| Hotline: 0983.970.780

Tính toán sai lầm của Trung Quốc khi đối đầu thương mại với Trump

Thứ Tư 17/10/2018 , 13:30 (GMT+7)

Lãnh đạo Trung Quốc dường như đánh giá sai ý đồ của Trump khi tung ra đòn thương mại, khiến Bắc Kinh hứng chịu hậu quả.

Tập Cận Bình (phải) đón Trump đến thăm Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: Reuters.

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền 5 năm trước, ông đã khiến giới tinh hoa Trung Quốc chấn động với cam kết sẽ để thị trường đóng "vai trò quyết định" trong các quyết sách lớn và làm giới cải cách hào hứng với viễn cảnh kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục bùng nổ một cách thần kỳ, theo Politico.

Khi đó, nhiều người tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là "không thể tránh khỏi", "không thể tranh cãi" và cụm từ "Giấc mơ Trung Hoa" được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí Xinhua còn tuyên bố hồi năm ngoái rằng Trung Quốc "đang lấy lại sức mạnh của mình và vươn lên ngôi đầu thế giới".

"Các lãnh đạo Trung Quốc thực sự tin rằng mình là quốc gia mạnh nhất trong lịch sử thế giới", Arthur Waldron, chuyên gia tại Đại học Pennsylvania, nói. Thế nhưng mọi việc diễn ra không như kế hoạch. Ông Tập có những bước đi rất chậm chạp trong nỗ lực cải cách lĩnh vực kinh tế nhà nước vốn đang trì trệ cũng như xử lý nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc. Ông ưu tiên tăng trưởng ngắn hạn hơn các mục tiêu dài hạn và tập trung vào cuộc chiến chống tham nhũng, củng cố quyền lực hơn là giải quyết các vấn đề của nền kinh tế.

"Sự can thiệp quá mức của nhà nước đã khiến thị trường phải thoái lui", Scott Kennedy, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói. "Ông Tập với niềm tin vào sự lãnh đạo của đảng và quyền lực nhà nước đã đẩy Trung Quốc vào tình thế rất giống thời kỳ Mao Trạch Đông".

Bằng các biện pháp của mình, ông Tập đã biến các tập đoàn quốc doanh lớn thành những "tay chơi" chủ chốt trong thị trường, thậm chí thành các tập đoàn độc quyền. Ông tăng các khoản hỗ trợ cho những tập đoàn này và siết chặt kiểm soát vốn. Năm 2015, ông đưa ra Sáng kiến Made in China 2025, tăng đầu tư vào các lĩnh vực khoa học công nghệ cao để giảm bớt sự phụ thuộc về công nghệ vào nước ngoài.

Nhưng một năm sau, tỷ phú Donald Trump, người từng chỉ trích gay gắt chính sách thương mại của Trung Quốc, trở thành Tổng thống Mỹ. Tham vọng của Trung Quốc khiến Mỹ cảm thấy bị đe dọa, Trump bắt đầu trở nên cứng rắn hơn, đe dọa sẽ tung ra các đòn áp thuế nếu Bắc Kinh không thay đổi hành vi thương mại của mình, mở cửa thị trường và chấm dứt tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Ban đầu, ông Tập và các cố vấn cấp cao của mình coi Trump chỉ là một Tổng thống bốc đồng. Họ dự tính rằng Trump chắc chắn sẽ áp thuế với một số mặt hàng của Trung Quốc, nhưng đó chỉ đơn thuần là chiến thuật đàm phán, một phần trong "Nghệ thuật Thương thảo" mà Trump luôn tự hào. Dẫu sao, nhiều ứng viên tổng thống Mỹ vẫn thường xuyên công kích Trung Quốc trong quá trình tranh cử, sau đó lại làm hòa với Bắc Kinh sau khi nhậm chức.

Giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ nguyên nhận định này khi Trump ra lệnh áp thuế 25% với thép và 10% nhôm hồi tháng 5. Một tháng sau, khi chính quyền Trump quyết định áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, họ vẫn tin tưởng rằng chừng ấy là đủ để làm thỏa mãn những cố vấn có quan điểm cứng rắn ở Nhà Trắng như Cố vấn Hội đồng Thương mại Quốc gia Peter Navarro.

Ông Tập (phải) đến thăm một nông trường ở tỉnh Hắc Long Giang hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

Với tính toán đó, Trung Quốc thể hiện sự tự tin bằng đòn trả đũa thuế, cho rằng chính quyền Trump sẽ sớm chấm dứt cuộc đấu thương mại và đi đến giải pháp thỏa hiệp. Nhưng ông Tập và các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh dường như sớm nhận ra sai lầm của mình, khi Trump tiếp tục tung ra đòn áp thuế thứ hai vào tháng 9.

Chưa hết choáng váng sau cú đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, các lãnh đạo Bắc Kinh tiếp tục hứng một "gáo nước lạnh" mới và nhận ra ý đồ đích thực của chính quyền Trump trong cuộc chiến thương mại khốc liệt.

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong bài phát biểu hôm 4/10 đã gọi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược chính" của Mỹ, cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách làm suy yếu độ tin cậy của Trump và tìm cách can thiệp để nước Mỹ "có một tổng thống khác". "Mỹ sẽ không để bị bắt nạt, sẽ không chịu chùn bước cả về kinh tế lẫn quân sự", Pence khẳng định.

Theo chuyên gia bình luận quốc tế William Pesek, tuyên bố đầy cứng rắn của Pence chứng minh một điều rằng cuộc chiến thương mại của Trump là nhằm đối phó với Trung Quốc hơn là cân bằng thương mại và cải thiện tình hình việc làm ở Mỹ. Tệ hơn, việc đánh thuế và duy trì sức ép thương mại với Trung Quốc dường như sẽ là một phần trong chiến lược tái tranh cử vào năm 2020 của Trump.

"Bài phát biểu này của Pence rõ ràng là chỉ dấu cho một thời kỳ mới đầy ganh đua trong quan hệ Mỹ - Trung", chuyên gia phân tích Bill Bishop bình luận.

Không khí hào hứng về viễn cảnh nền kinh tế tương lai tràn ngập xe tự lái, robot và trí tuệ nhân tạo nhờ sáng kiến "Made in China 2025" cách đây 6 tháng giờ đã hoàn toàn lắng xuống ở Trung Quốc, khi điều khiến ông Tập quan tâm nhất giờ đây là chỉ số tăng trưởng kinh tế trong năm nay, giữa cơn bão chiến tranh thương mại với Mỹ.

Đòn áp thuế chỉ là một trong số ít những "quả bom" mà Trump có thể tung ra với Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ đã mất giá 6,4% trong năm nay, trong khi chứng khoán Thượng Hải giảm 22,3% và chỉ số tăng trưởng 6,7% mà chính phủ Trung Quốc đặt ra từ đầu năm ngày càng khó thành hiện thực.

Thực tế đó buộc chính phủ Trung Quốc phải làm mọi cách để thúc đẩy chỉ số tăng trưởng kinh tế. Các quan chức nước này hầu như mỗi ngày đều đề ra các kế hoạch mới để cắt giảm thuế, tăng vốn vay cho doanh nghiệp và đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Các quy định về tín dụng được nới lỏng, trong khi ngân hàng trung ương liên tiếp nới quy định về trích lập quỹ dự phòng ở các ngân hàng, các dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng.

Hậu quả của cuộc chiến thương mại cũng bắt đầu ảnh hưởng đến đời sống của người dân Trung Quốc. Chỉ số giá tiêu dùng nước này tăng 2,5% vào tháng 9, mức tăng chỉ xếp sau giai đoạn cao điểm mua sắm mùa tết âm lịch, theo Nikkei. Nhiều mặt hàng tăng giá do chính sách áp thuế mà Trung Quốc đưa ra để đáp trả đòn thương mại của Trump.

Giá thịt lợn ở Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn do chiến tranh thương mại với Mỹ. Ảnh: Reuters. 

Biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc đã khiến giá đậu nành, mặt hàng nước này nhập khẩu lớn từ Mỹ, tăng đáng kể, kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác. Nó không chỉ làm tăng giá mặt hàng dầu thực vật, mà còn khiến giá bã đậu nành dùng làm thức ăn chăn nuôi cũng tăng 10-20%, gây khó khăn cho ngành nuôi lợn ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước cho biết nông dân Trung Quốc giờ đây mất 200 tệ với mỗi con lợn, trong khi chính quyền nỗ lực hỗ trợ để giá thịt lợn không tăng quá cao.

"Chiến lược của các tổng thống Mỹ trước đây dường như đã giúp Trung Quốc trỗi dậy và dần gia nhập vào cộng đồng các quốc gia phát triển", bình luận viên Pesek viết. Nhưng điều đó giờ đây đã hết, dưới thời một Tổng thống Mỹ vốn coi thương mại là vũ khí lợi hại phục vụ cho nỗ lực đối phó Trung Quốc của mình.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.