậu.

Bên cạnh đó, quy trình sản xuất cây giống và việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng măng tây của người dân chưa đồng bộ, đặc biệt là ứng dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây măng tây công nghệ cao còn hạn chế, nên năng suất và chất lượng măng tây trồng ở khu vực Nam Trung bộ chưa ổn định, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trụ sở tại Ninh Thuận) thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thâm canh cây măng tây xanh theo hướng công nghệ cao tại Ninh Thuận” và dự án “Sản xuất thử nghiệm rau măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tại khu vực Nam Trung bộ” để làm tiền đề phát triển bền vững cây măng tây trong khu vực, trong đó nghiên cứu tuyển chọn, xác định giống măng tây phù hợp cho vùng.

Theo TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, khoảng 10 năm gần đây, giống măng tây nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là nguồn giống lai F1, phổ biến gồm các giống như: UC800, Mary Washington, UC-157, Grande, Atlas, Jersey, Apollo, Sunlim… Gần đây, Việt Nam còn có một số giống có nguồn gốc từ Hà Lan như: Bejo 3025, Atticus, Amadeus… Ngoài ra, còn có một số nguồn giống khác từ nước ngoài được nhập về nước.

Thời gian qua, mặc dù cây măng tây đã được trồng nhiều nơi trong nước, khẳng định hiệu quả nhưng vẫn chưa có các nghiên cứu tuyển chọn, xác định giống phù hợp, mà chủ yếu do các tổ chức, cá nhân nhập khẩu về Việt Nam và trồng thử nghiệm. Do đó, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã nghiên cứu tuyển chọn, xác định giống măng tây có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện các địa phương vùng Nam Trung bộ.

Empty

Mô hình trồng măng tây xanh công nghệ cao tại Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Ảnh: Mai Phương.

Giai đoạn 2018 đến 2020, Viện đã nghiên cứu, sản xuất cây giống măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao cho 2 giống măng tây xanh Atlas và Atticus với trên 330.000 cây giống đã được sản xuất và chuyển giao cho các mô hình sản xuất.

Từ nguồn giống gồm 10 giống măng tây F1 nhập nội có nguồn gốc từ Mỹ và Hà Lan, Viện đã xác định được 2 giống phù hợp cho vùng là Atlas và Atticus. Đồng thời, đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống măng tây xanh bằng hạt ứng dụng công nghệ cao.

Quy trình công nghệ nhân giống măng tây xanh có hệ số nhân cao và giảm 50% giá thành so với trước đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Chất lượng cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn với chiều cao cây trên 35cm, có 2 - 3 nhánh khoẻ, bộ rễ trên 9 cọng rễ cấp 1 và không bị sâu bệnh hại.

“Bên cạnh chất lượng hạt giống và việc xử lý hạt giống trước khi gieo thì giá thể gieo trồng và các biện pháp chăm sóc cũng ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ nảy mầm của hạt giống và tỷ lệ cây măng tây đạt tiêu chuẩn xuất vườn”, ThS Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Bộ môn Giống và Công nghệ sinh học (Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố) chia sẻ.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.