| Hotline: 0983.970.780

Nghèo khó bủa vây vùng biên Cao Bằng: Đường khó, dân khổ

Thứ Ba 10/08/2021 , 08:20 (GMT+7)

Nhiều xóm, bản ở các xã biên giới Cao Bằng vẫn chưa có đường ô tô, thậm chí là phải đi bộ nhiều giờ đã trở thành rào cản sự phát triển của người dân.

Khổ Đức Hạnh

Từ vài chục năm nay, câu nói “xa như Yên Thổ, khổ như Đức Hạnh” đã quen tai và thuộc lòng với hầu hết mọi người dân không riêng gì huyện Bảo Lâm, mà còn ở cả tỉnh Cao Bằng. Điều đó đã phần nào nói lên sự xa xôi, cách trở, nghèo khó ở hai xã này. Câu nói đó đến nay vẫn đeo bám Đức Hạnh, dai dẳng và không biết đến khi nào mới kết thúc.

Đức Hạnh là xã duy nhất ở huyện Bảo Lâm chưa có đường cứng hóa đến trung tâm xã. Nhiều năm qua, dù đã có sự đầu tư của Nhà nước, quãng thời gian đến xã Đức Hạnh đã giảm, nhưng hệ thống đường giao thông vẫn còn kém hơn nhiều so với các địa phương khác. Từ thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm đến ủy ban xã Đức Hạnh 43km thì có đến 26km là đường đất, đá. Trời nắng từ trung tâm huyện vào xã phải mất khoảng 1 tiếng 40 phút, còn nếu trời mưa, đường trơn trượt thì thời gian đi phải gần 3 giờ đồng hồ, thậm chí là không đi lại được.

Xã Đức Hạnh có 14/16 xóm có đường ô tô tải đến trung tâm xóm, nhưng cũng chỉ là đường cấp phối, đường đất rất khó đi, có tuyến xe ô tô gầm thấp không đi lại được. Còn 2 xóm Nà Và, Dình Phà chỉ đi được xe máy khi trời nắng ráo, còn trời mưa nhiều đoạn phải đi bộ mới vào được đến xóm.

Đường đến xã Đức Hạnh vẫn chỉ là con đường cấp phối, đi từ trung tâm huyện Bảo Lâm đến xã chỉ hơn 40km, nhưng thời tiết thuận lợi cũng mất tới gần 2 tiếng đi xe máy, trời mưa nếu không bị sạt lở thì cũng mất tới gần 3 tiếng. Ảnh: Công Hải.

Đường đến xã Đức Hạnh vẫn chỉ là con đường cấp phối, đi từ trung tâm huyện Bảo Lâm đến xã chỉ hơn 40km, nhưng thời tiết thuận lợi cũng mất tới gần 2 tiếng đi xe máy, trời mưa nếu không bị sạt lở thì cũng mất tới gần 3 tiếng. Ảnh: Công Hải.

Ông Hà Quốc Thàng, Phó Chủ tịch HĐND xã Đức Hạnh thông tin: Toàn xã mới có khoảng 5,5km đường bê tông, trong khi chiều dài các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã khoảng hơn 100km. Đường giao thông từ huyện vào xã, từ xã đi các xóm chưa được cứng hóa nên ảnh hưởng đến việc đi lại, buôn bán của bà con và sự phát triển kinh tế ở địa phương. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo ở xã vẫn còn rất cao, chiếm khoảng 46% số hộ.

Xuất phát điểm của xã thấp, cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất, đá, cấp phối, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, ngân sách tỉnh hàng năm đầu tư còn rất hạn chế so với nhu cầu cần thiết để làm mới và tu sửa các tuyến đường. Do đó muốn làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương thì cần phải sớm tháo đỡ được rào cản chính là đường giao thông.

Cán bộ cũng khổ

Xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc có 13 xóm thì chỉ có 5 xóm vùng thấp hơn có đường ô tô nhưng chủ yếu cũng chỉ là đường đất, chưa có xóm nào có đường bê tông đến trung tâm. Còn 8 xóm vùng cao ở vùng núi đá cheo leo, hiểm trở, đi xe máy vào đến trung tâm xóm cũng mất từ hơn 30 phút cho tới vài tiếng. Đến các xóm Lũng Quẩy, Lũng Chàm chỉ có cách đi bộ.

Trong lần đến làm việc tại xã Khánh Xuân, phóng viên đã vô tình được gặp và nói chuyện với một cán bộ Bộ đội Biên phòng tên là Du, có quê và vợ con vẫn đang sinh sống ở tỉnh Thái Bình. Anh Du là người đã có hơn 20 năm công tác trong ngành, thuộc từng km nhiều tuyến đường biên giới ở những khu vực đã từng đóng quân.

Anh Du chia sẻ là cán bộ ở đây đã quen rồi, đường sá xa xôi nên mỗi năm chỉ được về thăm nhà có 2 lần thôi. Dọc tuyến biên giới bây giờ đã được mở nhiều tuyến đường công vụ, nhưng cũng chỉ có nền đường, mặt đường chủ yếu là đất, đá. Nhiều khi có nguồn tin báo của người dân về các trường hợp vượt biên hay vi phạm pháp luật xảy ra tại khu vực biên giới, nên anh em có khi đi đến được tới nơi cũng mất tới hơn nửa giờ đồng hồ. Nếu xảy ra trường hợp các đối tượng vi phạm mà tản mát các ngả, hoặc trốn lên rừng thì vô cùng khó xử lý.

Đường đến trường của giáo viên các điểm trường ở huyện Bảo Lạc. Ảnh: Công Hải.

Đường đến trường của giáo viên các điểm trường ở huyện Bảo Lạc. Ảnh: Công Hải.

Có lẽ ngoài các anh bộ đội biên phòng, thì các cô giáo cắm bản cũng là những người hiểu rõ nhất về những khó khăn, vất vả trong quá trình đi đến nơi công tác. Chị Lãnh Thị Tuyết, giáo viên mầm non điểm trường Hò Lù, xã Khánh Xuân chia sẻ: Mỗi lần nghĩ về con đường đến trường là mấy chị em giáo viên lại thở dài và động viên nhau. Đường không quá xa nhưng toàn dốc đá cheo leo, gần như không chị em nào đi xe máy đến trường mà không thường xuyên bị ngã, trầy xước tay chân và chảy máu.

Chị Tuyết cho biết thêm: Trời nắng thì còn cố gắng đi được chứ trời mưa thì không dám đi mà phải đi bộ. Có lần đang leo dốc, xe của em bị đứt xích trôi ngược xuống dốc, may chỉ bị đổ xe. Thật sự nhiều khi đi đến trường cũng là đánh liều vì có những đoạn vực sâu thăm thẳm, không cẩn thận có thể ảnh hưởng đến tính mạng như chơi. Giáo viên cắm bản như chúng em chỉ mong có con đường bê tông vào xóm để mỗi lần đến trường dễ đi hơn, đỡ khổ hơn.

Bất cập về giao thông

Trong số 20/37 xã biên giới Cao Bằng được đánh giá là đạt tiêu chí về giao thông, vẫn còn một số xóm chưa có đường giao thông đến xóm. Các xóm có đường ô tô đến xóm đa số cũng chỉ là đường cấp phối, đường đất, thậm chí là đường mòn nên việc đi lại, giao lưu buôn bán bị nhiều hạn chế. Điều đó tạo ra rào cản lớn cho việc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển kinh tế của người dân.

Xã Cần Nông theo đánh giá về chương trình xây dựng nông thôn mới thì đến nay đã đạt tiêu chí giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn xóm Lũng Vai chưa có đường đến xóm, hiện chỉ là đường mòn dài hơn 3km cheo leo lên đỉnh núi, phải bước bộ hơn 2 tiếng mới đến nơi. Xóm có 38 hộ, 100% là người dân tộc Mông, Dao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 50% số hộ.

Nhiều xã được đánh giá là đạt về tiêu chí giao thông, mặc dù vẫn còn có xóm không có đường xe máy đến xã. Ảnh: Công Hải.

Nhiều xã được đánh giá là đạt về tiêu chí giao thông, mặc dù vẫn còn có xóm không có đường xe máy đến xã. Ảnh: Công Hải.

Ông Đỗ Thế Giáp, Chủ tịch UBND xã Cần Nông cho biết: Xóm Lũng Vai thì xã đã đề xuất xin đầu tư làm đường lên xóm nhưng hết nhiệm kỳ 2015 - 2020 vẫn chưa được cấp kinh phí. Trong nhiệm kỳ mới, xã tiếp tục đề xuất xin kinh phí làm đường lên xóm Lũng Vai gúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa được thuận lợi.

Ông Dương Văn Dinh, dân tộc Mông, Bí thư chi bộ xóm Lũng Vai chia sẻ: Bà con trong xóm bao năm qua chỉ biết trồng ngô, đây cũng là lương thực chính. Diện tích đất nông nghiệp ít nên nhiều hộ thường xuyên thiếu đói vào mùa giáp hạt. Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân mạnh dạn vay vốn phát triển vỗ béo bò. Hộ ít vài con, hộ nhiều hơn chục con mỗi lứa nên đời sống cũng bớt khó khăn, nhiều hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, nuôi được con bò, con lợn muốn mang đi bán phải dắt xuống núi mất mấy tiếng đồng hồ nên vẫn là trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển của bà con trong xóm.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sóc Trăng ‘vướng’ phân định ranh giới quản lý khu vực biển

Việc phân định ranh giới quản lý khu vực biển đang ảnh hưởng đến tiến độ cung ứng vật liệu cát phục vụ thi công cao tốc của Sóc Trăng.