Chưa bao giờ người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam mong mỏi được trở lại bình thường mới để ổn định cuộc sống như hiện nay. Qua 4 tháng miệt mài với các biện pháp giãn cách, sự mệt mỏi tâm lý và sự kiệt quệ tài chính đã khiến từng số phận thấm thía nỗi đau mất mát vì Covid-19. Số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao và số ca tử vong đã giảm, nhưng không thể nào hy vọng không còn F0 trong một thời gian ngắn trước mắt. Phải chấp nhận thực tế ấy, thì mới có thể có lộ trình sống chung lâu dài với đại dịch toàn cầu.
Bộ Y tế chính thức đưa ra bảng phân loại vùng dịch cho các quận, huyện của TP.HCM có thể xem như một tín hiệu bước đầu triển khai tình trạng bình thường mới. Ngoài vùng xanh với Cần Giờ, Củ Chi và quận 7, thì TP.HCM đã nhận diện được vùng vàng, vùng cam, vùng đỏ tương đương với những cấp độ nguy cơ khác nhau. Như vậy, những vùng xanh sẽ thành nền tảng để kích hoạt sự phục hồi lao động và sản xuất.
Sau hơn một năm chống dịch, nhất là đối diện với đợt bùng phát nghiêm trọng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ngành y tế Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể. Trước đây, những bệnh viện dã chiến được xây dựng chỉ mang tính ứng phó yếu ớt, vì bác sĩ chỉ điều trị theo triệu chứng và đa số bệnh nhân Covid-19 tự khỏi đầy may rủi. Đến nay, nhiều chuyên gia y tế tự tin đã có phác đồ điều trị cụ thể được chỉ định hợp lý và khoa học, có các loại thuốc uống cho bệnh nhân nhẹ và có các loại thuốc chích cho bệnh nhân nặng. Dù chưa có thuốc đặc trị, nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực để cộng đồng không quá hoang mang trước sức tàn phá của virus corona.
Tình trạng bình thường mới hoàn toàn trong tầm tay khi mức độ phủ sóng vacxin tăng lên khắp mọi địa phương. Thậm chí, một bác sĩ chuyên khoa nhiễm khuẩn còn khẳng định rằng, nếu một người đã chích đủ 2 mũi vacxin mà lại mắc Covid-19 thì coi như đang chích thêm mũi thứ 3 một cách tự nhiên, và từng tế bào đã được lưu giữ ký ức để sản xuất ra kháng thể.
Một số doanh nghiệp đã rất lạc quan chọn hướng tái sản xuất khá quyết liệt và khéo léo, với phương châm không thể có F0 là đóng cửa ngay nhà máy. Một ca nhiễm F0 có thể mất từ 2 tuần để điều trị, nhưng máy móc và thiết bị thì dễ dàng có thể khử khuẩn trong 1-2 ngày. Khi có F0, doanh nghiệp lập tức tổ chức lại phương thức vận hành, như giãn cách giữa người lao động và khách hàng, công nhân các ca không tiếp xúc với nhau và các phân xưởng hoạt động riêng biệt. Quan điểm của doanh nghiệp là nếu có F0 thì bóc tách khỏi nhà máy, trường hợp tiếp xúc gần sẽ cách ly theo dõi, những người còn lại vẫn duy trì hoạt động.
Vậy thì, không có lý do gì để cứ mãi phong tỏa những đô thị trung tâm bằng sự phập phồng kéo dài. Mạnh dạn quay lại cuộc sống trong tình trạng bình thường mới với sự tuân thủ 5K sẽ sớm giúp Việt Nam thoát ra khỏi ám ảnh bi thương Covid-19.