Từ ngày 1 - 30/6, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Truyền thống văn hóa gia đình các dân tộc Việt Nam”.
Các hoạt động góp phần tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn của gia đình Việt Nam, khuyến khích xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, hoàn thiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong tình hình mới.
Hoạt động tháng 6 có sự tham gia của gần 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) và đồng bào dân tộc Giẻ Triêng đến từ tỉnh Kon Tum nhằm giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Cụ thể, Ngày hội gia đình sẽ diễn ra hoạt động giao lưu thể thao, rèn luyện sức khoẻ, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết. Ngày hội là sân chơi giải trí tinh thần sau thời gian làm việc căng thẳng, nơi các gia đình gặp gỡ giao lưu, tạo nên một tập thể đoàn kết, gắn bó cùng chí hướng xây dựng “ngôi nhà chung” phát triển bền vững.
Điểm nhấn là chương trình giới thiệu “Sắc màu văn hóa dân tộc Giẻ Triêng” tỉnh Kon Tum, trong đó có phần tái hiện lễ cưới. Đồng bào Giẻ Triêng duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, phong tục cưới còn nhiều nét nguyên sơ, giàu tính nhân văn, đậm nét đẹp văn hóa tộc người. Với đồng bào Giẻ Triêng, những bó củi hứa hôn là lễ vật cô gái mang về nhà chồng.
Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu trưng bày ảnh “Khoảnh khắc sum vầy” để tôn vinh giá trị văn hóa gia đình, cộng đồng. Các tác phẩm phản ánh nét đẹp trong đời sống sinh hoạt văn hóa của gia đình trên khắp vùng miền, đất nước; phản ánh đậm nét về gia đình, văn hóa truyền thống, tình yêu thương, sự hòa thuận đầm ấm, tương thân tương ái trong cộng đồng; nét đẹp trong lễ cưới, lễ hội. Cùng với đó là câu chuyện về tình mẫu tử, tình cảm gắn kết với những khoảnh khắc bình dị như bữa ăn gia đình, tăng gia sản xuất, thể dục thể thao…
Du khách tham dự sẽ được trải nghiệm văn hóa truyền thống với nhiều trò chơi như chơi ô ăn quan, cờ ca rô, chơi rối tre trong nhà; đi cà kheo, nhảy sạp, chơi đu, bập bênh ngoài trời. Trẻ em có thể tìm hiểu văn hóa dân tộc qua trang phục của đồng bào mỗi dân tộc. Qua đó các em hiểu hơn quy trình chọn sợi, nhuộm màu, dệt, cấu trúc thành bộ trang phục hoàn thiện theo cách thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.