Nhờ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Tây Ninh đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong ngành chăn nuôi, thực hiện chiến lược dài hạn trong phát triển kinh tế.
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh, tập đoàn De Heus, Hùng Nhơn đã tổ chức Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và công bố 7 dự án chăn nuôi trọng điểm nhằm thực hiện kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal và quốc tế.
Bảy dự án trọng điểm tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh gồm: Hệ thống trang trại con giống, trang trại gà thịt xuất khẩu và nhà máy chế biến thực phẩm. Đây là những dự án quan trọng của chuỗi liên kết De Heus - Hùng Nhơn với tổng mức đầu tư 2.500 tỉ đồng.
Đây được coi là mô hình mẫu trong lĩnh vực chăn nuôi. Thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu, định hình lại ngành chăn nuôi của tỉnh Tây Ninh theo xu hướng phát triển của nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị.
Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND UBND tỉnh Tây Ninh:Đây là chuỗi đảm bảo về chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh, là hạt nhân để phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nó nằm trong ba khâu đột phá của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp hiện tại. Giá trị của ngành nông nghiệp của mình nó chiếm khoảng là 19% trong GDP, riêng ngành chăn nuôi mới chiếm có 23% trong cái giá trị của ngành nông nghiệp. Do vậy chúng ta phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong cái vùng phòng dịch bệnh này sẽ là cái nền tảng để mà chúng ta phát triển giá trị của nền nông nghiệp.
Nhờ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Tây Ninh đang thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh. Điều này không chỉ là bước đệm giúp tỉnh thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi mà còn nhiều lợi ích khác.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y:Khi xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nó có mấy cái việc. Một là tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển một cách bền vững. Thứ hai là giảm tổn thất về mặt kinh tế của người chăn nuôi cũng như chính quyền các cấp. Bởi vì đấy là phương pháp phòng bệnh một cách chủ động, hiệu quả nhất mà chi phí rẻ nhất. Cái thứ ba là giảm thiểu những cái chi phí trong chăn nuôi cũng như là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cái nữa đấy là sẽ giúp cho cái việc là cung ứng các cái sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, an toàn dịch bệnh, an toàn chất lượng phục vụ cho tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh cái việc xuất khẩu.
Tây Ninh được ví như mảnh đất màu mỡ cho nhiều tập đoàn lớn về chăn nuôi, trong đó có tập đoàn De Heus của Hà Lan. An toàn dịch bệnh không chỉ giúp De Heus an tâm đầu tư các chuỗi liên kết phục vụ xuất khẩu mà còn giúp Tây Ninh tạo ra được đa dạng hoá thị trường tiêu thụ trong nước vốn còn nhiều tiềm năng.
Ông Gabor Fluit - Tổng giám đốc De Heus toàn cầu: Không phải chỉ vùng an toàn dịch bệnh này phục vụ cho việc xuất khẩu nhưng mà cũng phục vụ cho rất nhiều đối tượng trong nước. Trong nước có rất nhiều tổ chức nhà hàng cấp cao, mình cung cấp chuyên cho công ty du lịch, hãng hàng không hoặc là cung cấp hàng cho những cái nhà hàng thức ăn nhanh. Những công ty đó họ cũng có những cái nhu cầu, những ràng buộc liên quan đến truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh. Thì những trang trại đó khi mà họ hoạt động được trong cái vùng an toàn dịch bệnh thì họ cũng được hưởng theo.
Với sự chung tay của những tập đoàn lớn về chăn nuôi như De Heus, ngành chăn nuôi Việt Nam thời gian tới có thể xuất khẩu thịt sang nước khác một cách an toàn, tránh được các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm.