Jeremy Herren, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế về Sinh thái và Sinh lý học Côn trùng (ICIPE) khẳng định rằng, đây là bước đột phá quan trọng hàng đầu trong việc hướng đến cơ hội "kiểm soát bệnh sốt rét theo phương pháp mới".
Do muỗi mang mầm bệnh làm lây truyền bệnh sốt rét sang người nên bất cứ một sự kiểm soát nào liên quan đến mật số loài côn trùng này cũng có thể giúp cứu sống thêm được nhiều người bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong năm 2018 bệnh sốt rét đã giết chết khoảng 405.000 người trên toàn thế giới, trong đó hơn 90% nạn nhân là ở các nước châu Phi. Bệnh sốt rét vẫn là một gánh nặng và trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nhiều quốc gia khu vực thuộc hạ Sahara của châu Phi.
Nghiên cứu khoa học mới này cũng đã được nhóm các nhà khoa học đến từ Anh và Kenya công bố thành tựu của họ trên tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế Nature.
Theo đó, loại vi khuẩn này thuộc nhóm họ hàng xa của nấm mốc hay còn gọi là microsporidian sống ký sinh nhờ vào một sinh vật khác.
"Nhiều loài trong số này thì gây bệnh cho côn trùng, nhưng có một đặc điểm riêng biệt của vi khuẩn này là nó không gây hại quá mức đối với vật chủ muỗi mà nó ‘cộng sinh’. Và khi loại ký sinh trùng này câu kết với vật chủ thì chúng có xu hướng cải thiện khả năng sống sót bằng cách giúp vật chủ của chúng sống sót", nhà khoa học Herren giải thích.
Theo các nhà nghiên cứu, loại vi khuẩn đặc biệt này "được truyền qua các thế hệ muỗi, đây là khả năng lý giải tại sao nó lại chọn cách "giúp đỡ" thay vì "gây hại" cho vật chủ muỗi của nó.
Phát hiện này quan trọng như thế nào? Theo ông Herren, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn có thể khiến cho muỗi "kháng sốt rét" và nó rất hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây truyền của mầm bệnh. Bước thứ hai là làm tăng mật độ vi khuẩn ở trong muỗi, đây là một khó khăn nhưng thật đáng mừng là chúng tôi đã đánh giá được mức độ lây nhiễm của vi khuẩn này như thế nào, đặc biệt là khả năng lây truyền từ muỗi mẹ sang muỗi con vô cùng mạnh mẽ.
Ông Herren cho biết, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu những cách khác mà vi khuẩn này có thể lây lan qua quần thể muỗi, chẳng hạn như giải phóng bào tử.
Vậy đến bao giờ thì có thể được ứng dụng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt rét? Tiến sĩ Morgan Gaïa, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu CEA – Genoscope (Pháp) nói: "Việc sử dụng một sinh vật sống để phòng ngừa hoặc điều trị không phải là mới, nhưng nó đặt ra nhiều câu hỏi cần phải được trả lời trước là: "Liệu có một vật chủ tiềm năng nào khác làm cho ký sinh trùng có thể lây lan bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát hay không? Hay cơ chế kiểm soát sốt rét thông qua lây nhiễm ký sinh trùng này là gì và liệu có thể an toàn hơn khi bắt chước nó thay vì sử dụng toàn bộ ký sinh trùng?
Ngoài ra liệu có phải tất cả các loại muỗi mang mầm bệnh sốt rét đều nhạy cảm với ký sinh trùng này và liệu nhiễm trùng có duy trì theo thời gian?...
Theo ông Morgan, dù sao đây cũng là một khởi đầu đầy hứa hẹn và cần có thêm thời gian khi nhóm các nhà khoa học vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu dịch tễ học của vi khuẩn trong quần thể muỗi nuôi nhốt.
Giai đoạn nghiên cứu tiếp theo sẽ kéo dài đến cuối năm 2021 nhưng ông Herren cho biết thành công bước đầu sẽ cho phép chúng tôi hiểu hơn các con đường và tỷ lệ lây lan để có thể đề ra một chiến lược triển khai.