Kết hợp tư duy nhà nước và thị trường xây dựng đề án 'Tam ngư'. ‘Cùng em tới lớp’ đến với học sinh nghèo vùng ĐBSCL. Tập đoàn Quế Lâm nhân rộng mô hình nông sản hữu cơ. Lần đầu ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa ở Quảng Trị.
Kết hợp tư duy nhà nước và thị trường xây dựng đề án 'Tam ngư'
Đoàn Quang Dũng sx
Sáng 31/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Hội nghề cá Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam: Trong giai đoạn hiện nay, Hội luôn coi công tác chống khai thác IUU là vấn đề bức thiết. Vì vậy, kiến nghị Bộ NN-PTNT chú trọng đầu tư cho hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản ở các vùng biển và dự báo kịp thời, chính xác các ngư trường đánh bắt. Đồng thời cần quan tâm đúng mức đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thủy sản là ngành chiến lược của nền nông nghiệp với nhiều đề án xoay quanh ba 3 trụ cột: Nuôi trồng - Khai thác - Bảo tồn. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay phải thẳng thắn nhìn nhận tư duy hội, đoàn, cộng đồng còn yếu. Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Nhà nước với hội, đoàn cũng còn hạn chế.
Theo Bộ trưởng giao Cục Thủy sản phối hợp với Hội nghề cá Việt Nam xây dựng đề án Tam ngư: ngư dân - ngư nghiệp - ngư trường. Bộ trưởng kỳ vọng đề án sẽ kết hợp được tư duy nhà nước và tư duy thị trường. Từ đó xây dựng ngành thuỷ sản thực sự bền vững trong tương lai không xa.
‘Cùng em tới lớp’ đến với học sinh nghèo vùng ĐBSCL
Hoàng Vũ – Văn Vũ (sản xuất)
Theo thông lệ hàng năm, trước đầu năm học mới, Chương trình “Cùng em tới lớp”, được Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đến tận các vùng nông thôn trao những món quà khích lệ tinh thần các em học sinh bước vào năm học mới.
Lần này, các phần quà được trao cho 3 điểm trường tiểu học trong huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng với 6.000 quyển tập và nhiều phần quà khác nhân dịp đầu năm học 2023 – 2024.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, năm 2023 chương trình “Cùng em tới lớp” đã thực hiện trao tổng cộng 16.000 cuốn tập, 20 xe đạp và một số nhu yếu phẩm khác cho học sinh đặc biệt khó khăn ở vùng nông thôn. Tổng trị giá của chương trình lần này gần 200 triệu đồng do Công ty CP Phân bón Bình Điền tài trợ.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL chia sẻ: Báo Nông nghiệp Việt Nam mong rằng ngày càng có thêm nhiều nhà Mạnh Thường Quân cùng đan tay chia sẻ với phụ huynh học sinh chăm lo giáo dục cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Tập đoàn Quế Lâm nhân rộng mô hình nông sản hữu cơ
Thanh Nga sx
Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá kết quả hợp tác sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ 7 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch những tháng cuối năm.
Tính đến cuối tháng 7/2023, các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã hợp tác với Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm phát triển được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, với quy mô 500 ha lúa, 600 gốc cam, 200 gốc ổi, 0,4 ha chè móc câu và liên kết 11 mô hình chăn nuôi lợn. Doanh nghiệp này đã xây dựng 3 cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ thịt lợn cùng nhiều mặt hàng nông sản hữu cơ khác.
Từ nay đến cuối năm, các địa phương phấn đấu phối hợp với Tập đoàn mở rộng thêm từ 2 đến 5 mô hình chăn nuôi lợn nái hữu cơ, an toàn sinh học, mỗi năm cung cấp 1.500 con lợn thịt; phát triển thêm 3 cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ để cung cấp tới người tiêu dùng.
Lần đầu ứng dụng máy sạ cụm trong sản xuất lúa ở Quảng Trị
Vụ hè thu 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng triển khai mô hình máy sạ cụm tại HTX Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Mô hình có sự tham gia của 9 hộ dân với tổng diện tích trên 2 ha.
Đại diện HTX Thủy Ba Tây cho biết, máy sạ cụm đi bộ HTX sử dụng thực hiện mô hình có năng suất làm việc cao; quy trình hoạt động, cách thức vận hành đơn giản, phù hợp với khả năng tiếp cận của nông dân. Thực tế cho thấy, máy sạ lúa theo cụm giúp nông dân giảm được 60 - 70% lượng giống, giảm phân, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất và chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận cho nông dân... Nhờ năng suất nhỉnh hơn, đầu tư thấp hơn nên lãi ròng khi sản xuất lúa sử dụng máy sạ cụm trong vụ hè thu 2023 đạt trên 29 triệu đồng/ha.