Tại chương trình tọa đàm, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Là tỉnh nông nghiệp với nguồn nước dồi dào từ hai con sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Ðông và hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng cùng tài nguyên đất rộng lớn, Tây Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông công nghệ cao.
Trong thời gian qua, tại tỉnh Tây Ninh, tình hình liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đang ngày càng mở rộng. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết đạt 14,5%. Tây Ninh đã hình thành được các chuỗi liên kết trên các sản phẩm chủ lực, đặc trưng như: heo, gà, bò thịt, bò sữa, mì, mía, mãng cầu, chuối già, lúa, sầu riêng.
“Hợp tác đa chiều thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) ở tỉnh Tây Ninh gồm 9 chủ thể chính sau: Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp, nhà cung ứng đầu vào, nhà phân phối, nhà khoa học, nhà truyền thông, ngân hàng và các hiệp, hội. Một ngành hàng có càng nhiều chủ thể tham gia hợp tác, liên kết với nhau, hình thức hợp tác càng đa dạng thì càng phát triển bền vững. Việc liên kết đã giúp nông dân an tâm sản xuất nhờ ổn định đầu ra và thu nhập, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng nông sản…”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.
Tuy nhiên, nhìn chung, việc xây dựng chuỗi liên kết tại Tây Ninh còn ở quy mô nhỏ và có những khó khăn như: Nông dân chưa có thói quen và có tâm lý e ngại liên kết, hợp tác, thiếu kinh nghiệm sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn và thiếu vốn để thực hiện; Năng lực của một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn thụ động. Các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ và chưa có chế tài xử lý…
Tây Ninh tiếp tục xem phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.
Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng “Đề án Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh” giai đoạn 2025 - 2030 nhằm định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở đầu tư, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chất lượng sản phẩm cho chế biến, tiêu thụ.
Mục tiêu của tỉnh là phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích từ 15.000 - 20.000 ha, trong đó, 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi.
Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Để cụ thể hóa mục tiêu, tỉnh Tây Ninh cũng đã triển khai 7 chính sách dành hỗ trợ phát triển sản xuất. Hiện nay có 3 chính sách được người dân thụ hưởng khá nhiều và có tính lan toả ngày càng rộng, góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghệ cao, hiện đại, là chính sách hỗ trợ lãi vay thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và NNCNC; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và chính sách hỗ trợ áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Từ khi ban hành đến nay, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ 86 dự án với tổng kinh phí được duyệt gần 68 tỷ đồng.
Tại chương trình tọa đàm, các khách mời đã được trao đổi, lắng nghe những phương pháp, kinh nghiệm để triển khai mô hình nuôi trồng hiện đại một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến những vật liệu bền, an toàn với nguồn nước và hệ sinh thái để ổn định sản xuất cũng như vượt qua những quy định khắt khe về nông sản xuất khẩu của các nước tiên tiến.
Buổi tọa đàm cũng là cơ hội kết nối, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích đến các doanh nghiệp nông nghiệp, từ đó thắt chặt mối liên kết của các đơn vị từ đầu vào đến đầu ra để tạo ra nhiều nông sản giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng đột phá của nền nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao về xã hội và từng bước nâng cao cuộc sống của người dân tỉnh Tây Ninh.