Nông nghiệp, du lịch và văn hóa phải trở thành một thực thể. Phục hồi thành công nhiều vườn bưởi già cỗi. Sóc Trăng cấp giấy phép khai thác hơn 1 triệu mét khối cát trên sông Hậu. TP. HCM: Khai mạc Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng năm 2024.
Nông nghiệp, du lịch và văn hóa phải trở thành một thực thể
Thanh Thủy - Sx
Để phát huy tối đa nguồn lực, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, chiều 1/6, Bộ NN-PTNT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi tọa đàm “Hai là một – Một của hai”.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, giá trị du lịch nông nghiệp là giá trị tích hợp trên một mảnh đất. Do đó, nông nghiệp, du lịch và văn hóa phải lồng vào với nhau và trở thành một thực thể. Nêu ví dụ từ cách làm du lịch nông nghiệp tại Hàn Quốc, Bộ trưởng cho rằng, cần mở rộng bản đồ du lịch quốc gia và không chỉ dừng ở những địa danh đã nổi tiếng như Hạ Long, Phú Quốc… Cần mở ra không gian rộng lớn của những vùng nông thôn, nơi những người nông dân đang lặng lẽ bồi đắp sức sống cho cộng đồng.
Về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: du lịch nông nghiệp, nông thôn đang phát triển và còn nhiều dư địa. Đây cũng là khu vực được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn đến để trải nghiệm và đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong lành. Do đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn được dự báo là hướng đi tất yếu nhằm góp phần phát triển kinh tế tại các miền quê.
Phục hồi thành công nhiều vườn bưởi già cỗi
Hồ Thảo - Sx
Xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nổi tiếng với giống bưởi Năm Roi nhờ điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây có múi. Tuy nhiên, các vườn bưởi ở đây đã già cỗi và xuất hiện bệnh vàng lá và thối rễ, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Theo ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, địa phương chỉ còn 576 ha đất trồng bưởi, giảm hơn một nửa so với năm 2010. Hiện, xã đang phối hợp với Trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình trẻ hóa vườn bưởi già cỗi. Quy trình thực hiện gồm phục hồi đất bằng phân hữu cơ và tỉa tạo nhánh mới, giúp cây bưởi hồi phục đến 90%. Xã Mỹ Hòa đang thực hiện 29 mô hình điểm với diện tích 29.000 m² và tiếp tục mở rộng nhằm từng bước phục hồi vùng nguyên liệu cây có múi của tỉnh.
Sóc Trăng cấp giấy phép khai thác cát đầu tiên trên sông Hậu
Văn Vũ - Sx
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phê duyệt giấy phép đầu tiên khai thác cát sông tại mỏ cát 05 trên sông Hậu của Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn - đơn vị trúng thầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự án thành phần 4 đoạn qua Sóc Trăng. Mỏ cát này thuộc địa bàn xã An Thạnh 1 và xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung với diện tích 100ha. Tổng trữ lượng cát san lấp được phép khai thác là khoảng 1 triệu 200 m3. Khai thác bằng phương pháp lộ thiên trong thời gian 2 năm. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trên 7,7 tỉ đồng.
Trước đó,UBND tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao hồ sơ 5 mỏ cát, tổng diện tích hơn 450ha với trữ lượng hơn 11 triệu m³ cho các nhà thầu. Các mỏ cát này nằm trên sông Hậu giáp với tỉnh Trà Vinh, thuộc địa bàn các huyện Kế Sách, Cù Lao Dung, Trần Đề (Sóc Trăng).
Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng TP.HCM năm 2024
Trần Phi - Sx
Sáng 1/6, Lễ hội Cá cảnh - Thú cưng TP.HCM năm 2024 chính thức khai mạc, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Tại đây có 37 gian hàng xúc tiến thương mại, triển lãm các loại cá cảnh như: Cá vàng, Cá bảy màu, Cá La hán, cá Rồng, cá Đĩa… với quy mô hơn 800 hồ và 1.000 giống khác nhau. Ngoài ra, lễ hội triển lãm thú cưng như: (chó, mèo), triển lãm bò sát cảnh gồm: trăn, rồng Nam Mỹ, rắn, tắc kè… Đặc biệt, lễ hội năm nay có sự xuất hiện của thú cưng côn trùng là kiến.
Ngày hội là cơ hội cho các nghệ nhân, đơn vị sản xuất, kinh doanh cá cảnh và thú cưng tại TP.HCM giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong việc chăm sóc, sưu tầm, bảo tồn và nhân giống, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm cá cảnh, thú cưng nhằm mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người nuôi.