| Hotline: 0983.970.780

“Tổ quốc nhìn từ biển” trong những ngày Biển Đông dậy sóng

Chủ Nhật 28/07/2019 , 10:34 (GMT+7)

Những ngày này khi Biển Đông dậy sóng, lại thêm một lần nữa ca khúc do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi được vang lên.

Tổ quốc nhìn từ biển. Ảnh: Trần Thành

Vậy bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” tôi sáng tác cách đây 10 năm (từng được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng Bộ Quốc phòng) đã có ba thời điểm được dịp “đồng hành” cùng các chiến sĩ hải quân chúng ta ra tuyến đầu khi biển Đông dậy sóng.

Lần thứ nhất khi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu dầu khí của Việt Nam trên biển Đông năm 2011. Lần thứ hai khi Trung Quốc ngang nhiên đưa dàn khoan thăm dò dầu khí khổng lồ 981 vào sâu lãnh hải Việt Nam năm 2014.

Và lần thứ ba, Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào khu vực bãi Tư Chính ở thềm lục địa phía Nam biển Đông tháng 7/2019.

Trong chuyến đi thực tế ở quần đảo Trường Sa năm 2016 theo lời mời của Quân chủng Hải quân, chúng tôi đã từng đến thăm nhà dàn DK1 ở bãi Tư Chính, nơi các chiến sĩ hải quân của chúng ta phải thường xuyên “Đầu đội bão, chân đạp sóng” trên đại dương nhiều hiểm họa khôn lường và cho đến hôm nay, họ lại phải đối mặt với nguy cơ đe dọa từ các nhóm tàu hung hãn của phía Trung Quốc.

Tôi còn nhớ một kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đi nói trên, khi tôi lên thăm, một số chiến sĩ hải quân đã hỏi tôi: “Chú ơi, các em học sinh ở các trường phổ thông trong đất liền đã được học về trận hải chiến Gạc Ma, Trường Sa năm 1988 chưa?”.

Tôi trả lời, trước khi tôi lên đường đi Trường Sa, con trai tôi học lớp 7 ở trường THCS Archime Academi có về khoe với tôi trong giờ học công dân, đã được nghe thầy giáo giảng bài về trận chiến Gạc Ma và sự hy sinh oanh liệt của 64 chiến sĩ khi kết thành vòng tròn bất tử trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Tôi đã phải giải thích cho con trai tôi hiểu về cụm từ “Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma”.

Thời điểm ấy, chỉ có 2 trường dân lập trên địa bàn Hà Nội là Trường Archime Academi và trường MarieCurie là có bài giảng về trận chiến Gạc Ma, còn các trường thuộc hệ thống công lập là chưa triển khai.

Sau khi nói chuyện với các chiến sĩ hải quân còn rất trẻ ở Trường Sa, tôi đã đọc cho họ nghe bài thơ “Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình” sáng tác trong chuyến đi này:

Nghẹn ngào hai tiếng Trường Sa

Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình

Sáu tư người lính hy sinh *

Vòng tròn bất tử mang hình Gạc Ma

 

Đau thương hai tiếng Hoàng Sa

Máu Việt Nam đỏ thấm qua bao đời

Các anh nằm lại cuối trời

Bảy tư người lính xương vùi biển sâu**

 

Cầm lên hạt muối thương đau

Mẹ Việt Nam tóc bạc màu héo hon

Muối này thấm máu các con

Thấm hồn tử sĩ trong hồn biển xa

 

Hoàng Sa vọng tới Trường Sa

Máu Việt Nam chảy trong da thịt mình

Sớm nay, bao lớp học sinh

Đánh vần hai tiếng ân tình Gạc Ma

 

Trường Sa nói với Hoàng Sa

Bài học xương máu ông cha bao đời

Để được tự do làm người

Máu Việt Nam chảy ngàn đời về tim

(*64 người lính hy sinh Gạc Ma, Trường Sa 1988 ; ** 74 người lính hy sinh ở Hoàng Sa năm 1974)

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cùng chiến sĩ hải quân trên nóc nhà dàn DK1 ở bãi Tư Chính năm 2016.

“Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ tôi viết trong dịp đi dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Quân chủng Hải quân tổ chức vào tháng 4/2009.

Đến nay, đã 10 năm trôi qua, bài thơ và ca khúc phổ thơ “Tổ quốc nhìn biển” vẫn đang đồng hành cùng với trái tim những người Việt Nam yêu nước hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Đấy thật sự là một hạnh phúc lớn đối với người làm thơ như tôi.  

Từ trước đến nay, các nhà thơ thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống cần lao của nhân dân mình.

Tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Tôi xin đưa ra một dẫn chứng để có thể nói rằng độc giả hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước.

Cách đây nhiều năm, bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Thanh Niên, báo Văn nghệ  đúng vào dịp xảy ra những vụ gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông. Ngay lập tức bài thơ này được hàng vạn địa chỉ các trang mạng điện tử, các blog trong, ngoài nước đưa lại và được hàng triệu độc giả hưởng ứng.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bài thơ đã được 5 nhạc sĩ ở TPHCM và Hà Nội phổ nhạc. Tôi cũng không ngờ bài thơ của mình lại có được sức cộng hưởng tri âm với người đọc như vậy.

Tổ quốc nhìn từ biển

Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

 

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

 

Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi

 

Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể

Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

 

Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân

 

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

 

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Trong bài thơ trên có đoạn thơ sau: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không”.

Tôi nghĩ rằng, trong tâm hồn mỗi nhà thơ chúng ta hôm nay, nếu không trào dâng lên ngọn sóng thi ca yêu nước ấy thì làm sao thơ của chúng ta có được sự cộng hưởng tri âm từ hàng triệu người đọc.

Vì thế, tôi tin rằng, nhân dân và thế hệ trẻ hôm nay không hề quay lưng lại với thi ca yêu nước đâu, mà có lẽ các nhà thơ nên tự hỏi: chúng ta đã làm gì để nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng của chính dân tộc mình trong những tháng năm này.

Sau khi phổ nhạc khá thành công bài thơ của tôi, nhạc sĩ Quỳnh Hợp ở TPHCM cho biết: “Khi đọc bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" từ một đường link trên internet, trong tôi đã dâng trào một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha với dải đất hình chữ S của mình với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh. Sau 2 ngày nghiền ngẫm bài thơ và trong khoảng 3 giờ tôi đã  hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu "Tổ quốc đang bão giông từ biển".

Bài hát “Tổ quốc nhìn từ biển” ra mắt đúng lúc diễn biến ở biển Đông căng thẳng đã khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước, kêu gọi mọi người Việt Nam hướng về Biển Đông.

Trong bài thơ có những câu: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp  lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”.

Bốn câu thơ bi hùng ấy có thể xem là hay nhất trong bài thơ khiến người đọc cay xè mũi, rưng rưng. Mấy câu thơ ấy là câu hỏi lớn khi đất nước lâm nguy thì làm sao những người yêu nước lại có thể bình lặng được.

Câu thơ đã khơi gợi tình yêu Tổ quốc trong mỗi trái tim Việt Nam khi "sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa" hỏi rằng trong những hồn người hôm nay liệu có ngọn sóng nào không?”.

Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" tôi viết từ tháng 4/2009 nghĩa là bài thơ này được viết hơn hai năm trước khi xảy ra sự cố gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông vào tháng 5/2011. Do vậy, với điểm nhìn của nhà thơ ở thời điểm ấy, tôi phải đặt ra những giả thiết, giả định... khi đề cập tới những vấn đề rất nhạy cảm về tình hình biển đảo của chúng ta lúc bấy giờ.

Khổ thơ đầu tiên khi tôi đặt bút viết bài thơ này nguyên văn như sau: "Nếu Tổ quốc bị xâm lăng từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa".

Nhưng sau khi cân nhắc, đắn đo nhiều lần, tôi gạch bỏ 3 chữ "bị xâm lăng" ở câu thơ đầu tiên vì nghe có vẻ hơi nặng nề, để thay bằng 3 chữ "đang bão giông", nên bài thơ khi công bố đã mở đầu bằng đoạn "Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa".

Tương tự như vậy, ở đoạn thơ sau, nguyên văn câu thơ tôi viết ban đầu: "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng xâm lấn đè lên thêm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Sau khi đọc lại và cân nhắc kỹ, tôi quyết định bỏ 2 chữ "xâm lấn" để thay bằng 2 chữ "lớp lớp", nên khi chính thức công bố, đoạn thơ này có nội dung "Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không". Nói như thế để thấy rằng, trong bài thơ này, tôi đã phải cân nhắc, tính toán, sửa đi sửa lại từng câu, từng chữ một trước khi in trên báo.

Đất nước, quê hương và con người Việt Nam là mối quan tâm trong những sáng tác thi ca của tôi từ khi cầm bút cách đây gần 40 năm. Và tôi nghĩ, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.