Gam màu sáng ngành nông nghiệp
Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, với địa hình bằng phẳng, thời tiết khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Đặc biệt, là địa phương hiếm hoi trong khu vực Đông Nam bộ còn nhiều quỹ đất để phát triển cùng với hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh. Tất cả những điều này là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nói chung, lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Trong bối cảnh kinh tế cả nước còn gặp nhiều khó khăn, quý 1/2024, thu hút đầu tư trong nước của Tây Ninh đạt hơn 2.450 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh phấn khởi cho biết, hiện tỉnh Tây Ninh đang chú trọng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nông nghiệp sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây cũng là một trong những chương trình trọng tâm, đột phá của ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.
Minh chứng, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành nông nghiệp địa phương đang trên đà phát triển nhanh, đúng hướng và thể hiện gam màu tươi sáng. Trong đó, ngành sản xuất, chế biến khoai sắn của tỉnh đứng đầu cả nước. Các doanh nghiệp chế biến không chỉ sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ mà còn nhập khẩu để chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao.
Ngành chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ với nhiều dự án trang trại quy mô tập trung trên 10.000 con trở lên. Khoa học công nghệ trong chăn nuôi được áp dụng đồng bộ, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Nổi bật là Công ty TNHH MTV Định Khuê ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu) khởi đầu từ một lò sắn thủ công nhỏ lẻ, đến nay Công ty đã vươn vai lớn mạnh, trở thành một trong những nhà máy có quy mô lớn của tỉnh Tây Ninh. Với công nghệ tiên tiến hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, sản phẩm tinh bột sắn Định Khuê đã đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại Việt Nam và quốc tế.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành sắn đối mặt nhiều khó khăn, Định Khuê là một trong những điểm sáng góp phần giữ kim ngạch xuất khẩu ổn định, nâng cao giá trị cây sắn Việt Nam cả trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh thị trường nội địa, Định Khuê còn xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, một số nước châu Á, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mỹ, EU, Nhật Bản… với doanh thu bình quân trên 400 tỷ đồng/năm.
“Với công suất tiêu thụ 280 tấn sắn tươi/ngày để ổn định sản xuất, Công ty đã sớm bắt tay cùng với chính quyền địa phương và người nông dân xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, bên cạnh việc thu mua từ các hộ sản xuất riêng lẻ, Định Khuê còn hợp tác với chính quyền, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ địa phương và các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm cung cấp cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Điều đó đảm bảo cho Định Khuê luôn có được nguồn nguyên liệu đầu vào sạch, dồi dào, đảm bảo cho quá trình sản xuất”, bà Nguyễn Thị Khuê, Giám Công ty TNHH MTV Định Khuê cho biết thêm.
Mới đây, dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN 2.500 tỉ đồng chính thức được khởi công ở Tây Ninh. Đây kết quả của sự hợp tác giữa liên doanh Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn De Heus nói riêng và là mô hình liên doanh giữa 2 tập đoàn nông nghiệp hàng đầu của Việt Nam và Hà Lan nói chung.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết thêm, mục tiêu của dự án là sản xuất giống gia cầm và chăn nuôi gà với quy mô 20 triệu quả trứng/năm. Giai đoạn 1 và 2 của dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh có các hạng mục như xây dựng trang trại sản xuất gà giống; trang trại sản xuất lợn giống cụ kỵ, trang trại nuôi gà thịt xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đi liền với cụm trang trại chăn nuôi, Liên doanh DHN Tây Ninh đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm khép kín nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi theo mô hình công nghệ cao.
"Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, tiềm năng về phát triển nông nghiệp thì sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành địa phương chính là động lực để DHN Tây Ninh hoàn thành dự án đúng tiến độ đã cam kết. Hiện DHN Tây Ninh cũng đang đồng loạt khởi công song song 7 dự án thuộc giai đoạn 2", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nhiều định hướng chiến lược
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, đút kết thành tựu đạt được, trong năm 2024, Tây Ninh dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch địa phương văn minh, chuyên nghiệp.
Đặc biệt, tỉnh Tây Ninh vừa tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch, hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kinh tế bền vững "Tây Ninh xanh"… là 7 đột phá chiến lược để phát triển Tây Ninh. Để làm điều đó tỉnh Tây Ninh xây dựng “3 vùng phát triển, 4 trục động lực, 1 vành đai an sinh xã hội”.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống. Tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển dựa vào công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao; thương mại, du lịch phát triển và là cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Là tỉnh có hệ thống quản trị công hiệu quả, môi trường kinh doanh thân thiện, môi trường sống hấp dẫn dựa trên một hệ sinh thái bền vững và đa dạng.
Theo đó, công nghiệp và dịch vụ du lịch tiếp tục là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh tập trung phát triển 20 vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu là mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư tìm hiểu và đầu tư có hiệu quả các dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.
“Tây Ninh luôn là bạn, là đối tác, là điểm đến đầu tư hấp dẫn - thân thiện - an toàn - thịnh vượng và phát triển”. Chúng tôi luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Đó là thông điệp Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.