| Hotline: 0983.970.780

An toàn sinh học để hướng tới xuất khẩu: [Bài 3] Bước ngoặt để bứt phá

Thứ Hai 10/06/2024 , 07:15 (GMT+7)

TÂY NINH Những năm gần đây, Tây Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, giúp ngành chăn nuôi của tỉnh đứng trước bước ngoặt quan trọng để bứt phá xuất khẩu.

Chăn nuôi an toàn sinh học đang đã trở thành xu hướng tất yếu. Ảnh: Lê Bình.

Chăn nuôi an toàn sinh học đang đã trở thành xu hướng tất yếu. Ảnh: Lê Bình.

Xu thế tất yếu

Những năm gần đây, Tây Ninh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, giúp ngành chăn nuôi của tỉnh đứng trước bước ngoặt quan trọng để bứt phá. Với chiến lược phát triển chăn nuôi công nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, Tây Ninh có nhiều dư địa để hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Việc liên kết chăn nuôi an toàn sinh học tại Tây Ninh đã trở thành xu hướng tất yếu trong thời gian qua. Điều này UBND các cấp, Sở NN-PTNT tỉnh khuyến khích, người dân hưởng ứng bởi tính bền vững, hiệu quả, an toàn.

Bên cạnh chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, quy mô lớn, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là một trong những giải pháp quan trọng để phòng chống dịch bệnh một cách chủ động. Đặc biệt, để các sản phẩm chăn nuôi của Tây Ninh tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến…

Do đó, việc đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh chăn nuôi của Tây Ninh mà còn đảm bảo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện, trên địa bàn tỉnh có huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà, 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, Tây Ninh phấn đấu có thêm 3 vùng cấp huyện (Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam.

Ngày 19/5 vừa qua, Tây Ninh đã công bố vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Tân Châu. Đây là sự kiện quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung của tỉnh Tây Ninh.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND Tây Ninh cho biết, hiện giá trị của ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 19% trong GRDP, riêng ngành chăn nuôi chiếm 23% giá trị ngành nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi công nghệ cao trong vùng an toàn dịch bệnh sẽ là nền tảng để phát triển nông nghiệp.

“Vùng an toàn dịch bệnh tại Tân Châu là chuỗi bảo đảm về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, hạt nhân để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và nằm trong 3 khâu đột phá của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Chiến thông tin.

Tây Ninh thường xuyên tăng cường kiểm soát, tiêm ngừa cho đàn vật nuôi nông hộ để kiểm soát vùng an toàn dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh thường xuyên tăng cường kiểm soát, tiêm ngừa cho đàn vật nuôi nông hộ để kiểm soát vùng an toàn dịch bệnh. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh cũng phấn đấu có 5 vùng cấp huyện (thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Châu Thành) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam. 2 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

“Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động vật, chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc này thu hút các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn đầu tư.

Qua đó, tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là những nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu, góp phần tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Xuân trao đổi.

Tây Ninh đang phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh đang phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường. Ảnh: Lê Bình.

Bắt đầu có thành quả

Vùng an toàn dịch bệnh được ví như “giấy thông hành” để các sản phẩm chăn nuôi của Tây Ninh có thể đi sang các thị trường khó tính. Điều này cũng được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định tại nhiều hội nghị, chỉ đạo: “Muốn tăng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, phải xây dựng được các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh”.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, vùng an toàn dịch bệnh với ngành chăn nuôi là vô cùng quan trọng. Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH/OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm động vật thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh.

“Để có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, không cách nào khác, chúng ta buộc phải tuân thủ các quy định của WOAH/OIE. Không phải bây giờ chúng ta mới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh mà chúng ta đã thực hiện điều này nhiều năm qua. Đến nay, chúng ta đã có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu tới các thị trường như Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), thịt gà xuất đi Nhật Bản”, ông Long chia sẻ.

Tại Tây Ninh, dịch bệnh trên đàn gia cầm được kiểm soát khá tốt. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh không để xảy ra dịch cúm gia cầm. Tây Ninh cũng có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources xuất khẩu trứng gà đi Hồng Kông và Maldives; Công ty Vinamilk xuất đến 60 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Một số doanh nghiệp khác cũng đang đầu tư, định hướng rõ ràng để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Năm 2023, Cục Thú y cùng Sở NN-PTNT các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An và Tập đoàn De Heus Việt Nam ký thoả thuận phối hợp tổ chức xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà an toàn, giai đoạn 2023 - 2028.

Dự kiến, đến tháng 12/2025, toàn bộ cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn thực phẩm và được chứng nhận quản lý chất lượng dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu (viết tắt HACCP). Đây là công cụ phân tích nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm, GlobalGAP, ISO 22000, Halal.

Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND Tây Ninh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm xúc tiến thương mại và tăng cường triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tây Ninh phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phấn đấu nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hoá, tự động hoá, tin học hoá, số hoá và kinh tế tuần hoàn.

Tây Ninh cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào công tác giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu về xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư vào công tác giết mổ, sơ chế, chế biến thịt gà bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng được các yêu cầu về xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

Tỉnh Tây Ninh đang đặt mục tiêu phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững, theo hướng an toàn sinh học, giảm thiểu dịch bệnh gia súc, đồng thời phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định: “Bằng trách nhiệm của mình, chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất và trân trọng mời gọi các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước hãy đến với Tây Ninh. Chúng tôi luôn chia sẻ, đồng hành cùng các bạn. Sự thành công của các nhà đầu tư chính là sự thành công và phát triển đi lên của tỉnh”.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển đàn lợn, đàn bò thịt, bò sữa chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, trang trại công nghệ cao với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng. Tây Ninh cũng đặt mục tiêu xây dựng tối thiểu 2 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện vào năm 2025 và 3 vùng cấp huyện đến năm 2030.

Đây cũng là một trong những bước đệm mà Tây Ninh thu hút các nhà đầu tư, biến các địa phương của tỉnh trở thành “cứ điểm” để xây dựng chuỗi, cơ sở chế biến để phục vụ xuất khẩu.

Hiện, Tây Ninh có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Năm 2023, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với đàn heo 297.000 con (tăng 28,5% so cùng kỳ) và đàn gia cầm trên 9,5 triệu con (tăng 5,6% so cùng kỳ); chăn nuôi trang trại chiếm 78% (tăng 8% so cùng kỳ).

Nổi bật là thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi, trong đó, có các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus, Công ty BAF, Công ty Vinamilk với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ mới có 9 trang trại đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.093 trang trại chăn nuôi và 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 145.000 con trâu, bò; 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu gia cầm.

Xuống đồng chăm sóc lúa hè thu giữa nắng nóng gay gắt

HÀ TĨNH Những ngày này tại Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, tuy nhiên nông dân vẫn tích cực xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa hè thu...

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm