| Hotline: 0983.970.780

Tính xa để đảm bảo thực phẩm trong và sau dịch Covid-19

Thứ Năm 12/08/2021 , 20:53 (GMT+7)

Làm việc với Bắc Giang và Hải Dương, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị 2 tỉnh chủ động lên kế hoạch sản xuất nông nghiệp, không được để thiếu hụt lương thực thực phẩm.

Nguồn cung quan trọng cho Hà Nội

Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc làm việc trực tuyến giữa Tổ công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NN-PTNT (Tổ 3430, Bộ NN-PTNT) với 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc làm việc giữa Tổ công tác 3430 của Bộ NN-PTNT với Bắc Giang và Hải Dương. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc làm việc giữa Tổ công tác 3430 của Bộ NN-PTNT với Bắc Giang và Hải Dương. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện mỗi tháng Hà Nội cần nhập thêm 37.000 tấn gạo, 1.000 tấn lợn, 72 triệu quả trứng, 4.300 tấn thịt trâu bò, 36.000 tấn rau và 2.000 tấn thủy sản từ nguồn cung bên ngoài.

Trong đó, hội nghị bàn luận sâu về vấn đề chuẩn bị tổ chức sản xuất thời gian tới để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhân dân các địa phương lân cận, đặc biệt là Hà Nội.

Hiện nay, nông sản của Bắc Giang ngoài tiêu thụ nội tỉnh, đa phần cung cấp cho các địa phương ĐBSH như Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên… Trong đó, lượng tiêu thụ ngoại tỉnh thịt hơi vào khoảng 50%, hoa quả 80% và rau khoảng 30%.

Tương tự Bắc Giang, lượng rau màu và hoa quả của Hải Dương tiêu thụ tại thị trường các tỉnh lân cận trong khu vực khoảng 40% - 80% (tùy sản phẩm). Với thịt, Hải Dương chỉ tiêu thụ một nửa sản lượng sản xuất ra, phần còn lại cung cấp cho tỉnh ngoài.

Từ những con số trên, có thể thấy nguồn cung lương thực, thực phẩm của Hải Dương và Bắc Giang đóng vai trò rất quan trọng trong phục vụ nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh ĐBSH, đặc biệt là Hà Nội, nhất là trong giai đoạn phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 như hiện nay.

Sẵn sàng mở rộng diện tích rau 

Nhận định về tình hình hiện nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, đang có rất nhiều khó khăn trong lưu thông nông sản, không chỉ trong nước mà ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Nếu không chuẩn bị tốt cho các vụ tới, sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nông sản. Do đó các địa phương cần chủ động chuẩn bị các kịch bản phù hợp với các biến động của dịch Covid-19. Mục tiêu phải đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thực phẩm, nhu yếu phẩm, đảm bảo đời sống của người dân, đặc biệt là trong các khu vực bị giãn cách.

Hải Dương và Bắc Giang đều đã sẵn sàng các phương án gia tăng sản xuất, nhất là rau nhằm bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt trong và sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Bền.

Hải Dương và Bắc Giang đều đã sẵn sàng các phương án gia tăng sản xuất, nhất là rau nhằm bù đắp cho nguy cơ thiếu hụt trong và sau dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Tổ trưởng Tổ công tác 3430 của Bộ NN-PTNT cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là duy trì sản xuất nông nghiệp. Theo ông Toản, các địa phương cần chủ động có phương án chỉ đạo sản xuất, kể cả trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hơn.

Cụ thể hóa vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường lưu ý, các địa phương phải bám sát đồng ruộng, đảm bảo lúa vụ mùa thắng lợi đến cuối cùng, không để xảy ra dịch bệnh và duy trì được rau vụ hè thu như kế hoạch.

Ông Cường nhận định, trong tình hình hiện nay, có thể những tháng cuối năm sẽ xảy ra thiếu hụt nguồn cung rau do các tỉnh phía Nam, nhất là Lâm Đồng đã bị ảnh hưởng bởi các phương án đối phó dịch Covid-19. 

“Các địa phương cần cân nhắc mở rộng diện tích, nghiên cứu cơ cấu giống để có thể đáp ứng được cả thị trường phía Bắc lẫn phía Nam”, Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu ý kiến, đồng thời đề nghị các tỉnh phát huy tối đa khả năng sản xuất để hỗ trợ cho Hà Nội và khu vực lân cận trong trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn.

Cục Trồng trọt nhận định, có thể xẩy ra thiếu hụt rau tại các tỉnh phía Nam dịp cuối năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục Trồng trọt nhận định, có thể xẩy ra thiếu hụt rau tại các tỉnh phía Nam dịp cuối năm. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhất trí với ý kiến từ phía Bộ NN-PTNT, Phó Chủ tịch UBND Hải Dương Trần Văn Quân khẳng định, tỉnh đã lên kế hoạch nghiên cứu mở rộng diện tích sản xuất rau vụ đông và cây lương thực trong thời gian tới.

Chỉ đạo thêm về giải pháp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý các địa phương và đơn vị chức năng của Bộ cần phải đi trước đón đầu bằng những kế hoạch mở, linh hoạt theo tình hình dịch Covid-19.

“Để tổ chức sản xuất, cần lên phương án mở rộng diện tích ở đâu, tăng đàn chỗ nào, sử dụng giống gì, đó là những yếu tố đầu vào rất quan trọng để có thể tăng tốc trong thời gian tới”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chế biến

Ngoài sản phẩm trồng trọt, phương án chuẩn bị các mặt hàng thực phẩm như thịt và thủy sản cũng được thảo luận trong hội nghị. Đa số các ý kiến đều cho rằng, giải pháp thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là đẩy mạnh chế biến và lưu trữ.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong tình hình giãn cách xã hội hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm tươi sống sẽ giảm, thay vào đó những loại thịt đã được sơ chế, chế biến sẽ chiếm được lợi thế do tiện vận chuyển, sử dụng. Sản phẩm mà ông Trọng đưa ra ví dụ có thể áp dụng hình thức này là gà đồi của Bắc Giang.

Hiện tại, rau vụ thu tại các tỉnh ĐBSH đang bước vào sản xuất. Ảnh: Hưng Giang.

Hiện tại, rau vụ thu tại các tỉnh ĐBSH đang bước vào sản xuất. Ảnh: Hưng Giang.

Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đánh giá cao tiềm năng về cá nước ngọt của Hải Dương, cụ thể là cá rô phi. “Tỉnh Hải Dương có thể nghiên cứu thành lập các cơ sở sơ chế, chế biến cá rô phi và các loại cá nước ngọt khác, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịch”, ông Trần Đình Luân nêu ý kiến.

Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến này. Ông Quân cũng đề xuất mở rộng các cơ sở chế biến, tạo thành những trung tâm chế biên theo vùng. Ngoài ra, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến hoạt động hiệu quả hơn.

Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chế biến không chỉ giúp thuận tiện trong vận chuyển, tiêu thụ mà còn làm nâng cao giá trị sản phẩm. 

“Vấn đề này có thể tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm, phối hợp với địa phương để triển khai cho hiệu quả”, Thứ trưởng chỉ đạo và cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ tổ chức hội nghị riêng về vấn đề này, thành phần tham gia là các tỉnh và doanh nghiệp.

Làm việc với UBND tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và các thành viên Tổ công tác 3430 của Bộ NN-PTNT đánh giá cao khả năng ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất của Bắc Giang và Hải Dương.

Gà đồi Yên Thế là sản phẩm có thể đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị. Ảnh: TL.

Gà đồi Yên Thế là sản phẩm có thể đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị. Ảnh: TL.

Hai tỉnh đã thực hiện các biện pháp chống dịch quyết liệt, liên tục và hiệu quả, tạo tiền đề cho sản xuất nông nghiệp, phục hồi ngoạn mục sau dịch. Đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. 

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, 2 tỉnh đã có những giải pháp kết nối tiêu thụ rất sáng tạo, xúc tiến thương mại rất đa dạng và hiệu quả. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Giang và Hải Dương cần chia sẻ kinh nghiệm của mình, không chỉ về chống dịch và còn về sản xuất với các địa phương trên toàn quốc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nghiên cứu, mở rộng thêm các thị trường, không chỉ trong nước mà phải vươn ra toàn cầu cho các mặt hàng nông sản chủ lực, có thế mạnh của Bắc Giang và Hải Dương.

Ấn tượng Hải Dương, Bắc Giang

6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi đầu với nhiều dấu hiệu khả quan, tích cực. Vụ đông xuân được mùa toàn diện, sản lượng rau các loại đạt 344.000 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ, sản lượng vải thiều đạt 215 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, sản xuất chăn nuôi, thủy sản vẫn duy trì sự ổn định trong dịch bệnh và tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 3,03%, tăng gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra (0,9%).

Trong khi đó tại Hải Dương, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá sau 6 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 12.100 tỷ đồng, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt trong khó khăn do dịch bệnh, cả 2 tỉnh đều đã tổ chức tiêu thụ vụ vải thiều 2021 một cách thuận lợi, đảm bảo thông suốt, được giá...

  • Tags:
Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Tân Lạc thu hoạch trên 1.000 tấn quýt Vân Sơn

HÒA BÌNH Mùa vụ này các nhà nông Mường Bi lại được mùa quýt Vân Sơn, sản lượng cho thu hoạch ước trên 1.000 tấn quả, đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.