| Hotline: 0983.970.780

Tổ chức nhiều đoàn giám sát cúm gia cầm sau ca lây nhiễm A/H5 sang người

Thứ Sáu 21/10/2022 , 19:10 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT gửi công điện khẩn trong ngày 21/10, giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp triển khai.

Hiện cúm gia cầm vẫn nổ ra lẻ tẻ, rải rác tại một số địa phương trên cả nước.

Hiện cúm gia cầm vẫn nổ ra lẻ tẻ, rải rác tại một số địa phương trên cả nước.

Ngày 21/10, Bộ NN-PTNT gửi Công điện khẩn số 7061/CĐ-BNN-TY đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus khác theo quy định của Luật Thú y.

Với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, hoặc phát hiện gia cầm dương tính với virus A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5, tỉnh, thành phố cần làm ngay 4 việc.

Một, tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hai, điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm, không để dịch lây lan rộng. Ba, tiêm phòng bao vây ổ dịch, cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao. Bốn, chỉ đạo các cơ quan thú y, y tế phối hợp điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch.

Địa phương cần rà soát, tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vacxin cúm gia cầm, bảo đảm tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. Ngoài ra, những đàn gia cầm mới, chưa được tiêm phòng cần được rà soát thường xuyên, tiêm bổ sung.

Chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh.

Với gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh, gia cầm tại địa bàn nguy cơ cao, địa phương cần giám sát chủ động, lấy mẫu và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xác định nguyên nhân gây bệnh, nhằm kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.

Việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia phải được kiểm dịch tại gốc. Đồng thời, người dân cần được tuyên truyền không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới. 

Các cơ quan cấp cơ sở lên kế hoạch hướng dẫn người dân giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, để kịp thời báo chính quyền, cơ quan thú y. Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Hàng ngày, khu vực nuôi phải được vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột.

Ban 389 địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Chuồng trại nuôi gia cầm cần được vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn định kỳ.

Chuồng trại nuôi gia cầm cần được vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn định kỳ.

Về phía các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, Cục Thú y được giao nhiệm vụ tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Nhận định, đây là giai đoạn cuối năm, nhu cầu về thịt của người dân, trong đó có thịt gia cầm rất lớn, Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Thú y hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, cung ứng vacxin cúm gia cầm đánh giá hiệu lực các loại vacxin cúm gia cầm đang lưu hành, các loại mới đăng ký kiểm nghiệm, khảo nghiệm.

Thông qua hợp tác quốc tế, Cục Thú y chủ động tổ chức giám sát địa phương và gửi mẫu xét nghiệm đến các trung tâm hàng đầu quốc tế. Căn cứ vào đó, Cục có trách nhiệm đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các phòng thử nghiệm, xét nghiệm virus cúm gia cầm cần được thanh tra, kiểm tra trong giai đoạn cao điểm sắp tới.

Đồng hành cùng Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông quốc gia thành lập, tham gia các đoàn công tác đến địa phương để đưa ra những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh phòng dịch.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 77.000 gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao, đặc biệt các tháng cuối năm do chăn nuôi, giết mổ nhỏ lẻ còn chiếm đa số.

Theo Bộ Y tế, ngày 5/10/2022, một bé gái tại Phú Thọ nhiễm virus cúm gia cầm, chủng A/H5. Đây là lần đầu tiên sau hơn 8 năm, Việt Nam mới có một ca mắc bệnh. 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.