| Hotline: 0983.970.780

Tin giả câu like và hệ lụy

Thứ Năm 21/06/2018 , 09:01 (GMT+7)

Tin giả (fake news) gây nhiều hệ lụy trong xã hội. Xuất hiện trên mạng xã hội, nếu người đọc không tỉnh táo sẽ bị cuốn vào trò chơi fake news.

“Tiền” fake news ở Việt Nam

Sở dĩ có thể nói như vậy vì fake news thực ra đã xuất hiện và rất thịnh hành ở Việt Nam hàng ngàn năm nay với tên gọi “tin đồn”.

Tin đồn là một dạng thông tin chứa nhiều yếu tố không chính xác do quá trình truyền thông chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố: Trí nhớ, tâm lý, trình độ, nhận thức, hoàn cảnh… của người phát và người nhận.

Một điều đặc biệt là, tin đồn thường xuất hiện với những thông tin được nhiều người quan tâm. Và ở mỗi lần truyền tin, tin đồn lại được thêm/bớt đi những tình tiết theo hoàn cảnh và đối tượng. Do vậy, nguy cơ sai lệch thông tin trong tin đồn là vô cùng lớn. Chính vì nguy cơ sai lệch lớn như vậy nên hậu quả do tin đồn gây ra nhiều trường hợp không lường trước được.

Mặc dù yếu tố nhiễu xuất hiện trong tin đồn dày đặc như thế, nhưng do tính chất hấp dẫn tự thân của nó, tin đồn lại rất thường xuyên là nguồn cho báo chí đưa tin. Khi tin đồn phối hợp với sức mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng thì chúng trở thành một “quả bom nguyên tử” có sức “công phá” hết sức ghê gớm.

Vì tin đồn thường là những vấn đề được nhiều người quan tâm, nên ngay sau khi xuất hiện, nó thường lan truyền rất nhanh và có tác động không nhỏ đến đời sống xã hội. Khi có tin đồn về tăng giá hay thiếu hụt một hàng hóa nào đó, đồng thời với việc người dân đổ xô đi mua mặt hàng đó thì tin đồn dường như trở thành sự thật, và ngày càng có nhiều người tham gia củng cố và lan truyền tin đồn ấy. Nếu tất cả mọi người đều đổ xô đi mua và tích trữ hàng hóa đó thì tất yếu dẫn đến sự thiếu hụt, cửa hàng hết hàng hóa và người dân lại càng có động cơ đi mua và tích trữ hơn. Như vậy, trên thực tế sẽ xuất hiện tình trạng thiếu hụt một cách giả tạo, tin đồn ban đầu dần trở thành hiện thực.

Có thể liệt kê ra ngay những sự kiện tiêu biểu ảnh hưởng từ cơ chế tin đồn dưới sự tác động của báo chí như sự kiện “ăn bưởi gây ung thư”, sự kiện “người dân đổ xô đi mua xăng”, sự kiện “tăng giá gạo”, sự kiện “ăn thịt lợn gây tử vong”, sự kiện “ngân hàng ACB giải thể”… hoặc một loạt sự kiện liên quan đến vấn đề tâm linh như “khu vườn lạ”, ngôi đền thiêng”…
 

Câu like bằng… tin giả

Có một đặc trưng là tin đồn chỉ nguy hiểm khi nó bị biến thành dư luận xã hội. Bởi bản chất của tin đồn vốn không phải là cơ sở để công chúng tin hoặc bị ảnh hưởng. Tin đồn trở thành dư luận xã hội khi có sự giúp sức của truyền thông (đặc biệt là truyền thông đại chúng).

Như vậy thì vấn đề đặt ra ở đây chính là mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và tin đồn. Khi truyền thông trở thành “vật dẫn” trên con đường tin đồn biến thành dư luận xã hội thì trách nhiệm của người làm truyền thông trước những hậu quả do nó gây ra là một vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Trong năm 2017, tin giả đua nhau xuất hiện trên mạng xã hội như tin "vỡ đập hồ Núi Cốc", "máy bay rơi tại Đông Anh", tin bắt cóc trẻ em được nữ công nhân Hoàng Thị L. tại Vĩnh Phúc tung trên mạng xã hội và ngay sau đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

10-27-51_img_7018
Tin giả về vỡ đập hồ Núi Cốc
10-27-51_img_7017
Tin giả về máy bay rơi ở Nội Bài

Theo thống kê và phân tích, các trường hợp tung tin giả vì muốn tăng số lượng người theo dõi các trang bán hàng online của mình, để thu hút thêm khách hàng... Nhưng cũng có những trường hợp tung tin giả chỉ vì muốn... câu like!

Tin giả không chỉ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều hơn trên mạng xã hội, mà còn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống. Một trong những sự cố lớn trong làng báo liên quan đến tin giả là vụ "nước mắm nhiễm arsen".
 

Điêu đứng vì tin giả

Đặc biệt, theo ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) - cho biết nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Việt Nam cũng bị mạo danh đặt tên là các trang tin tổng hợp hay các tài khoản, fanpage trên mạng xã hội.

Những vụ việc tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các cá nhân không phải là hiếm như vụ đăng tin "hai nữ sinh hiếp dâm một nam thanh niên dẫn đến tử vong" được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội hồi đầu tháng 7/2017. Thông tin thất thiệt này đã làm xáo trộn đến cuộc sống, khiến hai nữ sinh bị vu khống suy sụp tinh thần nghiêm trọng.

Không chỉ các cá nhân, nhiều tổ chức là các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn cũng điêu đứng vì tin tức giả trên Facebook và YouTube.

Tin tức giả thường được phát tán rất nhanh, nhanh hơn gấp nhiều lần so với khả năng ngăn chặn và xử lý chúng. Với sự phát triển của công nghệ, người ta có thể dễ dàng tạo lập một website, một trang blog hay tài khoản hoặc fanpage trên các mạng xã hội với chi phí gần như bằng 0.
 

Hệ luỵ từ “không gian công” internet

Tại sao những năm gần đây, fake news, tin đồn lại trở nên ngày càng nguy hiểm dưới sự “tiếp sức” của báo chí? Thạc sỹ Phan Văn Kiền (Khoa Báo chí – Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội) cho rằng có thể lý giải với các lý do sau đây:

Thứ nhất, trong những năm gần đây, thị trường báo chí Việt Nam phát triển khá mạnh mẽ chưa từng thấy, đặc biệt là các trang báo điện tử ra đời “như nấm sau mưa”. Sự phát triển về số lượng khiến cho chất lượng thông tin đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chưa bao giờ những thuật ngữ như “giật gân”, “câu khách”, “thông tin rẻ tiền”, “báo lá cải”… được đề cập nhiều như hiện nay khi nói về thực trạng báo chí Việt Nam. Những nguy hiểm về độ chính xác thông tin và việc quản lý chưa chặt chẽ các trang báo này đã khiến cho báo điện tử trở thành môi trường thuận lợi cho cơ chế tin đồn tác động. Khi hiện tượng “chạy đua thông tin” đang dần trở thành một xu thế của báo điện tử ở Việt Nam thì vấn đề thẩm định thông tin trở thành một vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Thứ hai, không gian thông tin trên internet đã mở rộng biên độ tới mức tối đa khi xuất hiện mạng xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, ngoài những mặt tích cực không thể phủ nhận như nhiều người được nói tiếng nói của mình, tính dân chủ của không gian công được khẳng định… thì những hệ luỵ nó mang lại cũng không hề nhỏ. Hầu hết các tin đồn, fake news được tung ra và được các báo điện tử “tiếp sức” những năm gần đây có xuất phát từ mạng xã hội.

Theo Thạc sỹ Phan Văn Kiền , sở dĩ không gian internet ở Việt Nam trở thành một môi trường lý tưởng cho sự xuất hiện của fake news và tin đồn là bởi hai trưng về mặt không gian công của nó. Các đặc trưng này gồm: Thứ nhất, đó là một không gian ảo. Các cá nhân tham gia vào diễn đàn của mạng xã hội đều dưới nhận dạng là một nick name. Vì tính ảo của không gian này khiến cho tính tự chịu trách nhiệm về ý kiến cá nhân khó được đảm bảo. Thứ hai, dù tham gia vào một không gian công, nhưng các thành viên tham gia vào quá trình thảo luận là những cá nhân riêng biệt (với từng máy tính kết nối internet của riêng mình). Vì vậy, về mặt nội dung thảo luận là không gian công, nhưng về mặt không gian thảo luận vẫn là không gian cá nhân. Đặc trưng này làm cho tính xã hội của các thành viên tham gia thảo luận trong môi trường mạng xã hội giảm xuống đáng kể so với việc trực tiếp tập trung tại một không gian thực.
 

Xử phạt tin giả như thế nào?

Trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng tung tin thất thiệt đã bị công an triệu tập và chuyển cho các cơ quan liên quan xử phạt hành chính. Pháp luật nước ta quy định việc xử phạt tin giả như sau: Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ban hành ngày 15-7-2013, được quy định cụ thể tại điểm d và e, khoản 1, điều 5.

Các hành vi bị cấm bao gồm lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Đồng thời, hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174. Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 122 Bộ Luật hình sự với mức phạt tù từ ba tháng đến bảy năm về tội vu khống.

Làm sao để nhanh chóng nhận biết tin giả?

Ba bước kiểm tra tin giả: Bước 1 – Kiểm tra nguồn thông tin. Tờ báo uy tín hoặc nguồn chính thống. Bước 2 – Xác minh độ phủ sóng. Tin phải xuất hiện hầu hết trên phương tiện truyền thông chính thống. Bước 3 – Kiểm tra chéo. Thông qua các trang web kiểm tra sự thật (Snopes, Politifact).

 

Xem thêm
Nhịp sống giới trẻ phản ánh trong bộ phim ‘Bóng của thị thành’

Nhịp sống giới trẻ thời công nghệ số có những màu sắc bất ngờ, thể hiện qua bộ phim ‘Bóng của thị thành’ phát sóng trên HTV7, Đài truyền hình TP.HCM.

Rượt đuổi mãn nhãn, Man United đả bại Liverpool tại Cúp FA

Trận Tứ kết Cúp FA giữa Man United vs Liverpool đã diễn ra với kịch bản không ngờ khi hai đội rượt đuổi nghẹt thở trong suốt 120 phút của trận đấu. 

120 vận động viên tham gia giải dù lượn trên cao nguyên đại ngàn

Giải dù lượn tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) sẽ quy tụ 120 vận động viên, trong đó có 41 vận động viên người nước ngoài tham gia tranh tài.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.