| Hotline: 0983.970.780

Tìm kiếm đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất khó

Thứ Năm 24/08/2023 , 13:39 (GMT+7)

ĐBSCL Thực trạng này đang hiện hữu tại nhiều địa phương ĐBSCL, cộng với chất lượng đào tạo hạn chế, chưa tạo động lực khuyến khích lao động nông thôn tham gia đào tạo nghề.

Vùng ĐBSCL có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, tạo sinh kế cho 33% lao động của vùng. Thời gian qua, trình độ lao động trong vùng đã được cải thiện, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 12% (năm 2016) lên 15% (năm 2021).

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV Farmx.vn, sản xuất máy tự động cho tôm ăn tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Người lao động làm việc tại Công ty TNHH MTV Farmx.vn, sản xuất máy tự động cho tôm ăn tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên thực tế, lực lượng lao động ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều vấn đề như: Chuyển dịch lao động tự nhiên làm mất cân đối nguồn lực sản xuất, trình độ lao động thấp và có xu hướng già hóa, thiếu việc làm dẫn đến năng suất, thu nhập lao động chưa cao. Trình độ lao động thấp cộng với hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp kém phát triển cả về số và chất lượng. Đặc biệt là thiếu sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động dẫn tới hiệu quả đào tạo chưa cao.

Trong khi đó, theo định hướng phát triển mới của vùng ĐBSCL, yêu cầu phát triển theo định hướng kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng. Nhất là nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp chế biến nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh. Do đó, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành nghề phù hợp cho lao động nông nghiệp, nông thôn.

Mới đây, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội thảo tham vấn thực trạng và định hướng đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Tại hội thảo, đại diện một số địa phương vùng ĐBSCL bày tỏ trăn trở về việc cấp chứng chỉ đào tạo nghề, danh mục đào tạo nghề, trang thiết bị giảng dạy, trình độ của đội ngũ giáo viên chưa phù hợp cũng như những chính sách khuyến khích, hỗ trợ lao động nông thôn tham gia học nghề, nâng cao kiến thức phục vụ sản xuất. Như thực trạng của một số Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề cấp huyện của tỉnh Trà Vinh, giáo viên chuyên đào tạo cho nông dân rất hạn chế, đa phần là giáo viên giảng dạy về lý thuyết.

Ông Lưu Phan Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu băn khoăn, trước đây cán bộ giảng dạy tại một số Trung tâm dạy nghề đa phần tập trung vào kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp, “bỏ quên” các ngành sửa chữa máy móc, chế biến. Do đó ông Thịnh cho rằng, cần bổ sung thêm lĩnh vực này trong Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030.

Đại diện một số địa phương đề xuất có chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thu hút người trẻ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Đại diện một số địa phương đề xuất có chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thu hút người trẻ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, để thu hút lao động nông thôn tham đào tạo nghề, bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần có chính sách ưu tiên để khuyến khích việc chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Nhất là lao động chuyển dịch trực tiếp từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề khác. Bà Hưng đánh giá, mức hỗ trợ đào tạo nghề rất thấp, chủ yếu phụ cấp tiền ăn, đi lại chưa tạo động lực thu hút lao động nông thôn tham gia.

Bên cạnh đó, tại tỉnh Đồng Tháp cũng đang phát sinh vấn đề độ tuổi lao động nông thôn tham gia học nghề già hóa. Phần lớn đối tượng có nhu cầu học nghề là các cô chú vượt độ tuổi đào tạo, nên không được cấp chứng chỉ nghề, chủ yếu tham gia để cập nhật kiến thức.

Thông qua Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030, bà Hưng mong muốn có sự điều chỉnh để tạo chính sách thu hút lao động trẻ. Ngoài ra, Đề án cần kêu gọi sự tham gia của các đơn vị sử dụng lao động như: Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phối hợp với các cơ sở đào tạo để đặt hàng lao động theo ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Phong, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay việc tìm kiếm đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn rất khó. Một số lao động đã qua đào tạo lại không có nguồn vốn để phát triển các mô hình, ngành nghề được học. Thậm chí, tại Vĩnh Long có tình trạng lao động đào tạo xong không dám vay vốn ngân hàng để làm kinh tế, vì không nắm rõ kiến thức. Ông Phong cho rằng, chất lượng đào tạo chưa thật sự mang lại hiệu quả, khiến người học chưa mạnh dạn tham gia.

Ông Phong đưa ra đề xuất có chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thu hút người trẻ phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp như thế mới đáp ứng được yêu cầu về chất lượng.

Qua những ý kiến đóng góp cụ thể, sát đáng của các địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhìn nhận, việc tiếp cận đối tượng lao động là một bài toán khó. Do đó trong Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhìn nhận, việc tiếp cận đối tượng lao động là một bài toán khó. Ảnh: Kim Anh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhìn nhận, việc tiếp cận đối tượng lao động là một bài toán khó. Ảnh: Kim Anh.

ĐBSCL đến năm 2030, khi xây dựng các chuyên đề đào tạo phải phù hợp thực tế, để hướng người nông dân trở nên chuyên nghiệp.

Bởi bà con nông dân đã rất chuyên nghiệp trong sản xuất, điều bà con cần được đào tạo là tổ chức sản xuất như thế nào, cách nhìn nhận thị trường và quản lý ra sao… Thời gian qua, hình thức đào tạo nghề trình độ sơ cấp hay dưới 3 tháng chủ yếu thiên về kỹ thuật, nông dân đã làm rất tốt. Vì thế trong Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn hướng đến đa hình thức đào tạo, không nói nhiều về lý thuyết, đưa nông dân tiếp cận nông nghiệp số.

Dự thảo Đề án đào tạo, chuyển đổi nghề lao động nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2030 đưa ra 4 nhiệm vụ chính. Trọng tâm là:

Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tri thức hóa cho 440.000 lao động trong vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây phục vụ tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Đào tạo nghề cho 1 triệu lao động có xu hướng chuyển dịch từ trực tiếp sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) sang các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, ngành chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề, dịch vụ khác và ngược lại.

Đào tạo nâng cao tay nghề cho 60.000 lao động làm việc tại các nhà máy nông, lâm, thủy sản.

Đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực cho 3.500 cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã trong vùng ĐBSCL.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.