| Hotline: 0983.970.780

Tìm quy chế nông dân lợi nhất

Thứ Tư 15/05/2013 , 10:11 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo kết quả mua tạm trữ vụ đông xuân 2012-2013 theo Quyết định 311 cho mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 14/5, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo kết quả mua tạm trữ vụ đông xuân 2012-2013 theo Quyết định 311 cho mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo của Thủ tướng Chính phủ. Ai được hưởng lợi nhiều nhất, chính sách tạm trữ liệu đã tối ưu chưa vẫn còn là bài toán vô cùng nan giải.


Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp báo

Mức chênh lệch cao dân vẫn hưởng thấp

Theo báo cáo do ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối đọc tại buổi họp báo: Trong quý I/2013, thị trường gạo thế giới nói chung và châu Á nói riêng khá trầm lắng.

Mặc dù có thời điểm như đầu tháng 2 giá có tăng nhẹ do các hợp đồng mới được ký nhưng nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thấp và áp lực xả kho gạo đang ở mức cao kỷ lục tại các nước như Ấn Độ và Thái Lan nên giá chào gạo xuất khẩu liên tục giảm. So với thời điểm đầu năm, cuối tháng 3 giá chào gạo xuất khẩu tại thị trường châu Á giảm mạnh từ 20-25 USD/tấn.

Về sản xuất trong nước, diện tích gieo sạ vụ đông xuân năm 2012-2013 ở ĐBSCL là 1.545.000 ha. Sản lượng lúa thu hoạch khoảng 10,4 triệu tấn, sản lượng vụ mùa và thu đông năm 2012 thu hoạch trong tháng 1/2013 khoảng 400.000 tấn quy gạo, lượng gạo tồn kho luân chuyển cuối năm 2012 là 932.571 tấn, tổng lượng quy gạo 6,5 triệu tấn.

Cân đối tiêu thụ, lượng gạo tiêu thụ nội địa gối đầu sang vụ hè thu là 2 triệu tấn, xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 4 khoảng 2,5 triệu tấn, lượng gạo tồn dư 2 triệu tấn. Trước diễn biến trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định cho mua tạm trữ 1.000.000 tấn quy gạo vụ đông xuân năm 2012-2013 ở ĐBSCL, thời hạn mua dự trữ từ ngày 20/2 đến 31/3/2013.

Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các địa phương được giao nhiệm vụ rốt ráo thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đã hoàn thành 100% kế hoạch. 116/120 thương nhân được phân chỉ tiêu tham gia mua tạm trữ.

Trong quá trình tạm trữ, giá mua lúa khô loại thường (IR50404) tại kho dao động từ 5.200 đồng đến 5.400 đồng/kg, quy ra giá mua lúa khô tại ruộng từ 5.100-5.300 đ/kg. Cao hơn thời điểm trước tạm trữ từ 100-200 đ/kg.

Những con số tưởng chừng vượt chỉ tiêu, bởi theo đánh giá của Bộ Tài chính giá thành sản xuất lúa bình quân toàn vùng ĐBSCL vụ đông xuân 2012-2013 là 3.616đ/kg, quy ra giá thóc định hướng để nông dân lãi tối thiểu 30% là 4.700 đ/kg. Với việc thực hiện chính sách tạm trữ thì chênh lệch giữa giá thu mua và giá đánh giá là 38-46%.

Mặc dù vậy, phần chênh lệch này không phải hoàn toàn người sản xuất lúa được hưởng và ở các địa phương mức chênh lệch này cũng không như nhau vì tỷ lệ lúa gạo mà doanh nghiệp thu mua trực tiếp của nông dân còn thấp cũng như đặc thù của mỗi địa phương là không giống nhau.

Tại Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng giá mua lúa trong thời gian tạm trữ tăng so với thời điểm trước tạm trữ từ 100-200 đ/kg. Tại Kiên Giang, giá mua lúa loại thường mà các doanh nghiệp mua cao hơn từ 700-1.400 đồng/kg so với giá mua tối thiểu UBND tỉnh quy định (không dưới 4.500 đồng/kg). Còn tại Hậu Giang, giá mua lúa thấp hơn so với các địa phương khác nhưng người sản xuất vẫn được lãi 30%...

Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay mua tạm trữ 7.612 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch. Dư nợ các khoản vay đến thời điểm 31/3/2013 là 7.571 tỷ đồng. Mức lãi suất cho vay bình quân của hầu hết các ngân hàng đều áp dụng thấp hơn 11%/năm.

Sẽ có quy chế về tạm trữ

Việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên một số địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng tạm trữ chỉ bằng khoảng 15% tổng sản lượng cần tiêu thụ. Tính ra, 1 triệu tấn, giá chỉ tăng 100-200 đ/kg thì tổng tiền khoảng 200 tỷ đồng, bằng với lãi suất ngân hàng mà nhà nước phải hỗ trợ.


Ảnh minh họa

Về vấn đề này, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại, nông lâm thủy sản và nghề muối giải thích: Ở ĐBSCL có tới 79,1% nông dân bán lúa tươi tại ruộng. Chính sách tạm trữ chủ yếu là để kích cầu thị trường, còn hướng về nông dân cũng chỉ có mức độ gián tiếp.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay là nhu cầu mua gạo của đối tác sụt giảm, nhiều hợp đồng đã ký nhưng bị hủy do giá thị trường giảm mạnh, chủ yếu là ở thị trường Trung Quốc và châu Phi khi 4 tháng đầu năm đã bị hủy hợp đồng là 280.000 tấn gạo. Với giá hiện nay, doanh nghiệp tạm trữ gạo bị lỗ 20-25 USD/tấn.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trấn an: Đăng ký hợp đồng, hủy hợp đồng là chuyện bình thường. Hiện Việt Nam yếu cả thế và lực nên Chính phủ không thể bỏ tiền ra để thu mua lúa gạo khi giá lúa xuống thấp như ở Thái Lan, Ấn Độ. Trong khi đó, ở Thái Lan để thu mua được lúa gạo cũng có tới 90% là qua hàng xáo. Tương tự, ở nước ta nếu không có hàng xáo thì không thể có cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp được.

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi được đặt ra là với chính sách tạm trữ hiện nay, dù có sự hỗ trợ của nhà nước nhưng cả doanh nghiệp và người dân đều không được hưởng lợi thì liệu chính sách có phù hợp? Có nhất thiết phải tạm trữ hay không? Nếu tạm trữ, cần có những cách làm nào khác, học hỏi từ các nước trên thế giới hay không?

Ông Đoàn Xuân Hòa trả lời: Vấn đề này phải phụ thuộc vào "sức khỏe" của nền kinh tế nước ta.

Điều này không chỉ riêng lúa gạo mà "tất cả các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, hầu như không có sản phẩm nào người nông dân mang hết đi bán tới chợ mà không qua khâu thương lái. Trong khi đó, muốn tổ chức lại đội ngũ thương lái lại vướng phải những quy định về hóa đơn, chứng từ, tiền mặt”. Sắp tới VFA sẽ đề xuất đưa chỉ tiêu tạm trữ về cho các tỉnh.

Kết luận tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định chủ trương về điều hành thu mua tạm trữ vụ đông xuân vừa qua là biện pháp rất kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, đảm bảo cho người nông dân có lãi. Tuy nhiên do điều kiện sản xuất và điều kiện khác nên kỳ vọng người nông dân sẽ có lãi 30% vẫn còn nhiều nơi không đạt được.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT cùng với các Bộ, ngành bàn bạc và tham mưu với Chính phủ để có thể đưa ra quy chế thu mua tạm trữ và thu mua lúa gạo. Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện Dự thảo Quy chế tạm trữ lúa gạo, theo đó, sẽ hướng tới 3 mục tiêu chính là nông dân có lợi nhất; điều tiết thị trường và tạo điều kiện xuất khẩu và tiêu thụ gạo tốt nhất.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.