Thanh long rớt giá
Là một trong những người trồng thanh long nhiều nhất xóm Vũ Ngược, xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, ông Đinh Văn Cừ nhiều năm qua là hộ nông dân điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Ông Cừ chia sẻ: Thấy cây thanh long có giá trị kinh tế cao so với các loại cây trồng khác, năm 2009, tôi lấy giống về trồng thử 200 trụ thanh long ruột trắng. Sau đó, mỗi năm ông mở rộng trồng thêm 100 - 200 trụ. Đến nay, tôi trồng hơn 1ha thanh long ruột trắng và đỏ với khoảng 1.400 trụ.
Thời điểm giá thanh long cao nhất từ năm 2010 - 2014, thanh long ruột trắng từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, ruột đỏ 50.000 - 80.000 đồng/kg. Lúc thanh long được giá, người trồng thanh long hồ hởi lắm. Nhiều ngày thương lái vào tận vườn mua vài xe thanh long là đã có cả chục triệu đồng rồi.
Năm nay, vườn thanh long của tôi dự kiến cho khoảng 15 tấn quả nhưng giá thanh long giảm mạnh so với mọi năm. Đầu mùa còn bán được 20.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện giá thanh long giảm xuống chỉ từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, loại nhỏ chỉ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Vũ Minh là địa phương có diện tích trồng thanh long nhiều nhất huyện Nguyên Bình. Đến nay, toàn xã trồng gần 40ha, trong đó gần 30ha cho thu hoạch. Tập trung nhiều ở các xóm: Vũ Ngược, Lũng Chang, Lũng Ỉn, Đồng Tâm, Đoàn Kết…
Ông Triệu Tòn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình thông tin: Thanh long là cây trồng chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Thời điểm thanh long giá cao, nhiều hộ dân phát triển trồng nhiều thanh long có thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, từ khoảng năm 2016 đến nay, nhiều hộ dân chuyển đổi sang trồng thanh long, diện tích trồng thanh long ở xã tăng lên nhanh chóng kéo theo giá thanh long giảm dần qua từng năm. Đầu ra cho sản phẩm thanh long vẫn chỉ trong nội tỉnh nên chính là yếu tố dẫn đến giá thành quả thanh long ngày càng giảm khi sản lượng tăng nhanh.
Cùng với thanh long, sản phẩm bí xanh xã Vân Trình, huyện Thạch An cũng đang khó khăn tìm đầu ra. Năm nay, người dân xã Vân Trình trồng gần 5ha bí xanh, sản lượng ước đạt gần 70 tấn. Bà Nông Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Vân Trình cho biết: Xã đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra cho người dân trồng bí xanh. Giá bí xanh năm nay chỉ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, rẻ hơn so với mọi năm nhưng do dịch bệnh nên tiêu thụ rất khó khăn.
Chăn nuôi lao đao
Năm 2020, anh Hứa Văn Mạnh, xóm 5, xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng đầu tư hơn 50 triệu đồng xây chuồng trại rộng gần 200m2 để mở rộng chăn nuôi gia cầm. Được Dự án Chăn nuôi gà ri lai theo hướng an toàn sinh học do Phòng Kinh tế thành phố Cao Bằng hỗ trợ 70% con giống và 50% cám, anh mạnh dạn đầu tư nuôi 2.000 con gà ri lai.
Anh Mạnh tâm sự: Hiện tôi đang nuôi 1.200 con gà, trong đó có 600 con đã đến lứa tiêu thụ. Từ đầu năm đến nay, giá cám tăng gần chục lần khiến những hộ chăn nuôi như gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Trước đây, mỗi ngày tôi bán được khoảng 30 - 40 con gà hiện nay chỉ bán được 10 - 15 con. Thời gian tới tôi sẽ dừng nhập con giống mới để chờ qua thời điểm khó khăn này.
Không chỉ các hộ chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng mà các hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò vỗ béo cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều hộ thậm chí đã phải bỏ trống chuồng hoặc nuôi cầm chừng để hạn chế rủi ro, thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Anh Bàn Văn Ton, xóm Táp Ná, xã Thanh Long, huyện Hà Quảng chia sẻ: Tôi đang nuôi đàn lợn gần 20 con và 5 con bò vỗ béo. Trước khi bùng phát dịch trở lại, giá lợn hơi còn đạt trung bình hơn 80.000 đồng/kg. Từ tháng 5 đến nay giá lợn hơi trung bình chỉ từ 55.000 - 58.000 đồng/kg. Trong khi giá thức ăn cứ leo thang liên tục gây khó khăn cho người chăn nuôi.
Ông Hoàng Minh Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh Cao Bằng cho biết: Với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay sẽ gây nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của người chăn nuôi. Cùng với việc giá thức ăn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người chăn nuôi khó chồng thêm khó.
Do đó, người chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi. Có thể giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi vì đang có giá cao, nên chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có như: ngô, sắn, khoai … có giá mua thấp hơn để duy trì sản xuất qua thời điểm khó khăn này.