| Hotline: 0983.970.780

Toàn văn Nghị định thư về xuất khẩu quả chuối từ Việt Nam sang Trung Quốc

Thứ Ba 01/11/2022 , 14:51 (GMT+7)

Nghị định thư này đề cập đến các yêu cầu về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

Nhằm xuất khẩu an toàn quả chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc và căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, Bộ NN-PTNT Việt Nam (sau đây viết tắt là "MARD") và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (sau đây viết tắt là "GACC") đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Theo đó, hai bên đã thống nhất những nội dung sau:

Điều 1: Điều khoản chung

Chuối tươi (sau đây gọi tắt là "chuối") được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10 - 16 tuần sau khi ra hoa. Quả chuối chín hoặc nứt vỏ sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Chuối phải tuân thủ các yêu cầu kiểm dịch thực vật quy định trong Nghị định thư này và không nhiễm bất kỳ đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, là một trong những xứ sở của cây chuối, từ Bắc xuống Nam. Ảnh: TL.

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, là một trong những xứ sở của cây chuối, từ Bắc xuống Nam. Ảnh: TL.

Nghị định thư này chỉ đề cập đến các yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các tiêu chuẩn và yêu cầu khác (như tiêu chuẩn sức khỏe con người, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc) không quy định trong Nghị định thư này cũng được áp dụng cho chuối  của Việt Nam.

Điều 2: Đăng ký

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với MARD và được MARD và GACC phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Trước khi xuất khẩu, MARD phải gửi cho GACC danh sách đăng ký để phê duyệt và cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được công bố trên trang web chính thức của GACC.

Điều 3: Quản lý vùng trồng

Dưới sự giám sát của MARD, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) ví dụ như duy trì các điều kiện vệ sinh vùng trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ những quả rụng và thối.

Phải thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng cơ học, hóa học hoặc sinh học; bao quả trong quá trình sinh trưởng; thu hoạch trước khi quả chín và các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại khác ...

Theo Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật số 6 (ISPM 6), MARD phải áp dụng quy trình  quản lý để tổ chức các hoạt động giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm trong cả năm. Để giám sát và thu thập sinh vật gây hại, ngoài biện pháp kiểm tra bằng mắt thường, phải áp dụng thêm một số biện pháp hóa - lý.

Kiểm tra sự xuất hiện của các loài rệp sáp mềm trên trái, thân và lá định kỳ ít nhất 15 ngày/lần từ khi chuối ra hoa đến khi thu hoạch.

Trong trường hợp phát hiện thấy các loài đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc các triệu chứng các loài đó, cần áp dụng ngay các biện pháp phòng trừ, bao gồm biện pháp hóa học, cơ học và sinh học để đảm bảo chuối xuất khẩu sang Trung Quốc không bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm. Các biện pháp quản lý toàn diện đối với những loài dịch hại này phải được MARD phê duyệt và MARD cung cấp cho GACC theo yêu cầu trước khi bắt đầu thương mại.

Tất cả vùng trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải lưu giữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại. Ảnh: TL.

Tất cả vùng trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải lưu giữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại. Ảnh: TL.

Các hoạt động giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại phải được thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và nhân viên kỹ thuật phải được MARD hoặc đơn vị do MARD ủy quyền tập huấn.

Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại; hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể bao gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình sinh trưởng phát triển.

Điều 4: Đóng gói và chế biến

Nhân viên của MARD hoặc được MARD ủy quyền sẽ giám sát quy trình đóng gói quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Cơ sở đóng gói có nền cứng được vệ sinh sạch sẽ, có khu chứa nguyên liệu và kho thành phẩm. Các khu xử lý, bảo quản và khu chức năng phải riêng biệt, được bố trí hợp lý và tách biệt với khu vực sinh hoạt.

Trong quá trình đóng gói, quả phải được lựa chọn, phân loại và làm sạch để loại bỏ quả bị bệnh, thối hoặc biến dạng, lá, tàn dư thực vật và đất. Chải hoặc làm sạch bề mặt quả bằng súng áp suất cao để loại bỏ hiệu quả rệp sáp, trứng và bào tử nấm gây bệnh bám trên bề mặt quả. Trong trường hợp cần thiết, có thể lau bằng khăn bông mềm bề mặt quả, đặc biệt là phần cuống và các bộ phận khác.

Vật liệu đóng gói phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe cây trồng của Trung Quốc. Vật liệu đóng gói bằng gỗ phải tuân thủ Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật số 15 (ISPM 15).

Trong trường hợp cần bảo quản, quả tươi phải được đưa vào kho riêng biệt để ngăn ngừa tái nhiễm sinh vật gây hại. Trên mỗi hộp phải ghi nhãn bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh, gồm tên loại quả, nước xuất khẩu, địa điểm sản xuất (tỉnh), mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói... Đồng thời, trên mỗi hộp và kiện hàng phải ghi dòng chữ “Exported to the People’s Republic of China” hoặc dòng chữ “输往中华人民共和国”.

Trước khi xếp hàng, công-ten-nơ chứa chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải được làm sạch. Công-ten-nơ phải được niêm phong và đảm bảo nguyên vẹn khi đến cửa khẩu nhập của Trung Quốc.

Cơ sở đóng gói phải xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc có thể truy xuất ngược đến vùng trồng đã được cấp mã số, bao gồm thông tin ngày sản xuất, đóng gói, tên hoặc mã số vùng trồng, ngày xuất khẩu, khối lượng xuất khẩu, nước nhập khẩu, số công-ten- nơ và các thông tin khác.

Điều 5: Kiểm tra kiểm dịch trước khi xuất khẩu

Trong năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của MARD phải tiến hành kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 1 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ.

MARD sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả. Đồng thời, hồ sơ của các trường hợp vi phạm phải được lưu giữ và cung cấp cho GACC khi có yêu cầu.

Sau khi hoàn tất công tác kiểm dịch, MARD sẽ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật số 12 (ISPM 12) bao gồm tên đăng ký hoặc mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tại phần khai báo bổ sung phải ghi dòng chữ: “This consignment complies with requirements specified in the Protocol of Phytosanitary Requirements for Export of Fresh Bananas from Viet Nam to China, and is free from the quarantine pests of concern to China.”

Điều 6: Kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập

Chuối của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu quả.

Khi lô hàng chuối tới cửa khẩu nhập khẩu, GACC sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quy trình kiểm dịch thực vật.

Chuối của các vùng trồng và cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt, hoặc chuối chín thì lô hàng đó sẽ bị từ chối nhập khẩu.

Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc Phụ lục còn sống hoặc đối tượng kiểm dịch thực vật mới hoặc có đất hoặc lẫn tàn dư thực vật, lô hàng sẽ bị trả lại hoặc tiêu hủy hoặc xử lý.

Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ không được phép nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

GACC sẽ thông báo cho MARD nếu phát hiện việc không tuân thủ các yêu cầu nêu trên và tạm dừng nhập khẩu chuối từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan trong vụ xuất khẩu này tùy từng trường hợp. MARD cần xác định lý do của việc không tuân thủ và chấn chỉnh để ngăn chặn các tình huống tương tự tái diễn. Theo kết quả chấn chỉnh của MARD, GACC sẽ quyết định có hủy bỏ việc đình chỉ hay không.

Điều 7: Đánh giá bổ sung

Trên cơ sở thông tin cập nhật về tình hình sinh vật gây hại của chuối ở Việt Nam và kết quả phát hiện sinh vật gây hại trên hàng hóa nhập khẩu, GACC có thể thực hiện đánh giá nguy cơ dịch hại bổ sung. GACC sẽ thảo luận và thống nhất với MARD trong trường hợp điều chỉnh danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật và các biện pháp kiểm dịch thực vật liên quan. Trong trường hợp cần thiết, GACC có thể cử các chuyên gia sang Việt Nam để đánh giá bổ sung, bao gồm cả việc kiểm tra thực tế.

Mọi chi phí liên quan đến việc kiểm tra nêu trên, bao gồm cả chi phí đi lại và ăn ở, sẽ do phía Việt Nam chi trả. Dựa trên kết quả kiểm tra và sự nhất trí của hai bên, Nghị định thư có thể được sửa đổi theo yêu cầu.

Điều 8: Hiệu lực

Sau khi đạt được thỏa thuận bằng văn bản, các điều khoản của Nghị định thư có thể được sửa đổi theo sự nhất trí của cả hai bên. Nếu một trong hai bên muốn chấm dứt thực hiện Nghị định thư thì phải thông báo bằng văn bản cho bên kia trước ít nhất 6 tháng.

Nghị định thư này có hiệu lực trong 5 năm, trừ khi một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia ít nhất 3 tháng trước ngày hết hiệu lực về ý định sửa đổi hoặc chấm dứt Nghị định thư này. Nghị định thư này sẽ tự động gia hạn hiệu lực theo chu kỳ 5 năm.

Nghị định thư này được lập thành 2 bản chính bằng 3 ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Việt và tiếng Anh và có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong trường hợp có sự khác biệt trong cách giải thích, bản tiếng Anh sẽ có giá trị quyết định.

Xem thêm
Ngành tôm toàn cầu sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2024

Các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có sự cải thiện nhẹ về nhu cầu tiêu thụ tôm, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng thêm 2.000ha chuối trong năm 2024

TP.HCM Bầu Đức cho biết, năm 2024 không thoái vốn, cố gắng xóa nợ và rất thận trọng trong đầu tư, tiếp tục kiên trì với 'hai cây, một con' gồm chuối, sầu riêng và heo.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.

Bình luận mới nhất