Theo TS Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimexvn, sản lượng tôm toàn cầu hiện nay khoảng 5 triệu tấn, với mức tăng trưởng bình quân 5%/năm.
Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam đang là 3 nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Từ năm 2018 đến nay, sản xuất tôm ở Ecuador đã tăng trưởng ngoạn mục, đưa nước này trở thành quốc gia sản xuất tôm đứng đầu thế giới về sản lượng. Đứng ngay sau Ecuador là Ấn Độ.
Với sản lượng hơn 900 nghìn tấn đạt được trong năm 2021, Việt Nam hiện là nước sản xuất tôm lớn thứ 3 thế giới. Đứng sau Việt Nam trong Top 6 nước có sản lượng tôm lớn nhất toàn cầu là Indonesia, Trung Quốc và Thái Lan.
Trong những nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới, tôm Việt Nam có giá thành khá cao. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú, cho biết, do chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ, lẻ, nguyên liệu sản xuất thức ăn, thuốc chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu … nên chi phí sản xuất tôm ở Việt Nam hiện đang cao hơn khoảng 30% so với Ấn Độ, Indonesia và cao hơn mấy lần so với tôm Ecuador.
Ngoài chi phí sản xuất thấp, Ecuador còn có lợi thế lớn là chi phí logistics đi Mỹ và EU thấp hơn nhiều so với các nguồn cung châu Á.
Do đó, tại một số thị trường lớn nhất, tôm Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với tôm đến từ những nước nói trên. Chẳng hạn, tại thị trường Mỹ, tôm Ecuador đang chiếm khoảng 40%, Ấn Độ và Indonesia mỗi nước chiếm khoảng 20%, còn tôm Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 10%.
Thấy được hạn chế lớn về chi phí sản xuất, từ nhiều năm nay, ngành tôm Việt Nam đã đi sâu vào chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng và đã đạt được những thành tựu lớn.
Ông Hồ Quốc Lực chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, trình độ chế biến sâu các sản phẩm từ tôm của Việt Nam thấp hơn Thái Lan và Indonesia. Nhưng đến nay, trình độ chế biến của ngành tôm Việt Nam đã vượt qua Indonesia và đứng ngang hàng với Thái Lan ở vị thế 2 nước chế biến tôm đẳng cấp cao nhất trên thế giới.
Nhờ trình độ chế biến cao như vậy, tôm Việt Nam đang có được thị phần lớn nhất tại những thị trường ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Anh. Đồng thời, các sản phẩm giá trị gia tăng cũng giúp tôm Việt Nam duy trì được thị phần tại Mỹ trước sức ép cạnh tranh rất gay gắn của tôm Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Ngay tại Trung Quốc – thị trường chuyên nhập khẩu tôm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm tôm phục vụ cho người tiêu dùng nội địa, một số sản phẩm tôm chế biến của Việt Nam cũng đang thâm nhập tốt. Điển hình như sản phẩm tôm sú luộc (hấp) với màu đỏ bắt mắt của một số nhà máy Việt Nam hiện đang được Trung Quốc mua rất nhiều. Việt Nam là nước sản xuất tôm sú
Chính vì vậy, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, để giữ được vị thế, duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục phát huy thế mạnh là năng lực chế biến sâu. Nếu duy trì và phát huy được thế mạnh này, tôm Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục giữ được vị trí số 1 tại các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Anh, đồng thời duy trì được thị phần ở Mỹ, Trung Quốc và nâng cao thị phần tại EU.
Ngành chế biến tôm đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật để giảm nhân công, tăng năng suất lao động.
Hệ thống logistics đang ngày càng hoàn thiện với các cảng, kho chứa ngày càng đầy đủ, năng lực phục vụ ngày càng được cải thiện, đang góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho con tôm Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục gia tăng sản lượng để tăng thêm năng lực cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu của thị trường, không chỉ thị trường xuất khẩu mà cả thị trường nội địa trong và ngoài nước vì nhu cầu tiêu thụ tôm trong nước cũng đang tăng mạnh theo sự phát triển kinh tế, xã hội.