Ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cùng tổ công tác đặc biệt phía Bắc của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra tình hình chăn nuôi và giết mổ đàn bò tại Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội tại huyện Đông Anh.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, rút bài học từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc phải tính trước phương án để chủ động ứng phó với những khó khăn, đứt gãy trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Thứ trưởng Tiến nêu dẫn chứng: Hiện 18 tỉnh thành phía Nam và TP. HCM chuỗi sản xuất nông sản rất khó khăn. Lượng thịt vào TP. HCM những ngày gần đây chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, chủ yếu là do tình hình dịch bệnh, các cơ sở giết mổ đứt gãy, số có thể hoạt động cũng rất khó khăn.
3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức đều tê liệt. Tại Hà Nội, ngoài các chợ đầu mối Long Biên, Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam hiện đã tạm dừng hoạt động, còn lại 29 trung tâm thương mại, 458 khu chợ cộng với 1.800 điểm bán hàng, 780 cửa hàng tiện ích… đang hoạt động. Vì vậy, phải đặt ra phương án cung cấp lương thực, thực phẩm cho Hà Nội thế nào để chủ động đề phòng diễn biến dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài.
Theo ông Trần Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội, trong bối cảnh Hà Nội và các địa phương lân cận tình hình Covid-19 phức tạp, công ty đã chủ động hoạt động theo mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tạo ra các chuỗi cung - cầu khép kín để hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh cũng như đảm bảo nguồn cung thịt bò đến người tiêu dùng.
Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội có khu giết mổ 7 ha, khu chăn nuôi 20 ha, lượng lưu trữ vào khoảng 15.000 con bò. Lượng bò thịt nhập khẩu của công ty năm 2018 là 45.000 con, năm 2019 nhập 86.000 con, năm 2020 nhập 65.000 và năm 2021 mới nhập được khoảng 25.000, chủ yếu từ Úc.
Hiện Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội vừa thực hiện giết mổ, vừa bán bò sống nguyên con (bò hơi) cho các tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Mỗi tháng có thể nhập một tàu biển nên lượng bò tại công ty đáp ứng khoảng 10.000 con, góp phần bình ổn, giữ giá ổn định trong vòng 2 - 3 tháng như hiện nay.
Ông Trần Xuân Minh kiến nghị, để thuận lợi cho doanh nghiệp trong khâu vận chuyển, nên áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định thống nhất của Chính phủ và quy định của các tỉnh, chứ không áp dụng theo các quy định riêng của cấp huyện. Nếu dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm lớn rất cần có cơ chế hỗ trợ.
Ngoài ra, nếu dịch bệnh kéo dài, đề phòng trường hợp khu vực có lò mò phải phong tỏa thì rất cần phải có phương án tổ chức những điểm giết mổ ở bên ngoài khu vực bị phong tỏa để đảm bảo duy trì hoạt động giết mổ nhằm cung cấp thịt cho Thành phố Hà Nội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực của Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội trong việc tổ chức chăn nuôi, giết mổ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Thứ trưởng Tiến cũng đề nghị lãnh đạo công ty cần đảm bảo nguồn cung thịt bò cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủ động các phương án hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm khi tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát toàn diện
Theo Công ty Cổ phần Đông Thành Hà Nội, với quy mô đàn bò khoảng 63.000 con, công ty hoàn toàn đủ tự tin có thể đồng hành vào chuỗi cung ứng thực phẩm cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, đồng thời hỗ trợ thực phẩm cho các tỉnh phía Nam.