Ngày 15/9 vừa qua, tại TP Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), ngành nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực ưu tiên trong điều hành nguồn vốn tín dụng. Căn cứ diễn biến, tình hình thực tế thị trường, ngay từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo, thủy sản. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong hai lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng. Nhất là triển khai gói tín dụng quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, với lãi suất cho vay tối thiểu chỉ từ 1 – 2%/năm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023). Khách hàng được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ toàn vùng ĐBSCL đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 5,35% so với cuối năm 2022. Trong đó, tín dụng phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn được các tổ chức tín dụng quan tâm, với dư nợ đạt gần 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của vùng và mức tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn toàn quốc.
Đặc biệt, tín dụng đối ngành lúa gạo, thủy sản có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, dư nợ lĩnh vực thủy sản đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2022 và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc (chủ yếu đối với mặt hàng cá tra và tôm). Dư nợ lĩnh vực lúa gạo cũng đạt gần 103 nghìn tỷ đồng, tăng 9%, chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo cả nước. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng cho 2 lĩnh vực trên tiếp tục tăng nhanh do yếu tố mùa vụ và nhu cầu xuất khẩu được cải thiện.
Tại ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank), đơn vị giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “tam nông”. Dư nợ cho vay lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL chiếm tỷ trọng cao. Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, dư nợ lĩnh vực lúa gạo của Agribank đạt 58 nghìn tỷ đồng, tăng 2 nghìn tỷ đồng so với năm 2022, dư nợ lĩnh vực thủy sản là 67 nghìn tỷ đồng cũng tăng 3 nghìn tỷ so với đầu năm 2023.
Đặc biệt, tháng 5/2023, Agribank đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ NN-PTNT đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ chủ trì. Nhất là Chương trình phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL.
Giải pháp tín dụng lĩnh vực lúa gạo, thủy sản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng rất đa dạng. Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV cho biết, 15 năm qua dư nợ lĩnh vực lúa gạo, thủy sản ở ĐBSCL tăng trung bình 22%/năm và đạt trên 56,6 nghìn tỷ đồng tính đến cuối tháng 8/2023.
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng này cũng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh gạo. Đồng thời, tích cực triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay thủy sản tại ngân hàng BIDV đến cuối tháng 8/2023 đạt 960 tỷ đồng, trong đó tại ĐBSCL đạt trên 34,6 nghìn tỷ đồng.